Phân tích nhân vật Lục Vân Tiên

I/ Mở bài

Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ lớn của dân tộc ta mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng gọi ông là “Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”. Một trong những tác phẩm xuất sắc gắn với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu là “Truyện Lục Vân Tiên”, trong đó bài thơ “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là trích đoạn để lại nhiều ấn tượng với người đọc đặc biệt là nhân vật Lục Vân Tiên – một hình tượng trang nam tử hành hiệp trượng nghĩa cứu người hoạn nạn, đại diện cho người anh hùng lý tưởng của nhân dân.

II/ Thân bài

1.Khái quát :

“Truyện Lục Vân Tiên” là một tác phẩm truyện thơ nôm, gồm 2082 câu thơ lục bát xoay quanh cuộc đời nhân vật Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của tác phẩm đồng thời cũng là nhân vật mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng để kí thác những tư tưởng, quan điểm cũng như thể hiện một ước mơ về thế giới công bằng, con người sống với nhau bằng tình nghĩa chứ không phải bằng những thứ vật chất thông thường. Có thể nói trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là trích đoạn thể hiện được rõ nét và sâu sắc nhất được những phẩm chất đáng quý ở Lục Vân Tiên.

2/ Nhân vật Lục Vân Tiên

2.1. Vân Tiên mang dáng dấp của một người anh hùng hiệp nghĩa

–  Nói về nhân vật LVT trong đoạn trích “LVTCKNN” trước hết ta nhận thất ở nhân vật này là bóng dáng của một người anh hung hiệp nghĩa, một chàng trai dũng cảm. Điều đó được thể hiện ngay từ những câu thơ mở đầu của đoạn trích.

“Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”

+ Đọc những câu thơ đầu tiên này, ta không khỏi ấn tượng với một chàng trai có nghĩa khí và lí tưởng sống cao đẹp. Trên đường đi, Vân Tiên tình cờ gặp bọn cướp Phong Lai đang hoành hành làm hại người dân vô tội. Chứng kiến cảnh đó, LVT không đành lòng khoanh tay đứng nhìn, chàng vội vàng “bẻ cây làm gậy” rồi xông vào đánh cướp. Trong khi lúc này bọn cướp vừa đông lại gươm giáo đầy mình còn chàng thì chỉ có một mình lại không có vũ khí. Rõ ràng là LVT không hề toan tính, không suy nghĩ thiệt hơn, chỉ biết rằng điều cần làm lúc này là đánh tan bọn cướp để cứu dân lành. Không phải là một người anh hùng nghĩa hiệp có tinh thần dũng cảm hẳn là chàng sẽ chẳng thể hành động được như vậy

+ Không chỉ thể hiện trong hành động, sự dũng cảm và tinh thần hiệp nghĩa của LVT còn được thể hiện trong lời nói của chàng:

“Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

-> Câu nói của VT đã thể hiện rõ thái độ của chàng. Đó là sự bất bình trước những kẻ ngang nhiên cướp bóc làm hại người dân vô tội. Lời nói ấy chính là  lời tuyên chiến giữa chính nghĩa đối với thế lực phi nghĩa bạo tàn. Sau câu nói ấy là hành động Vân Tiên đánh cướp. Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả cụ thể hành động ấy:

Vân Tiên tả đột hữu xông

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”

– Mặc dù kẻ thù lúc này đã “ truyền quân bốn phía” với gươm giáo đầy mình nhưng Vân Tiên không hề sợ hãi. Chàng “tả đột hữu xông”. Thành ngữ “tả đột hữu xông” cùng với phép so sánh đã cho ta nhận ra ở VT là bóng dáng của một dũng tướng, một con người có tài thao lược và tinh thần dũng cảm. Tài năng ấy được cổ vũ bởi sức mạnh của chính nghĩa nên cuối cùng bọn cướp Phong Lai đã phải quăng gươm giáo bỏ chạy. Và chính những phẩm chất ấy của Vân Tiên càng làm ta thêm yêu mến và  cảm phục .

