QUÊ HƯƠNG
Tế Hanh
I/ Tìm hiểu chung
1/ Tác giả Tế Hanh (sgk)
2/ Tác phẩm
a/ Hoàn cảnh ra đời
Bài thơ được sáng tác vào năm 1939 khi tác giả đang sống xa quê hương, được in trong tập Hoa niên (1945).
b/ Thể thơ và phương thức biểu đạt
Thể thơ: 8 chữ (Bài thơ có nhiều câu, mỗi câu có 8 chữ, gieo vần linh hoạt)
Phương thức biểu đạt : biểu cảm, miêu tả, tự sự
c/ Nội dung chính
Bài thơ là một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Nổi bật trong bức tranh đó là cảnh lao động và hình ảnh khỏe khoắn của người dân chài. Qua đó, thể hiện tình cảm thiết tha của tác giả với quê hương.
d/ Bố cục
Khổ 1 (hai câu đầu): giới thiệu chung về làng quê của tác giả
Khổ 2 : Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá
Khổ 3 : cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về
Khổ 4: Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ
II/ Phân tích
1/ Lời giới thiệu về làng quê của tác giả
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Hai câu thơ đầu là lời giới thiệu khái quát về làng quê của tác giả
Cách xưng hô “làng tôi” đầy thân mật đã thể hiện tình cảm thân thiết, gắn bó của tác giả với quê hương.
Nghề nghiệp của làng quê là nghề chài lưới. Từ “vốn” cho thấy đây là một làng nghề đã có truyền thống từ lâu đời. Cách giới thiệu của nhà thơ đã ẩn ý tình cảm tự hào đối với quê hương.
Làng quê nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên là một làng chài ven biển với “nước bao vây” và khoảng cách tới biển “nửa ngày sông”. Cách giới thiệu rất tự nhiên, bình dị, mang đậm nét ngôn ngữ của người dân miền biển.
Niềm yêu mến, tự hào của người con xa quê.
2/ Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Đoàn thuyền ra khơi trong cảnh bình minh trong trẻo, khoáng đạt, tươi đẹp với bầu trời trong xanh, gió nhè nhẹ thổi, vừng đông ửng hồng rực rỡ à dự báo cho một chuyến ra khơi thuận lợi, biển lặng sóng êm.
Nổi bật trên nền không gian ấy là hình ảnh con người lao động với những chàng trai khỏe mạnh, sức lực tràn trề.
Chiếc thuyền đánh cá được so sánh với con tuấn mã mang sức mạnh phi thường cùng với các động từ mạnh “hăng”, “phăng”, “vượt” đã diễn tả hình ảnh con thuyền rẽ sóng băng băng với khí thế tràn đầy dũng mãnh.
Hình ảnh “cánh buồm” được so sánh với “mảnh hồn làng” gợi cảm nhận cánh buồm bạc màu giản dị, gần gũi đã trở thành biểu tượng của người dân làng chài , trở thành nét đẹp tâm hồn trong mỗi người con miền biển.
Cánh buồm được nhân hóa “rướn thân trắng” như một con người đang ưỡn tấm ngực căng phồng, dẻo dai đã thể hiện khí thế lao động và khát vọng chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển trời của những người lao động.
Vẻ đẹp và sức mạnh của con thuyền chính là khí thế mạnh mẽ, hào hứng của con người đi chinh phục biển cả. Đây là một bức tranh lao động trên biển vô cùng đẹp đẽ, vừa hiện thực lại vừa bay bổng . Phải có tình yêu quê hương tha thiết, Tế Hanh mới viết được những vần thơ giàu hình ảnh và giàu cảm xúc đến thế.
3/ Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Câu thơ đầu tiên đã mang đến một thông tin rất cụ thể về không gian, thời gian đoàn thuyền đánh cá trở về: trên bến đỗ của ngày hôm sau.
Các từ láy ồn ào, tấp nập đã gợi không khí tươi vui, hồ hởi của những người dân làng chài đi đón ghe về từ sáng sớm.
“Nhờ ơn trời” là tiếng reo vui đầy phấn khởi của người dân chài, thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ thiên nhiên đã cho sóng yên biển lặng để họ thu được thành quả lao động là những mẻ cá đầy khoang với “những con cá tươi ngon thân bạc trắng” sau một ngày lao động vất vả.
Hình ảnh người dân chài hiện lên qua nét vẽ đặc tả: “làn da ngăm rám nắng” rất khỏe khoắn, đầy sức sống, mang hơi thở của biển khơi. Dường như vị mặn mòi của biển đã thấm sâu vào cơ thể họ, vào tâm hồn và cả hơi thở của họ “cả thân hình nồng thở vị xa xăm”.
Con thuyền đã được nhân hóa “im bến mỏi trở về nằm”, giống như con người sau một ngày lao động vất vả , con thuyền nằm nghỉ ngơi như đang ngẫm nghĩ. Nghệ thuật nhân hóa khiến con thuyền vô tri bỗng trở nên sống động, có hồn.
Từ “nghe” thể hiện sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Con thuyền như một cơ thể sống, cảm nhận được chất muối của biển đang ngấm dần, lặn dần vào cơ thể mình.
Đoạn thơ đã vẽ lên cuộc sống lao động đầy ắp niềm vui; con người gắn bó hòa hợp với thiên nhiên biển cả.
4/ Nỗi nhớ quê hương tha thiết
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Vẫn con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
Bài thơ được viết khi tác giả đang sống xa quê hương cho nên nỗi nhớ quê hương lại càng trào dâng mãnh liệt.
Nhà thơ đã giãi bày trực tiếp tình cảm của mình đối với quê hương “lòng tôi luôn tưởng nhớ”. Đó là nỗi nhớ da diết, khắc khoải, thường trực, sâu đậm, không thể nguôi ngoai.
Nỗi nhớ hướng về những hình ảnh quen thuộc: màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm trắng – những hình ảnh bình dị, thân thuộc, gắn liền với người dân miền biển.
Nỗi nhớ hướng về khung cảnh sinh hoạt của người dân làng chài: “Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi” . Đâu đó trong tiềm thức của nhà thơ, cảnh sinh hoạt đánh bắt cá của người dân quê hương vẫn luôn luôn thường trực trong tâm trí.
Khép lại bài thơ là một câu thơ cảm thán “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” . Mùi nồng mặn của biển cả như thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ. Cái mùi nồng mặn ấy chính là vị của biển cả, của thân hình nồng thở vị xa xăm ở người dân chài, vị của chất muối thấm trong thớ gỗ của con thuyền.
Điệp từ “nhớ” làm cho giọng thơ thêm tha thiết, bồi hồi, bộc lộ rõ nét tình yêu, sự gắn bó với quê hương của tác giả.
III. TỔNG KÊT – ghi nhớ sgk