Mùa gặt quê em mới rộn ràng và náo nức làm sao. Cả làng quê như thức dậy sớm hơn, những âm thanh rộn rã của thôn quê đang mùa thu hoạch lúa làm bừng tỉnh cả đất trời. Cánh đồng cũng thức dậy sớm, khoe sắc vàng rực rỡ, chờ đợi bàn tay con người.
Em cùng chị dậy sớm theo bố mẹ ra đồng gặt để chạy đua với cái nắng oi ả, chói chang của ngày hè. Bước ra cổng làng, em nhận thấy từ các nẻo đường, các bác nông dân cũng đổ ra đồng. Cả cánh đồng lúa vàng ươm trải rộng đến tận chân trời. Màu vàng rực của lúa làm nổi bật từng lũy tre xanh, vườn cây ăn quả, những xóm làng trù phú. Xa xa, dãy núi mờ mờ uốn lượn tạo đường viền cho bức tranh đồng quê. Đâu đó, từng đàn chim tung cánh bay, cất tiếng hót líu lo. Các bác nông dân vừa đi ra đồng vừa trò chuyện vui vẻ, tiếng nói tiếng cười vang cả một góc trời “Lúa năm nay lại được mùa to!”, “Trời nắng, lúa chín nhanh thế!”… Quả thật, em ngắm nhìn từng bông lúa trĩu hạt, khẽ đung đưa trong gió sớm, lòng thấy hạnh phúc vô cùng. Những hạt lúa vàng, căng tròn, chen chúc nhau trên gia đình lúa. Thật không nơi đâu đẹp hơn quê em!
Trên cánh đồng, các bác nông dân ra ruộng nhà mình. Họ mang theo những tệp bao để đựng thóc. Không cần liềm như trước vì đã có những chiếc máy gặt khổng lồ đã sẵn sàng túc trực từ sáng sớm. Khi sương vừa tan, cỗ máy gặt nổ vang cả cánh đồng. Dưới bàn tay lái của bác nông dân, cỗ máy gặt chạy phăng phăng trên từng thửa ruộng, đưa chiếc miệng khổng lồ vơ lúa vào miệng. Cứ thế, đàn đàn lũ lũ nhà lúa chạy tọt vào máy, anh chàng máy gặt khéo léo vô cùng. Anh ấy vừa cắt luá, tuốt lúa, nhả rơm, không sót một bông nào. Lúa hạt mẩy chảy ào ào vào miệng những chiếc bao đã hứng sẵn. Hai bác nông dân to khỏe làm công việc đóng lúa thôi. Còn thân cây lúa được máy phay ra làm để phơi làm thức ăn cho trâu, bò, hoặc để bón ruộng. Chỉ một loáng, cỗ máy lại ghé vào bờ lớn, mọi người túm vào cất những bao lúa căng tròn lên bờ. Đây là lúc người dân quê em giúp nhau, không kể là anh em thân thiết, thấy việc là tất cả túm vào, khuân vác lúa giúp nhau. Lúc này, bố mẹ cũng được mọi người giúp, chuyển lúa lên xe công nông của bác An. Bác ấy sẽ trở về từng nhà cho mọi người. Tình làng nghĩa xóm lúc này mới ý nghĩa làm sao. Việc chuyển mấy chục bao lúa một lúc lên xe dưới cái năng oi ả cũng là thách thức rất lớn. Những chiếc xe công nông chở đầy lúa, nặng nề chuyển bánh, chạy về từng ngả đường làng.
Dưới ruộng, những gốc dạ được máy cắt bằng trần trận, phơi mình thoáng đãng như đang mỉm cười vì đã hoàn thành một quá trình đầy vất vả, lúa đã đến tay người. Đường làng bây giờ rộn rã bới tiếng xe công nông trở lúa về nhà. Lúa nhanh chóng được trải đều ra sân. Hạt lúa căng tròn đón lấy ánh nắng rực rỡ. Em cùng chị cào lúa, lăn lúa cho mau khô. Nhìn sân lúa vàng mà lòng ai cũng náo nức. Nhìn mẹ, em thấy thương mẹ vô cùng vì áo mẹ đã ướt sũng mồ hôi, khuôn mặt mẹ đỏ gay vì phơi mình dưới nắng gắt. Trời càng nắng, mẹ lại càng hăng say cào lúa, lăn luống cho lúa mau khô. Mỗi người một việc, ai cũng vui vẻ, phấn trấn. Thỉnh thoảng, em lại được mẹ giao nhiệm vụ nhìn trời xem có mây không, màu mây thế nào, nếu cần cả nhà lại bỏ cơm để nhanh chóng cào lúa…Công việc bận rộn vô cùng.
Nếu một lần ghé qua một vùng quê, bạn hãy nán lại bên một khoảnh ruộng, ngắm nhìn những bông lúa vàng ươm, hít một hơi thật sâu để cảm nhận hương thơm của lúa, cũng như nỗi vất vả của nhà nông. Bạn sẽ thấy hạnh phúc vô cùng, thấm thía sâu hơn lời cô giảng về bài thơ “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mệnh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”. Để từ đó, chúng ta yêu quý, trân trọng giá trị của hạt gạo, bát cơm ta ăn mỗi ngày.