Mở Bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề:
– Khái quát vai trò của trẻ em: Trẻ em là mầm non của đất nước- thế hệ măng non sau này cần được bảo vệ và phát triển về mọi mặt
– Đưa ra vấn đề: Thực trạng bạo hành trẻ em vẫn còn diễn ra ,….
Thân bài :
1. Giải thích: Bạo hành trẻ em là gì?
– Hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần như sử dụng vũ lực để đánh đập, xâm hại thân thể, xâm hại tình dục trẻ em, lợi dụng sức lao động hay bỏ bê trẻ em,…
– Bất cứ ai cũng đều có thể có khả năng bạo hành trẻ em như những người trong gia đình cha mẹ, ông bà hay những người lớn hoàn toàn xa lạ.
– Những người có hành vi bạo hành trẻ em thực sự là những người bị suy thoái về nhân phẩm, không có tình yêu thương
2. Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay
– Tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ.
+ Cha mẹ vì những áp lực và vấn đề của riêng bản thân họ mà họ đã trút giận lên đầu những đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
+ Các em còn quá nhỏ để nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc đó và khó để tự lên tiếng bảo vệ mình.
– Lúc đầu, có thể các em phải chịu những lời mắng chửi nhưng lâu dần mức độ sẽ ngày càng tăng như đánh đập hay sử dụng nhiều cách bạo hành thân thể khác nhau.
– Dẫn chứng: Em bé bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu và cuối cùng em đã không thể qua khỏi
– Trẻ em ngày nay còn bị bạo hành bằng việc lợi dụng sức lao động: bị người lớn lợi dụng phải làm việc, những công việc không phù hợp với lứa tuổi các em.
– Dẫn chứng: Hình ảnh những em bé nhỏ tuổi phải đi làm thuê, bán hàng rong trên những con phố,…
3. Tác hại của việc bạo hành trẻ em?
(Ảnh hưởng đến trẻ như thế nào về sức khỏe, tinh thần, danh dự, tương lai, ảnh hưởng đến danh dự người bạo hành như thế nào?…)
– Hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của trẻ em
+ Trên người trẻ em là những vết thương, vết bầm tím, đó là những vết thương để lại sau những trận bạo hành.
+ Theo thời gian các em có thể mắc các bệnh lí về thể chất như còi cọc, chậm lớn, rối loạn tiêu hoá,…
– Tâm lí và tính cách của trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề
+ Trẻ em trở nên rụt rè, sợ hãi, luôn trong trạng thái lo lắng
+ Khi bị bạo hành quá thường xuyên, trẻ em sẽ mắc các căn bệnh tâm lí như rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi và ứng xử
– Trẻ em bị bạo hành có xu hướng dễ bị kích động và thành người hay sử dụng bạo lực
– Người có hành vi bạo hành sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng nề hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự
4. Nguyên nhân thực trạng này vẫn còn tiếp diễn?
– Nguyên nhân của bạo hành trong gia đình:
+ Cha mẹ chịu những áp lực từ công việc, cuộc sống và có xu hướng bạo lực con của mình
+ Họ coi đó là điều đương nhiên, họ nguỵ biện rằng đó là cách dạy con, đó là quyền của cha mẹ dạy con nên người
– Thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng bởi nhà nước và các ngành chưa thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi người
– Những chất xúc tác khiến cho mức độ của hành vi bạo hành càng trở nên dã man hơn, có thể là những chất kích thích hay bị xúi giục.
– Việc bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện và báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nên tình trạng đó vẫn tiếp tục tiếp diễn.
5. Bài học, giải pháp để hạn chế tình trạng này
– Bài học rút ra: Mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em và có những biện pháp để hạn chế tình trạng bạo hành.
– Giải pháp
+ Cần có việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội, nâng cao trách nhiệm của bản thân, gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi hành vi ngược đãi, đánh đập
+ Nhà trường cần xây dựng nhiều phòng tư vấn tâm lí học đường để sớm phát hiện ra những lo lắng và vấn đề mà học sinh gặp phải
+ Nhà nước cần chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hoàn thiện hơn luật pháp về quyền trẻ em, có những hình thức xử phạt nghiêm minh các hành vi bạo hành trẻ em
Kết bài :
– Khẳng định lại vấn đề: Bạo hành trẻ em là một vấn nạn nhức nhối cần toàn xã hội chung tay lên án, xóa bỏ.
– Liên hệ bản thân: Em sẽ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em, tuyên truyền để góp phần giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em sau này.
Bài làm hoàn chỉnh phát triển từ dàn ý chi tiết
Có người đã từng nói rằng: “Tiếng cười của một đứa trẻ khiến ta liên tưởng đến một bản nhạc sôi động, vui nhộn nhất mà ta được nghe thấy trên thế gian này”. Trẻ em như những bông hoa nhỏ xinh đẹp trong cuộc đời, tiếng cười của chúng khiến ta có thể vui vẻ cả ngày. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng bạo hành trẻ em đang diễn ra vô cùng phổ biến và là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
Vậy bạo hành trẻ em là gì? Đây là hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần như sử dụng vũ lực để đánh đập, xâm hại thân thể, xâm hại tình dục trẻ em, lợi dụng sức lao động hay bỏ bê trẻ em,… Tất cả những hành vi trên đều là việc bạo hành trẻ em dẫn đến sự ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần
và sự phát triển lâu dài của trẻ em. Bất cứ ai cũng đều có thể có khả năng bạo hành trẻ em như những người trong gia đình cha mẹ, ông bà hay những người lớn hoàn toàn xa lạ. Những người có hành vi bạo hành trẻ em thực sự là những người bị suy thoái về nhân phẩm, không có tình yêu thương.
Hiện nay, tình trạng bạo hành trẻ em vô cùng đáng báo động. Đáng buồn hơn nữa là tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Cha mẹ chỉ vì những áp lực và vấn đề của riêng bản thân họ mà họ đã trút giận lên đầu những đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Các em còn quá nhỏ để nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc đó và khó để tự lên tiếng bảo vệ mình. Các em chỉ có thể chịu đựng sự dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Lúc đầu, có thể các em phải chịu những lời mắng chửi nhưng lâu dần mức độ sẽ ngày càng tăng như đánh đập hay sử dụng nhiều cách bạo hành thân thể khác nhau. Như mới gần đây mạng xã hội phẫn nộ với câu chuyện một em bé bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu và cuối cùng em đã không thể qua khỏi. Khi đọc được câu chuyện ấy, ta cảm thấy thật ghê sợ trước hành động đó của người lớn. Những người cha người mẹ như vậy thực sự không xứng đáng với tên gọi của mình, sẽ chẳng có cha mẹ nào luôn sử dụng vũ lực với con cái của mình. Ngoài ra, trẻ em ngày nay còn bị bạo hành bằng việc lợi dụng sức lao động. Các em còn nhỏ đáng ra sẽ được đến trường học thế nhưng lại bị người lớn lợi dụng phải làm việc, những công việc không phù hợp với lứa tuổi các em. Từ đó, người lớn sẽ thu được lợi nhuận từ việc đó. Như hình ảnh những em bé nhỏ tuổi phải đi làm thuê, bán hàng rong trên những con phố,…
Việc bạo hành trẻ em gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần của trẻ em. Thật đau đớn khi nhìn thấy trên người trẻ em là những vết thương, vết bầm tím, đó là những vết thương để lại sau những trận bạo
hành. Theo thời gian các em có thể mắc các bệnh lí về thể chất như còi cọc, chậm lớn, rối loạn tiêu hoá,…Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tâm lí và tính cách của trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề. Tất cả những hành động đánh đập, tác động tới tinh thần khiến trẻ em trở nên rụt rè, sợ hãi, luôn trong trạng thái lo lắng. Khi bị bạo hành quá thường xuyên, trẻ em sẽ mắc các căn bệnh tâm lí như rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi và ứng xử. Hơn nữa, trẻ em bị bạo hành có xu hướng dễ bị kích động và thành người hay sử dụng bạo lực. Mặt khác, đối với người có hành vi bạo hành sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng nề hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là biểu hiện của sự suy đồi về nhận thức và đạo đức.
Vậy nguyên nhân của việc bạo hành trẻ em là từ đâu? Trước hết phải kể đến nguyên nhân của bạo hành trong gia đình là khi cha mẹ chịu những áp lực từ công việc, cuộc sống và có xu hướng bạo lực con của mình. Họ coi đó là điều đương nhiên, họ nguỵ biện rằng đó là cách dạy con, đó là quyền của cha mẹ dạy con nên người. Đó thực sự là cách suy nghĩ vô cùng lệch lạc dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Họ thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng bởi nhà nước và các ngành chưa thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi người. Ngoài ra còn có những chất xúc tác khiến cho mức độ của hành vi bạo hành càng trở nên dã man hơn, có thể là những chất kích thích hay bị xúi giục. Không những vậy, việc bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện và báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nên tình trạng đó vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Qua đó, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em và có những biện pháp để hạn chế tình trạng bạo hành. Cần có việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội, nâng cao trách nhiệm của bản thân, gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi hành vi ngược đãi, đánh đập. Nhà trường cần xây dựng nhiều phòng
tư vấn tâm lí học đường để sớm phát hiện ra những lo lắng và vấn đề mà học sinh gặp phải, từ đó có những phương án giải quyết phù hợp. Mở rộng hơn nữa, nhà nước cần chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hoàn thiện hơn luật pháp về quyền trẻ em, có những hình thức xử phạt nghiêm minh các hành vi bạo hành trẻ em
Mỗi chúng ta là một tế bào của xã hội và có trách nhiệm xây dựng và phát triển một xã hội văn minh, bền vững. Hãy chung tay bảo vệ trẻ em để các em được sống, học tập và vui chơi với đúng lứa tuổi của mình. Bản thân em sẽ tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền và bảo vệ trẻ em.