Phân tích hình ảnh mặt trời trong khổ đầu và khổ cuối “Đoàn thuyền đánh cá”

Đề bài: Phân tích ý nghĩa của hai hình ảnh thơ Mặt trời xuống biển và Mặt trời đội biển trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Bình luận tính chính xác của 2 từ “xuống” và “đội”

Hướng dẫn làm bài

Đoàn thuyền đánh cả là bài thơ nổi tiếng của Huy Cận, lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động đánh cá trên biển Hòn Gai vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Trong bài thơ này tác giả sử dụng rất nhiều hình ảnh đẹp, kì vĩ của thiên nhiên, vũ trụ, đặc biệt là hình ảnh “mặt trời xuống biển” và “mặt trời đội biển” ở khổ thơ đầu và khổ thơ kết. Đây là hai hình ảnh nghệ thuật đặc sắc góp phần làm nên thành công của bài thơ.

“Mặt trời xuống biển” và “Mặt trời đội biển” là hai không gian, thời gian gắn liền với hoạt động của đoàn thuyền đánh cá. Đoàn thuyền xuất phát khi biển vào đêm, lúc vũ trụ nghỉ ngơi là lúc con người hoạt động. Đoàn thuyền trở về khi một ngày mới xuất hiện trên biển, con người lao động thật hăng say, nâng lên tầm vóc vũ trụ.

Từ “xuống” rất chính xác, diễn tả cảnh mặt trời lặn, nhưng là xuống biển, tức là đoàn thuyền xuất phát từ đảo xa bờ, không có bóng dáng đất liền, chỉ có bốn bề là biển mênh mông. Đồng thời với từ “ xuống” nhà thơ như muốn diễn tả tư thế chủ động của mặt trời. Dường như với mặt trời thì biển chính là ngôi nhà, là nơi nghỉ ngơi sau một ngày vất vả và mặt trời tự nhiên, chủ động trở về nhà của mình. Còn từ “đội” ở phần kết cũng rất chính xác vì diễn tả cảnh bình minh trên biển, mặt trời như được mọc lên từ biển, xuyên qua biển, tạo nên bình minh rực rỡ. Và sử dụng động từ “ đội” nhà thơ muốn nói lên sức mạnh tiềm tàng mãnh liệt của mặt trời. Viết về vẻ đẹp và sức mạnh của mặt trời nhưng qua đó ca ngợi vẻ đẹp của con người. Bởi vì thiên nhiên chỉ làm phông nền cho sự xuất hiện của con người và mặt trời dù có sức mạnh đến đâu thì cũng vẫn bị khuất phục trước con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *