- Giống như cây xanh ngoài kia hút dinh dưỡng từ đất mẹ, tác phẩm văn học phải bắt rễ sâu chắc vào mảnh đất cuộc đời để từ đó toả ra những tán lá rộng dày góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Hiện thực cuộc sống là rộng lớn, là vô cùng. Và mỗi nhà văn với chiếc xẻng nghệ thuật trong tay mình đã đến đào xới mảnh đất để lật lên những vỉa hiện thực và tìm cho mình thế giới hình tượng trong đó.
- Hơn bất cứ loại hình nghệ thuật nào, văn học là đứa con được nuôi dưỡng từ dòng sữa ngọt lành của bà mẹ cuộc sống. Như Tố Hữu đã từng nói: “ Cuộc đời là nơi bắt đầu và đi tới của văn chương”.
- Như đứa trẻ thơ cất tiếng bập bẹ đầu đời gọi tiếng bố, tiếng mẹ, thì những tiếng nói đầu tiên của hồn thơ, hồn văn với cuộc đời là tiếng nói nghệ thuật. Người nghệ sĩ đã đem niềm vui cũng như những nỗi buồn của mình trải lên những trang văn.
- Bất tử, vĩnh hằng, vượt thoát khỏi “sự băng hoại của thời gian và không thừa nhận cái chết”, đó luôn là một niềm hạnh phúc lớn lao đồng thời cũng là một sứ mệnh đau đớn không thể chối từ khi nhà văn sáng tạo nên tác phẩm.
- Mỗi tác phẩm là một văn bản ngôn từ hoàn chỉnh mà thông qua nó, nhà văn muốn gửi gắm những suy ngẫm, cách đánh giá của mình về thế giới và nhân sinh.
- Một tác phẩm văn học chỉ thực sự tồn tại khi mà những nhân vật thôi câu chuyện của họ, ta gấp sách lại, ấy là lúc cuộc sống của nó mới thực sự bắt đầu. “Tác phẩm” sẽ không chỉ là một “quyển sách” khi người ta ý thức được về nó. Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộ của sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người. Cảm kích trước tấm lòng của bạn đọc, tác phẩm tái sinh trong lòng họ, và ban cho họ những xúc cảm thẩm mĩ riêng biệt.
- Cuộc sống trôi đi, bốn mùa vẫn luân chuyển, sự vật cứ bị cuốn vào vòng xoay của thời gian. Sinh ra, tồn tại, rồi lại tan biến vào hư vô. Có chăng thứ còn lại mãi với đời chỉ là cái đẹp. Chính vì lẽ đó, vượt qua bao sự băng hoại của thời gian, những tác phẩm văn học vẫn cháy lên một sức sống mãnh liệt như thể để minh chứng một sự thiên vị rất có lí của tạo hoá.
- “Trước sự ra đi của một nhà văn ta nghĩ đến sự bất tử của một ngòi bút”. Như những ngôi sao băng đã kịp loé rạng một lần trước khi tắt, bằng tác phẩm văn học, người nghệ sĩ chân chính đã để lại trong lòng độc giả lẽ sống cao đẹp của tâm hồn.
- Gian khổ, khó nhọc, có khi cả sự quằn quại đau đớn của cảm xúc, người nghệ sĩ mới có thể làm ra một tác phẩm nghệ thuật cho cuộc đời. Họ thai nghén, ấp ủ những điều mình tâm đắc, những vẻ đẹp của cuộc sống chỉ chờ đến giây phút cảm xúc thăng hoa, chính khi ấy tác phẩm được hình thành.
- Ai đó đã nói: “Viết hay là không nói hết”. Nhà văn phải là người trao cho độc giả chiếc chìa khoá vàng để mở cánh cửa đi vào tác phẩm. Song mở được đến căn phòng nào thì còn phụ thuộc vào tri thức, vào vốn sống và vào khả năng giải mã các kí hiệu thẩm mĩ của độc giả. Một người đọc thông minh sẽ biết xem xét tác phẩm ở mọi ngóc ngách, như đang cầm trên tay khối ru-bích mà xoay nó theo nhiều chiều.
- “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm chính là con người”- Nguyễn Minh Châu. Bởi thế nên trái tim nhạy cảm và tinh tế không cho phép người nghệ sĩ sống như một bông hoa điếc giữa đời, không đưa đến một quan niệm, nhận thức nào sâu sắc nào về con người.
- Mọi sáng tác của người nghệ sĩ chân chính đều chung mục đích là đổ ra dòng sông nhân bản. Văn học không chỉ phản ánh thế giới khách quan bên ngoài mà hơn hết còn hướng vào thế giới chủ quan bên trong con người. Những tác phẩm sống mãi với thời gian là những bức tranh về đời sống tâm hồn con người qua các thời kì bởi xét cho cùng lịch sử văn học chính là lịch sử tâm hồn con người.
- Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người”.
- Điều gì đã làm nên sự kì diệu của thơ văn, điều gì khiến ta mở trang sách ra đắm mình vào thế giới nghệ thuật rồi không thôi xúc động, bồi hồi? Phải chăng đó là nhờ tấm lòng yêu thương con người, vào con mắt, vào cách nhìn mới mẻ của người nghệ sĩ? Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Kinh Thi cho tới ca dao Việt Nam con người vẫn là đối tượng muôn đời của văn học và tình yêu thương con người là động lực thôi thúc trái tim người nghệ sĩ rung động. Bởi thế mà Sê-khốp đã quả quyết: “Nhà văn lớn phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ”.
- “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu)