Mở bài :
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
Thân bài:
a. Nhân vật ông Sáu – “không có hạnh phúc nào cho người lính”:
– Hy sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cầm súng chiến đấu suốt hàng chục năm trời, từ những ngày đứa con gái của anh chưa tròn một tuổi.
– Chấp nhận rời bỏ quê hương, rời xa vợ con để theo tiếng gọi của Tổ quốc, hy sinh cả sức khỏe, xương máu của mình ở tại chiến trường.
– Sau nhiều năm chiến đấu cuối cùng anh nhận lại:
+ Một tấm thân đầy sương gió, sự xa cách của con gái, một vết sẹo dữ tợn trên mặt.
+ Trong suốt những ngày nghỉ phép, anh Sáu đã phải đối diện với những nỗi đau thực ghê gớm, sự buồn rầu, xót xa, sự nuối tiếc khi đã bỏ lỡ những thời gian ở cạnh đứa con.
+ Những cử chỉ ghét bỏ, lạnh lùng của bé Thu dường như đang cứa vào trái tim anh từng nhát, mang đến những nỗi đớn đau day dứt trong tâm hồn.
– Cho đến khi cha con nhận nhau, giữa một khung cảnh đầy cảm động yêu thương thì anh Sáu lại phải lên đường trở lại chiến trường, rồi cuối cùng hy sinh tại đó.
– Anh đã ra đi khi chưa kịp tận tay đưa cho đứa con gái yêu của mình chiếc lược ngà mà anh hứa sẽ tặng nó, ra đi trong những nỗi đau và nuối tiếc dồn nén, cả đối với người ra đi và những người ở lại.
=> Nhân vật anh Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà chính là một trong những đại diện, ví dụ tiêu biểu nhất về câu nói: “Không có hạnh phúc nào cho người lính”. Điều đó khiến mỗi chúng ta ngày hôm nay lại càng phải thêm trân trọng những gì mà cha ông đã hy sinh xương máu, tình cảm cá nhân để giành lại, đồng thời có tấm lòng yêu thương, kính trọng với những con người đã ngã xuống về nền độc lập dân tộc cũng như với thân nhân của họ.
b. Bé Thu – nạn nhân gián tiếp của những bi kịch chiến tranh:
– Có hoàn cảnh tội nghiệp, cha ra đi vào chiến trường từ những ngày em còn chưa biết gì, thiếu thốn tình cảm của cha, lớn lên trong vòng tay của mẹ, của bà vào những năm tháng đất nước nhiều đau thương.
– Thu là một cô bé biết suy nghĩ, bé thấu hiểu cho hành động đi chiến đấu của cha, và trong trái tim bé nhỏ không chỉ là những tình cảm yêu thương thắm thiết phụ tử, mà còn là cả tấm lòng ngưỡng mộ về một người lính cách mạng anh hùng.
– Nhưng chính sự xa cách và những suy nghĩ non dại của Thu đã dẫn đến những bi kịch gia đình, chỉ vì một vết sẹo và ngoại hình đổi thay mà không chịu nhận ông Sáu là cha, không gọi một tiếng “cha” nào cả, và còn có những hành động hỗn hào, lạnh lùng với ông Sáu.
– Một bi kịch khác trong mối quan hệ giữa cha con bé Thu và của chính bé Thu có lẽ là nỗi niềm hối hận, nuối tiếc muộn màng. Khi cô bé đã hiểu ra mọi chuyện, quyết định quay về nhận cha, thì cũng là lúc anh Sáu phải quay lại chiến trường.
– Ngày bé nhận cha cũng là lần cuối cô bé còn được nhìn thấy cha bằng xương bằng thịt, thì lại càng thêm đau đớn. Người con gái ấy kể cả khi lớn lên, có lẽ trong trái tim vẫn luôn âm ỉ đau đớn một nỗi niềm hối hận, khi giờ đây chỉ còn lại duy nhất chiếc lược ngà là kỷ vật người cha tỉ mẩn khắc từng nhát dao để lại cho cô bé.
c. Tình phụ tử sâu nặng:
– Bản thân ông Sáu cố gắng bù đắp, cố gắng, chăm sóc bé Thu những ngày nghỉ phép, tỉ mẩn làm cho nó một chiếc lược ngà, làm xong rồi thì luôn đặt trong túi trước ngực, thỉnh thoảng lại lấy ra chải tóc cho chiếc lược thêm bóng bẩy, đẹp đẽ.
– Ở bé Thu là những tình cảm ngây thơ trong sáng, tình yêu thương đối với cha hình thành từ tấm ảnh, rồi qua những lời kể của mẹ, của bà, và cuối cùng là khi đã hiểu rõ mọi chuyện, thì con bé trở nên dũng cảm, lập tức quay về nhận cha, vì sợ không được gặp cha nữa.
Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
Bài văn mẫu nghị luận về tác phẩm Chiếc lược ngà
Trong mưa bom lửa đạn, trong chất cay xè của mùi thuốc súng, tình cảm cao đẹp nhất của tình đồng chí đồng đội trào dâng. Những bùi ngùi dấu tận đáy lòng của những người cha lên đường chiến đấu gởi lại quê hương đứa con thân yêu nhất của mình để rồi trong giờ phút hiếm hoi giữa cuộc hành quân nỗi nhớ con không còn dấu được. Tình cảm thiêng liêng ấy càng mãnh liệt hơn trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1945, tập kết ra Bắc Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Những năm chống Mĩ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng thuộc nhiều thể loại: Truyện ngắn có “Con chim vàng”, “Người quê hương”, “Chiếc lược ngà”, “Người đàn bà đức hạnh”, “Vẽ lại bức tranh xưa”…
Các tiểu thuyết “Đất lửa”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu” được nhiều độc giả biết đến và đặc biệt là kịch bản phim nổi tiếng “Một thời để nhớ một thời để yêu”. Có lẽ vì sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các tác phẩm của ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
“Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn viết về tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu sau chiến tranh. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ như ta thường thấy ở văn của Nguyễn Quang Sáng. Đoạn trích đã cho thấy một khoảnh khắc nhỏ mà trong đó có sự cao cả thiêng liêng về tình phụ tử .
“Chiếc lược ngà ” được viết vào năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Nội dung văn bản trong là cuộc gặp gỡ của anh Sáu – một người xa nhà đi kháng chiến. Mãi khi con gái lên tám tuổi, anh mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu – con gái anh không nhận cha, trái lại đã đối xử lạnh nhạt, có lúc vô lễ với cha. Điều đó làm anh Sáu đau lòng, nhưng anh vẫn yêu thương con bằng tình cha con ruột thịt. Sau vài ngày ngắn ngủi sum họp gia đình, anh Sáu phải ra đi.
Đến lúc ấy Bé Thu bỗng thay đổi thái độ. Em ôm chặt lấy cha không muốn cha con phải xa nhau. Mọi người ngỡ ngàng sửng sốt. Thì ra mấy ngày trước do nhìn thấy trên mặt anh Sáu có vết sẹo lớn, bé Thu thấy anh không giống cha chụp chung ảnh với mẹ. Nhờ bà ngoại giảng giải, Thu đã hiểu ra mọi chuyện, em cất tiếng gọi “Ba…ba!..” và hẹn “Ba mua cho con một cây lược nghe!”. Ở khu căn cứ, anh Sáu dồn hết tình cảm yêu quý nhớ con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để mang về tặng cô con gái bé bỏng. Nhưng trong một cuộc chiến đấu anh đã ngã xuống. Trước lúc nhắm mắt anh còn kịp trao cây lược cho người bạn, gửi về tận tay cho con. Truyện được viết theo lời kể qua cái nhìn của ông Ba – nhân vật xưng tôi. Tuy đây là một đề tài khá phổ biến trong văn chương nhưng chính vì thế mà giá trị nhân văn của truyện càng trở nên sâu sắc.
Chi tiết “vết thẹo” xuất hiện 3 lần: lần 1, phút đầu bé Thu gặp ba; lần 2, qua cuộc trò chuyện với bà ngoại; lần 3, Thu nhận ra ba, hôn cùng khắp, hôn cả vết thẹo.
Vết thẹo trên gương mặt ông Sáu là chi tiết nghệ thuật độc đáo, vừa thắt nút truyện, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, lại vừa mở nút truyện. Vì vết thẹo mà bé Thu không nhận ra ba, đối xử với ba một cách lạnh lùng, cự tuyệt. Khi được bà ngoại giải thích về vết thẹo trên gương mặt ba, mối nghi ngờ của bé Thu về ông Sáu đã được giải toả, khiến bé Thu nhận ra ba. Khi nhận ra ba, tình cảm, thái độ của em đã thay đổi hoàn toàn. Như vậy, chi tiết vết thẹo đã tạo nên kịch tính, tình huống truyện làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm.
Chi tiết nghệ thuật vết thẹo góp phần quan trọng thể hiện tính cách và tình cảm của nhận vật bé Thu – một em bé có bản lĩnh và có tình yêu ba sâu sắc.
Chi tiết nghệ thuật vết thẹo còn thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh và là lời tố cáo chiến tranh nhẹ nhàng mà thấm thía. Chiến tranh không chỉ khiến vợ phải xa chồng, con phải xa cha. Chiến tranh không chỉ tàn phá thể xác mà còn làm tổn thương tinh thần, khiến con không nhận ra cha. Chiến tranh khiến người ta phải xa cách và phải xa cách trong chính lúc gặp mặt.
“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, cời chi tiết nghệ thuật đặc sắc: vết thẹo, tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa tính cách nhân vật bé Thu, đồng thời góp phần tạo nên sự lôi cuốn hấp dẫn người đọc. Chi tiết cũng góp phần làm cho tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng sống mãi cùng thời gian.
Chi tiết “vết thẹo” đã thắt nút và mở nút câu chuyện về chính vết thẹo đã làm bé Thu không nhận ra cha nên em đã lạnh nhạt và xa lánh ông Sáu, kiên quyết không gọi ông Sáu là “ba”. Nhưng trong thái độ đó ta lại nhận ra một tình cảm thuỷ chung, sâu sắc mà bé Thu dành cho cha của nó. Và cũng chính “vết thẹo” ấy, sau khi đã hiểu được ngọn nguồn của nó lại làm cho bé Thu càng yêu cha nhiều hơn. Ngoài ra, “vết thẹo” còn là chứng tích của chiến tranh gây ra bi kịch trong tình cảm của cha con ông Sáu, gợi cho người đọc nghĩ đến những mất mát đau thương éo le của chiến tranh. Vì vậy, chi tiết “vết thẹo” còn mang ý nghĩa tố cáo chiến tranh. Từ đó, ta thấy chi tiết “vết thẹo” đã thể hiện sự già dặn trong ngòi bút của Nguyễn Quang Sáng.