2.2. Vân Tiên là một chàng chai có tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm và yêu thương mọi người.

Không chỉ là một người hiệp nghĩa, dũng cảm, LVT trong đoạn trích này còn là một chàng trai có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương và quan tâm người khác.Nghe tiếng khóc ở trong xe, Vân Tiên đã đến gần vừa là để hỏi han quan tâm vừa là để thông báo cho người trong xe yên tâm vì giờ lũ cướp đã bị dẹp tan, không còn mối đe dọa nào nữa.Người đọc không khỏi ngạc nhiên bởi một chàng trai trẻ tuổi sao có thể chu đáo ân cần đến như vậy? Thật đáng trân trọng.

2.3. Vân Tiên là một chàng trai trọng lễ tiết

Và khi đọc những câu thơ tiếp theo của đoạn trích, ta lại nhận ra Vân Tiên còn nhiều những phẩm chất đáng quý nữa. Chàng thực sự là một người trọng lễ tiết. Khi biết lũ cướp đã bỏ đi, Kiều Nguyệt Nga muốn ra khỏi xe để tạ lạy tỏ lòng biết ơn Vân Tiên nhưng chàng đã vội ngăn lại bằng lời nói có phần gấp gáp:

“ Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai”

Trong XH phong kiến, nam nữ không được tùy tiện mà gặp mặt bởi quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” đặc biệt là với con gái. Việc một người con gái giao lưu, gặp gỡ với một người đàn ông không phải chồng mình có thể bị đánh giá không tốt về phẩm giá. Và vì thế mà họ cũng không được coi trọng. Hiểu được điều đó nên LVT đã ngăn cản không cho KNN ra ngoài, chàng không muốn làm ảnh hưởng đến danh dự, phẩm giá của KNN. Những chi tiết như thế chứng tỏ chàng là một người trọng lễ tiết.

2.4. Quan điểm về việc nghĩa và người anh hùng

Tất cả những phẩm chất đó đã khiến cho Vân Tiên trở thành một hình tượng đẹp trong lòng bạn đọc nhưng đẹp hơn cả là quan niệm về việc nhân nghĩa của chàng ở cuối đoạn trích này:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đã rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”

Theo quan điểm của mình, Vân Tiên cho rằng làm ơn vốn xuất phát từ tinh thần chính nghĩa tự nguyện đầy chân thành, mong muốn chỉ là giúp người chứ không phải mong báo đáp, hàm ơn. Và nếu một người gặp việc nghĩa mà không làm thì không phải là người anh hùng đáng trọng. Từ quan niệm của Vân Tiên và cũng là của NĐC, chúng ta đã có thêm cái nhìn khác về một người anh hùng.  Người anh hùng đâu chỉ là những người xông pha trận mạc đánh đuổi kẻ thù mà còn là những người dám xả thân vì nghĩa, dám đứng ra bênh vực lẽ phải, bảo vệ dân lành. Đó là người anh hùng của cuộc sống thường nhật.

3/ Đánh giá

Có thể thấy rằng “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm bất hủ của văn học trung đại. Bằng sự kết hợp giữa tự sự và miêu tả, tác phẩm đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên. Chàng là người tiêu biểu cho cái thiện mang vẻ đẹp hào hiệp trong cái xã hội đầy bất công tàn ác. Nhân vật Vân Tiên mãi là hình ảnh đẹp mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin khát vọng về truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Thông qua nhân vật này chúng ta nhận ra ở nhà thơ Nguyễn ĐÌnh Chiểu là sự trân trọng, ngợi ca dành cho những con người dám xả thân vì nghĩa. Ông đã dạy cho chúng ta một bài học về lẽ sống đẹp ở đời.

III/ Kết  bài

“Truyện Lục Vân Tiên” đã khép lại rồi nhưng dường như những điều mà NĐC gửi gắm trong tác phẩm vẫn còn vang vọng mãi. Hơn hai thế kỉ đã trôi qua nhưng hình tượng Lục Vân Tiên  vẫn mãi là một hình ảnh đẹp. Đọc tác phẩm này, ta không khỏi cảm phục trước tài năng và đức độ của NĐC, ta lại càng thêm trân trọng những con người sẵn sàng vì nghĩa quên thân như Lục Vân Tiên. Chàng trai trẻ tuổi ấy đã nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta sống phải có trách nhiệm với mọi người, sống đẹp, sống có ích cho xã hội.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *