Phân tích văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”

Du kí là một thể của kí, dùng để ghi lại những điều đã chứng kiến trong một chuyến đi diễn ra chưa lâu của bản thân tới một miền đất khác. “Đồng Tháp Mười mùa nước nổilà một bài du kí đặc sắc của tác giả Văn Công Hùng. Tác phẩm là thành quả ghi chép những thu hoạch của Văn Công Hùng sau chuyến thăm tới Đồng Tháp Mười. Đoạn trích SGK đã ghi lại những suy nghĩ, tình cảm và cách nhìn nhận của mình về con người, cảnh quan, đồ ăn, di tích đặc trưng và con người nơi đây với những sự mộc mạc, giản dị chân thành nhất. Đồng thời gửi gắm vào đó cả tình cảm yêu mến trân trọng của mình.

Tác giả Văn Công Hùng sinh năm 1958, tuy sinh ra tại Thanh Hóa, nhưng lại được biết đến nhiều hơn với tên gọi “nhà thơ Tây Nguyên”. Ông là một cây bút đa tài, vừa viết văn, vừa làm thơ, thích phiêu du. Ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông có quan niệm văn chương sâu sắc: “Viết không bao giờ là trò chơi, mà là cuộc vật lộn khổ sở, là nghiệp đeo đẳng suốt đời. Chữ không làm cho người no, nhưng cho ta cảm giác bình an và như thế là hạnh phúc. Nhiều hay ít là do tài năng từng người, nhưng được một câu thơ một bài báo có ích là mong mỏi của tôi, người viết“. Đoạn trích “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” trích trong bài kí cùng tên, được in trên Báo Văn nghệ, số 49, tháng 12/2011 ghi lại những cảnh sắc và con người Đồng Tháp Mười nơi mà tác giả lần đầu ghé thăm. Theo chân nhà văn, người đọc như được thức nhọn mọi giác quan để sống trong bầu không khí và cảnh vật đậm chất miền Tây.

Mở đầu đoạn trích, tác giả vẽ ra cho người đọc bức tranh thiên nhiên và cảnh quan nơi Đồng Tháp Mười. Đúng như lời khẳng định của nhà văn: “Nói đến Đồng Tháp Mười là phải nói đến lũ”. Lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước, mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hóa đồng bằng.Nếu không có lũ, nước kiệt đi thì sẽ rất khó khăn. Làm nên nét đặc trưng của cảnh quan Đồng Tháp Mười còn là hệ thống kênh rạch chằng chịt. Kênh được đào để thông thương, lấy nước, lấy đất đắp đường. Hệ thống kênh rạch chằng chịt, kê huyết mạch nối những cù lao, giồng,…thành một đồng bằng rộng lớn và đầy màu sắc. Vào vùng lõi của Đồng Tháp, khách du lịch có thể ghé thăm vườn quốc gia Tràm Chim. Nơi đây là xứ sở của hàng vạn, chục vạn con lớn bé to nhỏ rợp cả một khoảng trời. Tác giả Văn Công Hùng vô cùng ngạc nhiên trước cách lí giải về tên gọi “Tràm Chim”, chỉ đơn giản là những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn. Không chỉ có lũ, có kênh rạch chằng chịt, có chim thành rừng mà Đồng Tháp còn nổi tiếng với sen. Theo tác giả, “sen Tháp Mười là một thế lực, thế lực của cái đẹp tự nhiên”. Chẳng vậy mà sen nơi đây đã đi vào thơ ca từ lâu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Bằng những lời văn giàu hình ảnh, ngôn ngữ gợi cảm kết hợp với biện pháp nhân hoá, tác giả Văn Công Hùng đã nêu bật được vẻ đẹp riêng của sen Đồng Tháp – nơi được ví là đất sen hồng với những đầm sen nở đẹp nức lòng người: “Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết mưng mở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác, mà không chen, chúng chiếm những không gian rộng lớn, chỉ mình sen. Tràm dày đặc tíu tít xung quanh như những người lính gác cần mẫn và trung thành. Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình. Bức tranh thiên nhiên, cảnh quan nơi Đồng Tháp Mười hiện lên thật sinh động, cuốn hút qua ngòi bút của tác giả Văn Công Hùng. Nhà văn đã nắm bắt và gợi được cái hồn của cảnh vật nơi đây, để những trang viết cứ phảng phất phong vị miền Tây.

Bài kí còn đem đến những hiểu biết cho người đọc về những nét văn hoá đặc sắc của vùng Đồng Tháp Mười về ẩm thực và kiến trúc. Nhắc đến văn hoá ẩm thực của mảnh đất miền Tây này, ta không thể không nhắc đến cá linh và bông điên điển – hai món ăn đặc trưng mà theo cách nói của tác giả Văn Công Hùng đó là “hai món quốc hồn quốc tuý đồng bằng ấy”. Qua những dòng viết của mình, người đọc thấy được niềm trân trọng của tác giả khi thưởng thức hai món ăn dân dã gắn với miên man sông nước của vùng đất phương Nam. Theo sát hành trình du hí của nhà văn, người đọc còn được mở rộng kiến thức về văn hoá kiến trúc Đồng Tháp Mười qua khám phá khu di tích Gò Tháp. Khu gò rộng khoảng 5 000 mét vuông và cao hơn khoảng 5 mét so với mực nước biển, nằm giữa rốn Đồng Tháp Mười Người ta khai quật được một di tích nền gạch cổ có khoảng 1 500 năm trước và được công nhận là di tích quốc gia. Nơi đây là đại bản doanh của cụ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều – hai vị anh hùng chống thực dân Pháp, là căn cứ địa chống Mỹ cứu nước của cách mạng Việt Nam. Tháp Sen được chọn để xây dựng ở đây như cách tôn vinh sen Đồng Tháp Mười. Nhà văn không chỉ cung cấp cho người đọc kiến thức địa lí mà còn mở rộng kiến thức lịch sử về vùng đất nơi đây.

Khép lại bài kí là những cảm nhận của nhà văn về con người và cuộc sống nơi Đồng Tháp Mười:Người dân vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống… chung với nhịp nhàng nước kiệt nước ròng, với những câu vọng cổ là đà trên nước mỗi khi chiều về bên chai rượu đế với ca trà đá, cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái, nhưng họ góp phần làm nên một Đồng Tháp năng động hiện đại”. Kết thúc hành trình chỉ có một ngày trong tiếc nuối, nhà văn cùng người bạn của mình dạo một vòng quanh thành phố Cao Lãnh để ngắm thành phố lúc về đêm trước khi về.

Hành trình khám phá Đồng Tháp Mười trong một ngày đã đem lại cho nhà văn nhiều cảm xúc đan xen: vừa ngỡ ngàng, vừa choáng ngợp, vừa tận hưởng, vừa tiếc nuối,… Điều đó cho thấy tác giả thật sự trân trọng chuyến đi tìm hiểu về vùng đất mới này, coi đó là cơ hội quý giá để khám phá, mở mang hiểu biết về thiên nhiên và con người mảnh đất phương Nam.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, lôi cuốn kết hợp giữa tự sự,  miêu tả và biểu cảm; ngôi kể tự nhiên, chân thật, gần gũi, đoạn trích “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi đã tái hiện thiên nhiên Đồng Tháp Mười vào mùa lũ một cách chân thực, sinh động hấp dẫn với những sự vật gần gũi thân thuộc nhất. Nội dung tác phẩm mở ra trước mắt người đọc một Đồng Tháp Mười với những đặc điểm riêng biệt, cho người đọc cái nhìn chân thực về nơi đây. Đoạn trích cũng bộc lộ tình cảm chân thành yêu mến của tác giả tự nhiên, bồi đắp thêm tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước ở mỗi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *