I/ Mở bài
Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ Mới với hồn thơ u sầu, ảo não. Sau cách mạng, Huy Cận bắt nhịp với cuộc sống của nhân dân lao động và sáng tác những vần thơ tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những thi phẩm nổi bật của Huy Cận với cảm hứng ngợi ca về thiên nhiên, vũ trụ và con người. Bài thơ đã cho người đọc cảm nhận được được một cách đầy đủ và trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên nhiên vũ trụ mà cụ thể là vùng biển Hạ Long
II/ Thân bài
-
Khái quát chung
Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh của nhà thơ Huy Cận. Bằng bút pháp tả thực kết hợp bút pháp lãng mạn, các hình ảnh đẹp, tráng lệ, bài thơ đã giúp ta nhận ra sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người lao động đồng thời bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ về quê hương, đất nước.
-
Vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”
Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc, theo trình tự của một chuyến ra khơi. Khi hoàng hôn buông xuống, đoàn thuyền bắt đầu ra khơi rồi đánh cá trong đêm, đến khi trở về cũng là lúc bình minh ló rạng. Và thiên nhiên cũng hiện lên vô cùng đẹp đẽ theo trình tự ấy.
2.1. Hình ảnh thiên nhiên đẹp tráng lệ, kì vĩ khi hoàng hôn buông xuống nhưng cũng rất đỗi gần gũi thân thương.
Ngay từ những câu thơ mở đầu, tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, huy hoàng, tráng lệ. Miêu tả bức tranh thiên nhiên ấy, Huy Cận đã sử dụng một phép so sánh vô cùng độc đáo:
“ Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”
Đọc câu thơ mở đầu, người đọc sẽ không khỏi thắc mắc bởi biển Việt Nam là biển phía đông, ta chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh mặt trời mọc trên biển nhưng ở đây nhà thơ lại viết “mặt trời xuống biển”. Rõ ràng là trong câu thơ này, nhà thơ đã chọn cho mình một điểm nhìn nghệ thuật. Điểm nhìn cấy có thể từ trên một hòn đảo ngoài khơi xa, cũng có thể là trên một con thuyền đang ra khơi bắt cá. Từ điểm nhìn ấy nhìn về đất liền, qua một khoảng biển rộng, nhà thơ có thể thấy được hình ảnh “mặt trời xuống biển”. Và đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì điểm nhìn nghệ thuật này hẳn là trên một con thuyền. Và nếu như thế thì “ Đoàn thuyền đánh cá” chính là bài thơ của những con người lao động mà Huy Cận đã nói thay cho tiếng lòng của những người ngư dân.
Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ đã so sánh “mặt trời” với “hòn lửa”. Phép so sánh gợi ra một khung cảnh rực rỡ, huy hoàng, tráng lệ. Ánh mặt trời lúc cuối chiều đỏ rực phả xuống mặt biển làm hồng rực cả một vùng biển, vùng trời – một cảnh tượng thật kì vĩ. Xưa nay, thơ viết về cảnh hoàng hôn thường phảng phất một nỗi buồn như Thôi Hiệu viết trong bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” chẳng hạn:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Hay chính Huy Cận trong bài thơ “Tràng giang” trước cách mạng cũng viết:
“ Lòng quê rờn rợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Nhưng ở câu thơ đầu trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, ta lại thấy cảnh hoàng hôn hiện lên rất đẹp. Phải chăng lúc này Huy Cận đang vui, vui vì ông lại tìm được nguồn cảm hứng sáng tác sau 10 năm không thể cầm bút, vui vì ngư dân được làm chủ biển trời nên ông nhìn cảnh mới đẹp như vậy. Có lẽ là thế bởi Nguyễn Du cũng đã từng nói với chúng ta rằng “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh chỉ đẹp khi tâm trạng con người phơi phới niềm vui.
Cùng với phép so sánh, HC còn miêu tả thiên nhiên khi chiều xuống bằng một phép nhân hoá cũng đầy sáng tạo: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Lời thơ với các động từ mạnh ( sập, cài) đã cho ta hình dung được một cảnh tượng thật rộng lớn và đầy bí ẩn. Biển đêm với những con sóng bạc đầu chạy ngang như những chiếc then cài còn màn đêm là cánh cửa đang đóng sập lại. Chỉ với 7 chữ nhưng câu thơ gợi lên trong ta rất nhiều liên tưởng thú vị. Biển đêm vốn bí ẩn, đáng sợ, thậm chí là cuồng nộ nhưng giờ đây cũng trở nên gần gũi, ấm áp, thân thương. Vũ trụ và thiên nhiên bao la lúc này chẳng khác nào một ngôi nhà rộng lớn, còn những người ngư dân chính là các thành viên của gia đình. Thiên nhiên và con người giờ đây vô cùng gần gũi, gắn bó và hoà hợp.
2.2. Hình ảnh thiên nhiên khi màn đêm buông xuống mang vẻ đẹp giàu có, trù phú và lung linh, thơ mộng.
Và khi màn đêm buông xuống, cái vẻ đẹp rực rỡ huy hoàng tráng lệ không còn mà thay vào đó là vẻ đẹp của sự giàu có, trù phú, lung linh, huyền ảo. Đêm về, đoàn thuyền hạ lưới giăng câu. Trăng lúc này đã lên cao, rọi xuống mặt biển, in hình trên mặt sóng. Gió thổi, sóng xô, trăng tan ra vỗ vào mạn thuyền gợi lên một cảnh tượng vô cùng đẹp đẽ. Trăng đem đến vẻ đẹp huyền ảo, lung linh cho biển cả. Và vầng trăng ấy dường như cũng đã đem đến chất thơ cho công việc vốn vất vả của những người dân chài lưới, đem đến chất trữ tình, lãng mạn cho bài thơ này.
Miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên, của biển cả tác giả tiếp tục ca ngợi:
“ Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Đọc lời thơ ta dễ dàng nhận ra thủ pháp liệt kê được tác giả sử dụng. Nó khiến cho câu thơ giống như một lời ca ngợi về sự giàu đẹp của biển cả quê hương. Lời thơ cho ta hình dung ra được hình ảnh rất nhiều loài cá đang tung tăng bơi lội nhưng đáng chú ý nhất là những chú cá song thân dài, trên thân có những đốm đen hồng. Giữa biển khơi trông chúng hệt như một đoàn rước đèn lộng lẫy. Miêu tả đàn cá song, Huy Cận cất tiếng gọi “em” thật tự nhiên, nhẹ nhàng và trìu mến. BPTT nhân hoá đã làm cho thiên nhiên trở nên sống động và gần gũi hơn với con người. Con người giờ đây không còn nhỏ bé, cô đơn trước trời rộng sông dài mà trở thành bạn của thiên nhiên vũ trụ. Có lẽ vì thế mà nhà thơ nghe được cả tiếng thở của biển đêm:
“Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”
Lại một lần nữa BPTT nhân hoá được tác giả sử dụng. Đêm về, tiếng gió thổi, tiếng sóng xô, tiếng cá đớp động mặt nước tất cả đã tạo nên nhịp thở của biển. Trăng sao thì in hình trên mặt nước, sóng xô, trăng sao như tan ra hoà vào biển cả làm sáng rực cả một vùng biển, vùng trời. Một cảnh tượng thật kì diệu. HC hẳn phải là một con người tinh tế lắm, có trí tưởng tượng bay bổng lắm mới có được những vần thơ thăng hoa như vậy.
2.3. Thiên nhiên trong “Đoàn thuyền đánh cá” còn rất nhân hậu, ân tình.
Trong mạch cảm xúc ca ngợi sự giàu có của biển, Huy Cận viết tiếp:
“Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”
Hai câu thơ thật giản dị! Một phép so sánh thôi cũng đủ để ta cảm nhận được trọn vẹn biển hiền hoà, bao dung, gần gũi ra sao. Biển không phải là thiên nhiên vô tri vô giác mà là bạn, là mẹ. Tình mẫu tử luôn là một tình cảm đẹp. So sánh biển với “lòng mẹ” có lẽ Huy Cận vừa muốn ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên hồn hậu lại vừa tỏ lòng biết ơn tới biển cả hiền hòa, bao dung, Con người và thiên nhiên lúc này như hoà vào làm một gắn bó không rời. Câu thơ là tiếng lòng của nhà thơ và cũng chính là tiếng lòng của những người dân lao động, của những ngư dân chài lưới quanh năm gắn bó với biển khơi – một lời cảm tạ chân thành tha thiết
2.4. Khi bình minh lên, thiên nhiên lại mang một vẻ đẹp tươi sáng rực rỡ đầy hứa hẹn.
Sau một đêm đánh bắt cá với bao vất vả nhọc nhằn, đoàn thuyền trở về khi “ mặt trời đội biển nhô màu mới”. Thiên nhiên lúc này mang vẻ đẹp tươi sáng, rực rỡ, đấy hứa hẹn :
“Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”
Nếu ở những câu thơ mở đầu thiên nhiên là hình ảnh “mặt xuống biển” có ý soi sáng cho đoàn thuỳên ra khơi thì đến đây, “mặt trời đội biển” phải chăng như muốn nâng đoàn thuyền khi về bến? Câu thơ làm cho toàn cảnh thiên nhiên sáng lên với một “màu mới”. Đó là màu của sức sống, của tương lai và hy vọng. Bài thơ khép lại với hình ảnh “mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” nhưng lại mở ra một khung cảnh lung linh rực rỡ, một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, ấm no. Thiên nhiên lúc này không chỉ là cảnh mà còn gợi lên trong lòng người đọc biết bao nhiêu cảm xúc. Đó là niềm vui, niềm tự hào về biển trời quê hương, là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng
3.Đánh giá.
Bài thơ “ĐTĐC” của Huy Cận là một bài thơ hay. Trong bài thơ ấy, thong qua các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, các BPTT độc đáo, nhà thơ đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vừa mang vẻ đẹp rực rỡ, kì vĩ, tráng lệ vừa lung linh huyền ảo lại vừa tươi sáng vô ngần. Và đằng sau bức tranh thiên nhiên ấy, ta nhận ra ở nhà thơ Huy Cận là tài năng quan sát, trí tưởng tượng bay bổng và hơn cả là tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng với biển trời quê hương. Sức lay động của bài thơ một phần được tạo nên từ đó.
III. Kết bài
Có thể nói rằng “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một bài thơ độc đáo. Bài thơ ấy đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà thơ, càng thêm yêu mến, tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Từ hình ảnh của thiên nhiên trong bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã gợi nhắc trong chúng ta trách nhiệm của mỗi người đối với việc giữ gìn chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần hiểu rằng biển VN, đảo VN là bất khả xâm phạm. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.