Đề thi cuối kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

  KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I NĂM HỌC 2022-2023

Môn: NGỮ VĂN – Lớp 11

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm )

Đọc đoạn trích:

      Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ đưọc một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi.

       Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã vội vàng đi lấy chồng ngay, nó đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải làm còm cọm, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?

       Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.

(Trích Một bữa no, Tuyển tập Nam Cao, NXB Thời đại,1943)

 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2.  Trong đoạn trích, hoàn cảnh của bà lão được miêu tả qua những chi tiết nào?

Câu 3. Nêu tâm trạng của bà lão khi mà ông trời “còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh” trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao.

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm).

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ ) bàn về vai trò của gia đình trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm).

Phân tích hình tượng nhân vật Viên Quản Ngục trong đoạn trích sau:

          Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhợt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó sủa ma.                Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiêng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ.

        Nơi góc án thư vàng đã nhọt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết. Viên quan coi ngục ngấc đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm nhau lại, cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy.

        Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ.

         Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

         Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt.Ngục quan lấy làm nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại: “Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu.

(Trích Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11,

Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.109 – 110)

 

KIỂM TRA CUỐI KÌ I NĂM HỌC 2021 – 2022

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, lớp 11

(Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm …. trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
1 Các phương thức biểu đạt:  tự sự, miêu tả

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời không chính xác nội dung thông tin; hoặc không trả lời: không cho điểm.

0,75
2 Trong đoạn trích, hoàn cảnh của bà lão được miêu tả qua những chi tiết : chồng chết, con trai chết, con dâu bỏ đi lấy chồng, già yếu phải nuôi cháu nhỏ…..

Hướng dẫn chấm:

Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh trả lời được 2/3 hình ảnh: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời được 1/3 hình ảnh: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời không chính xác hoặc không trả lời: không cho điểm

0,75
3 Nêu tâm trạng của bà lão khi mà ông trời “còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh”:

Lo lắng khi ốm đau ko ai chăm sóc, lại mất thêm tiền thuốc men

– Chân tay run rẩy khi thấy sức khoẻ ngày một giảm sút sau trận ốm thập tử nhất sinh.

– Bà cảm thấy sợ khi nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của mình

Hướng dẫn chấm:

–  Học sinh trả lời như đáp án hoặc có cách diễn đạt khác nhưng vẫn đảm bảo ý: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời có được 1/2 số ý: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời được một ý nhưng diễn đạt còn chưa sáng rõ: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời không chính xác nội dung hoặc không trả lời: Không cho điểm

1.0
4 Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao:

– Với giọng văn bình thản, nhưng chất chứa yêu thương

– Cách miêu tả tâm lí nhân vật một cách cụ thể nhưng thu hút người đọc, để lại cho họ những dấu ấn khó phai mờ

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nhận xét được đầy đủ: 0,5 điểm

– Học sinh nhận xét được 1/2 ý như đáp án: 0,25 điểm

– Học sinh trả lời không chính xác nội dung hoặc không trả lời: Không cho điểm

0,5
II   LÀM VĂN  
    Viết đoạn văn  
    a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bàn về vai trò của gia đình trong cuộc sống. 0,25
    c. Triển khai vấn đề nghị luận

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề: Gia đình là gì? Những quan điểm về gia đình:

·        Gia đình là nơi ta được che chở, đùm bọc

·        Là nơi ta được yêu thương, chăm sóc

·        Là nơi ta được thoải mái, không nợ nần, ân oán

·        Là nơi mà ta về mỗi khi mệt mỏi

·        Là nơi chưa đầy tình yêu thương

b. Vai trò và tầm quan trọng của gia đình

·        Là chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc của mọi thành viên

·        Là nơi con cái tìm kiếm sự an ủi, chở che từ người lớn

·        Mang đến sự ấm áp và niềm vui đồng thời xoa dịu những nỗi đau

·        Là cái nôi giáo dục nên nhân phẩm và tính cách của con trẻ.

·        Là yếu tố tác động đến tâm lý và lối sống của các thành viên trong gia đình.

·        Gia đình có nhiều tranh chấp, bất hòa khiến các thành viên dễ bị tổn thương và mặc cảm.

·        Con trẻ nếu không được gia đình bảo bọc và dạy dỗ sẽ dễ gục ngã trước khó khăn, cám dỗ từ xã hội….

c. Biện pháp để có một mái ấm gia đình hạnh phúc

·        Xây dựng không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc và no đủ.

·        Mỗi gia đình biết cách giáo dục, quan tâm và chăm sóc con trẻ.

·        Không nên tách rời bản thân khỏi tình yêu thương và sự quan tâm từ phía gia đình….

d. Liên hệ gia đình em

3. Kết bài: Khẳng định vai trò của mái ấm và tình cảm gia đình.

Hướng dẫn chấm:

Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Không cho điểm nếu bài làm có nhiều hơn 03 lỗi chính tả và ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về một vấn đề xã hội; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Phân tích hình tượng nhân vật Viên Quản Ngục trong đoạn trích 5.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng nhân vật Viên Quản Ngục trong đoạn trích

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề nghị luận: 0,5 điểm

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành cách luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm (0,25 điểm), vấn đề nghị luận (0,25)

– Tác giả.

– Tác phẩm

– Hình tượng nhân vật Viên Quản Ngục

0,5
Phân tích

1. Ngoại hình của viên quản ngục:

– Một người tuổi trung niên

– Khuôn mặt như mặt ao

– Viên quản ngục là một người điềm đạm, phúc hậu

2. Tính cách của viên quản ngục

– Viên quản ngục có tâm hồn thuần khiết, yêu cái đẹp

– Ông là một người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu nghệ thuật

– Viên quản ngục có tấm lòng khâm phục những người tài hoa

– Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ, nâng niu cái đẹp, cái có giá trị thẩm mĩ

– Là một con người có tâm hồn trong sáng

3. Nhận xét chung về viên quản ngục

– Xây dựng hình tượng nhân vật độc đáo

– Có một cách dẫn dắt để thể hiện được nhân vật một cách sâu sắc

– Xây dựng tình huống truyện độc đáo và tinh tế

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,0 – 2,5 điểm.

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,0 – 1,75 điểm

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

2,5
* Đánh giá

Viên quản ngục trong Chữ người tử tù là một người có tấm lòng hiền hậu, yêu cái đẹp và có vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc. ông là một trong số ít người còn sót lại với chế độ xã hội mục nát mà yêu cái đẹp, yêu thẩm mỹ.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh đánh giá được 2 ý: 0,5 điểm.

 – Học sinh đánh giá được 1 ý: 0,25 điểm.

0,5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

– Không cho điểm nếu bài làm mắc từ 05 lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
  e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh, mở rộng để làm nổi bật nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Tuân; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
  Tổng điểm 10,0

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *