Cảm nhận ba câu cuối bài Đồng chí

Đề bài : Kết thúc bài thơ Đồng chí, Chính Hữu viết:

           Đêm nay rừng hoang sương muối

           Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

           Đầu súng trăng treo.

Cảm nhận  của em về vẻ đẹp của đoạn thơ trên.

Hình tượng người lính mãi mãi là hình tượng đẹp nhất, cao quý nhất và đáng tự hào nhất; thơ ca viết về người lính mãi mãi là những vần thơ đẹp nhất. Nhắc đến mảng đề tài về người lính trong thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ta không thể không nhắc đến bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc biết bao thế hệ những ấn tượng, cảm xúc và cả niềm tự hào về tình cảm đồng chí, đồng đội thiêng liêng của người chiến sĩ. Đặc biệt ba câu thơ cuối của bài đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội của những người lính trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp:
Đêm nay rừng hoang sương muối.
Nằm cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Bài thơ “Đồng Chí” được nhà thơ Chính Hữu viết sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bởi vậy bài thơ là những gì chân thực nhất xuất phát từ sự trải nghiệm của chính nhà thơ kết hợp với sự sáng tạo của mình, Chính Hữu đã để lại những vần thơ với những ấn tượng sâu sắc khó phai trong lòng người đọc.

Ba câu thơ cuối là biểu hiện cụ thể cao đẹp nhất của tình đồng chí khi họ cùng sát cánh bên nhau trên một chiến hào, đây là thử thách lớn nhất để làm sáng lên vẻ đẹp của tình đồng chí.
Đêm nay rừng hoang sương muối.
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
– Câu thơ đầu tiên gợi không gian và thời gian: Đó là khoảng thời gian “đêm nay” rất cụ thể với khung cảnh “rừng hoang – sương muối” hiu quạnh, lạnh lẽo và khắc nghiệt.
– Tuy nhiên, người lính vẫn “ đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau” cho thấy tinh thần đoàn kết, luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh.
+ Động từ “chờ” cho thấy được tư thế chủ động, hiên ngang và sẵn sàng chiến đấu của người lính.
+ Nghệ thuật tương phản đối lập được tạo ra rất cân đối giữa một bên là không gian núi rừng lạnh lẽo, hoang vu, vắng lặng; với một bên là tư thế chủ động mạnh mẽ như lấn át cả không gian toàn cảnh của người lính.
Phải chăng đó là sự lạc quan, tinh tưởng vào đồng đội, vào bản thân với một sự kiên cường, dũng cảm của người lính và đó cũng là một nguồn động lực giúp họ trở nên mạnh mẽ chiến đấu hơn bao giờ hết, tầm vóc của họ bỗng trở nên lớn lao giữa chốn núi rừng vắng vẻ hơn bao giờ hết?
+ Kết thúc bài thơ là một hình ảnh độc đáo, là điểm sáng của bức tranh về tình đồng chí, rất thực nhưng cũng rất lãng mạn.
Đầu súng trăng treo
Chất hiện thực: Trong đêm phục kích, khi súng dắt lên vai và đầu súng chĩa lên trời vô tình chạm vầng trăng mà nhà thơ cứ ngỡ “trăng” treo “đầu súng”.
Chất lãng mạn: Vầng trăng xuất hiện trong không gian căng thẳng, khắc nghiệt của cuộc chiến mà lại như đang “ treo” trên đầu ngọn súng. Động từ “treo” đã tạo nên một mối quan hệ bất ngờ độc đáo, nối liền mặt đất với bầu trời, gợi những liên tưởng thú vị vừa hiện thực lại vừa lãng mạn.

Hình ảnh “súng – trăng” được đặt cạnh bên nhau khiến người đọc có nhiều liên tưởng: giữa hiện thực – ảo mộng; khắc nghiệt- lãng mạn; chiến tranh – hòa bình; chiến sĩ – thi sĩ. Sự đan cài giữa hiện thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh khó khăn, vất vả; lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính: họ vừa là chiến sĩ lại vừa là thi sĩ, họ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đem lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu. Có thể nói, ba câu thơ cuối một bức tranh đẹp, như một bức tượng đài sừng sững cho tình đồng chí thiêng liêng, cao cả.

Với giọng thơ nhẹ nhàng, tâm tình kết hợp biện pháp tu từ ẩn dụ và sự sáng tạo độc đáo, Chính Hữu đã vẽ nên một bức tranh vô cùng đẹp và phá cách khắc họa sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí. Phải là một con người có sự trải nghiệm, tài sáng tạo và sự cảm nhận sâu sắc, tinh tế thì Chính Hữu mới có thể tạo nên một hình ảnh mới lạ, độc đáo và để lại ấn tượng trong lòng người đọc về trăng và người lính như vậy. Từ đây ta càng thêm yêu, càng thêm tự hào và muốn ca ngợi người lính trong cuộc vệ quốc vĩ đại.

Chỉ với ba câu thơ, nhà thơ Chính Hữu đã vô cùng thành công trong việc bộc lộ sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí. Có thể nói, ba câu thơ cuối bài nói riêng và bài thơ “Đồng chí”nói chung đã tạc lên bức tượng đài chiến sĩ tráng lệ, mộc mạc và bình dị, cao cả và thiêng liêng còn mãi trong lòng người đọc hôm nay và cả mai sau.

? Xem thêm:

  • Phân tích 7 câu thơ đầu bài “Đồng chí”
  • Cảm nhận 10 câu thơ giữa bài “Đồng chí”
  • Hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ “Đồng chí”
  • Phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *