I/ Mở bài : Giới thiệu vấn đề nghị luận
Có những tác phẩm đọc xong gấp sách lại là ta quên ngay cho đến khi xem lại mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng chảy qua tâm hồn ta để lại trong ta những ấn tượng trạm khắc trogn tâm khảm. Và “Ánh trăng ” của Nguyễn Duy cũng là một tác phẩm như thế. Bài thơ đã gửi gắm những suy ngẫm của nhà thơ về con người và cuộc đời. Điều đó được thể hiện rõ nhất ở 2 khổ thơ cuối.
II/ Thân bài
1.Khái quát về tác phẩm
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy được sang tác năm 1978 – 3 năm sau ngày đất nước giành được độc lập. Khi đó nhà thơ đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi nhiều người lính trở về sau khi kết thúc những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy ý nghĩa. Bài thơ là một lời nhắc nhở của tác giả với người đọc về đạo lí sống “Uống nước nhớ nguồn”, về lẽ sống thủy chung tình nghĩa.
2.Cảm nhận đoạn thơ
2.1. Nhắc lại nội dung ở bốn khổ thơ đầu
Ở những khổ thơ đầu, bằng biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh, nhân hóa và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong quá khứ và hiện tại. Trong quá khứ, trăng ko chỉ là thiên nhiên hồn hậu,trữ tình mà còn là người bạn của tuổi thơ, là tri kỉ của người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Vầng trăng ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của nhân vật trữ tình. Nhưng trong hiện tại khi cuộc sống đủ đầy, người lính đã quên đi tất cả kể cả vầng trăng mà anh đã từng nghĩ rằng mình sẽ không thể nào quên được.
2.2. Cảm xúc của người lính khi gặp lại vầng trăng
Và khi người lính gặp lại vầng trăng năm xưa thì mọi quá khứ lại ùa về như một thước phim quay chậm:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
+ Vần thơ có cái gì đó khiến lòng người cảm động. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt người và mặt trăng, mặt đối mặt, lòng đối lòng. Bao cảm xúc bên trong nhân vật trữ tình lúc này cũng như cánh cửa sổ “bật tung” ra, trào dâng đến nỗi như “có cái gì rưng rưng”. Rưng rưng của những niềm thương nỗi nhớ, của những lãng quên lạnh nhạt với người bạn cố tri; của một lương tri đang thức tỉnh sau những ngày đắm chìm trong cõi u mê mộng mị; rưng rưng của nỗi ân hận ăn năn về thái độ của chính mình trong suốt thời gian qua. Một chút áy náy, một chút tiếc nuối, một chút xót xa đau lòng, tất cả đã làm nên cái “rưng rưng”, cái thổn thức trong sâu thẳm trái tim người lính.
+ Và trong phút giây nhân vật trữ tình nhìn thẳng vào trăng_ biểu tượng đẹp đẽ của một thời xa vắng, nhìn thẳng vào tâm hồn của mình, bao kỉ niệm chợt ùa về chiếm trọn tâm tư. Kí ức về quãng đời ấu thơ trong sáng, về lúc chiến tranh máu lửa, về cái ngày xưa hồn hậu hiện lên rõ dần theo dòng cảm nhận trào dâng, “như là đồng là bể, như là sông là rừng”. Đồng, bể, sông, rừng, những hình ảnh gắn bó nơi khoảng trời kỉ niệm.
+ Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính.
+ Với chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”, đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc. Đọc bốn câu thơ, ta thấy thương thay cho trăng và tiếc thay cho người chiến sĩ.
2.3.Khổ 6. Suy ngẫm của nhà thơ
Nhân vật trữ tình đã có biết bao lần có thể hội ngộ cùng trăng, nhưng người đều bỏ lỡ dịp đó. Người đã xem trăng như người dưng, và giờ là lúc người bị cắn rứt lương tâm tột độ. Mặc dù như vậy, trăng – gương mặt của ân tình quá khứ, vẫn điềm đạm, bao dung và cao thượng:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”
+ Trăng vẫn tròn như tình nghĩa trọn vẹn thủy chung son sắt, nhân hậu của đất nước, cuộc đời, trái ngược với cái hờ hững của kẻ sống bạc bẽo. Trăng không lên tiếng trách móc mà im lặng, chẳng giận dỗi “người vô tình” mà bao dung. Tuy vậy, người lính vẫn không tránh khỏi bản án lương tâm, không tránh khỏi ám ảnh bởi ánh nhìn im lặng đầy vẻ trách cứ.
+ Trăng độ lượng, khoan dung, nhưng chính cái khoan dung ấy của trăng lại khiến lòng người nhói đau hơn bao giờ hết. Phải chi trăng cứ hờn dỗi, cứ trách mắng người lính năm xưa thì người lính đã chẳng phải đau lòng như thế. Đôi khi sự im lặng lại là sự trừng phạt nặng nề nhất.
+ “Ánh trăng im phăng phắc”_ cái im lặng của trăng lại càng làm cho sóng gió trỗi dậy trong tâm trí, càng làm lương tri nhân vật trữ tình – người lính cảm thấy đau xót, đau xót đến “giật mình”.
+ Giật mình đồng nghĩa với việc thức tỉnh, nhưng không phải sự thức tỉnh nhẹ nhàng mà lại vô cùng dữ dội. Cả bài thơ như lắng đọng trong từ “giật mình”, và tâm trạng giật mình đó cũng chính là cái kết của bài thơ, của một câu chuyện đời đầy ý nghĩa.
=>Bài học tình nghĩa về tri ân quá khứ được viết ra, nhưng con người đã phải trả cái giá quá đắt để học nó. Người ta không thể nào mải chìm đắm trong quá khứ mà tiến lên, nhưng cũng không thể nào tiến lên mà không có bước đệm của quá khứ. Trân trọng, khắc ghi, tri ân kỉ niệm. Luôn nhớ, yêu thương, không quên ngày đã qua. Một triết lý sống giản đơn nhưng sâu sắc: tình người.
3.Đánh giá
Với ngôn ngữ giản dị mà hàm súc, cô đọng, giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm được thể hiện qua thể thơ năm chữ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, hai khổ thơ cuối của bài thơ “Ánh trăng” như một lời tâm sự, nhắc nhớ người ta sống tình cảm với những quá khứ đã qua, trân trọng, biết ơn những thứ mình đã có và đang có. “Ánh trăng” thực sự để lại trong lòng người đọc rất nhiều những suy tư đáng quý.
III/ Kết bài
Có thể nói rằng “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một bài thơ độc đáo. Bài thơ ấy và nhất là hai khổ thơ cuối đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà thơ, càng thêm yêu mến, trân trọng những năm tháng tuổi thơ của mình, trân trọng gia đình và quê hương đất nước. Từ sự đa nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong bài thơ, Nguyễn Duy đã đem đến cho người đọc những bài học vô cùng sâu sắc. Đó là bài học về tình yêu thien nhiên, về đạo lí sống uống nước nhớ nguồn, về lẽ sống thủy chung tình nghĩa. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.
? Xem thêm:
- Phân tích ba khổ thơ cuối bài “Ánh trăng”
- Cảm nhận khổ 3,4,5 bài “Ánh trăng”
- Phân tích hai khổ đầu bài “Ánh trăng”