I/ ĐOẠN VĂN- CÂU CHỦ ĐỀ CỦA ĐOẠN VĂN:
* Đoạn văn:
– Là một phần của văn bản được tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Đoạn văn thường diễn đạt tương đối hoàn chỉnh một ý hoặc một nội dung nào đó.
– Ý chính của đoạn văn là ý bao trùm, ý chung mà tất cả các câu trong đoạn đều tập trung thể hiện.
* Câu chủ đề:
– Câu chủ đề của đoạn văn là câu nêu lên ý chính, ý khái quát của cả đoạn. Câu chủ đề thường có cấu tạo tương đối ngắn gọn, đầy đủ thành phần chứa nhiều từ ngữ có nội dung khái quát, có thể là câu khẳng định, phủ định hoặc nghi vấn, câu chủ đề có thể đứng ở đầu, ở cuối hoặc cả hai vị trí này trong đoạn văn.
II/ CÁCH TRÌNH BÀY NỘI DUNG TRONG ĐOẠN VĂN:
1/ Diễn dịch:
– Là cách trình bày đi từ ý chung, khái quát đến các ý chi tiết cụ thể làm sáng tỏ ý chung, ý khái quát đó. Câu mang ý chung, khái quát đứng ở đầu đoạn văn có tư cách là câu chốt của đoạn.
VD: “Có đọc văn thơ mới biết trăng là một cái gì đẹp và quý lắm. Trăng là cái liềm vàng giữa đồng sao. Trăng là cái đĩa bạc như tấm thảm lưng da trời. Trăng toả sáng xuống trần gian. Trăng tuôn suối mát để những hồn khao khát ngụp lặn” (Nam Cao)
VD: Đồng tiền cơ hồ đã trở thành thế lực vạn năng. Tài hoa, nhan sắc, tình nghĩa, nhân phẩm, công lý đều không còn có nghĩa gì trước thế lực của đồng tiền. Tài tình, hiếu hạnh như Kiều cũng chỉ còn là một món hàng, không hơn, không kém. Ngay Kiều nữa, cái việc dại dột nhất, tội lỗi nhất, trong suốt cuộc đời nàng, cái việc nghe lời Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng, một phần cũng siêu lòng vì ngọc vàng của Hồ Tôn Hiến.
(Hoài Thanh)
2/ Quy nạp
– Là cách trình bày đi từ chi tiết, cụ thể đến khái quát. Câu mang ý chung, ý khái quát đứng ở cuối đoạn văn và có tư cách là câu chốt của đoạn.
VD: “Quan lại vì tiền mà bất chấp công lý, sai nha vì tiền mà tra tấn cha con vương ông, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Quyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác. Cả một xã hội chạy theo tiền”
(Hoài Thanh)
VD: Bình Ngô Đại Cáo có bố cục chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc tiêu biểu. Giọng văn khi sâu lắng nghĩ suy, khi sôi sục căm hờn, khi hào hùng sảng khoái, khi thiết tha xúc động hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Tác phẩm đúng là “một áng thiên cổ hùng văn”.
3/ Tổng – phân – hợp:
– Gồm 3 phần:
a) Mở đoạn: Nêu lên chủ đề của đoạn, chủ đề thường được kết tinh, cô đúc khái quát nội dung của toàn đoạn.
b) Thân đoạn: Đi triển khai các khía cạnh, các mặt biểu hiện của chủ đề được nêu ra ở câu mở đoạn. Cụ thể hoá và phát triển chủ đề đó bằng việc phân tích chứng minh, giải thích, minh hoạ,…
c) Kết đoạn: Thâu tóm tinh thần chung của nội dung cả đoạn và nâng cao chủ đề lên một bước khái quát mới có thể mở ra một chủ đề khác có liên quan.
VD: Lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu trước hết là lòng yêu những người lao động và chiến đấu của đất nước. Hầu hết các nhân vật được biểu hiện lên trong tập thơ đều là những người nông dân lao động, từ anh bộ đội nghỉ chân lưng đèo Nhe, anh pháo binh vác voi ra trận, bà mẹ trên nhà sàn Việt Bắc đến bà Bủ làm ổ chuối khô, hay chị phụ nữ phá đường. Ngay từ đầu kháng chiến, trong khối toàn dân đoàn kết giết giặc, Tố Hữu đã nhận rõ nhân dân là lực lượng trụ cột. Anh đem hết nhiệt tình biểu hiện họ lên thành những nhân vật chủ yếu của thơ anh. ( Hoàng Trung Thông)
4/ Song hành:
– Là cách trình bày các ý có vai trò bình đẳng nhau trong việc thể hiện nội dung chính của đoạn văn. Không có hiện tượng ý này bao quát ý kia, ý này móc nối ý khác. Đây là đoạn văn không có câu chốt.
VD: “Mặt trời nhô lên cao dần, gió bắt đầu mạnh. Gió lên, nước biển càng giữ khoảng mênh mông ầm ĩ, càng lan rộng mãi vào. Bãi Vẹt đã ngập lưng lưng. Biển cả như muốn nuốt tươi con đò mỏng manh như con cá mập đớp con cá chim nhỏ bé”. (Chu Văn)
VD: Nếu Thuý Vân có vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang thì trái lại Thuý Kiều lại mang một vẻ đẹp “sắc sảo, mặn mà” . Nếu Thuý Vân có sắc đẹp kiều diễm với khuôn mặt đầy đặn như trăng tròn, miệng cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc thì Thuý Kiều lại có sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” với đôi mắt trong như nước mùa thu, đôi lông mày đẹp như dáng núi mùa xuân.
5 / Móc xích:
– Là cách trình bày ý nọ nối tiếp ý kia để bổ sung giải thích cho nhau theo lối ý sau móc nối vào ý trước do có một bộ phận trùng lặp về nội dung. Tất cả các ý cùng hướng vào sự việc chung hướng trong đoạn văn. Đây là đoạn văn có thể có câu chốt hoặc không.
VD: “Đọc thơ Nguyễn Trãi, nhiều khi người đọc khó mà biết có đúng là thơ Nguyễn Trãi không. Đúng là thơ Nguyễn Trãi rồi thì cũng không phải dễ mà hiểu đúng. Lại có khi chữ hiểu đúng, câu hiểu đúng mà toàn bài không hiểu. Không hiểu vì không biết các bài thơ đã được viết ra lúc nào trong cuộc đời chìm nổi của ông. (Hoài Thanh)
VD: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hoá. Vậy việc bổ túc văn hoá là cực kỳ cần thiết.