Cảm nhận hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa.

I/ Mở bài

Trong mỗi mái ấm gia đình, trong nỗi nhớ da diết của tuổi ấu thơ, hình ảnh người bà luôn là hình ảnh đẹp nhất, lưu lại dấu ấn sâu đậm nhất trong trái tim mỗi con người. Chính trong những năm tháng khó khăn, gian khổ ấy, chúng ta sẽ nhận ra được những giá trị tinh thần vô cùng thiêng liêng và đáng quý. Những giá trị ấy, những kỉ niệm ấy sẽ tạo nên sức mạnh nâng đỡ bước chân ta trong suốt cuộc đời dài. Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt đã soi sáng chân lí giản đơn ấy. Hình ảnh “bếp lửa” đã khơi nguồn hồi tưởng của tác giả những năm tháng sống bên bà, cùng bà nhóm lên ngọn lửa nồng ấm của tuổi thơ, để người đọc biết bao thế hệ cùng rung cảm với một bản trường ca về tình bà cháu. Đọc bài thơ ấy, người đọc không khỏi ấn tượng với hình ảnh người bà- một người phụ nữ tảo tần, chịu khó, giàu tình yêu thương và giàu đức hi sinh.

II.Thân bài

1/ Khái quát hoàn cảnh ra đời, nội dung và nghệ thuật của bài thơ

Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi tác giả 19 tuổi và đang học ngành Luật ở Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu.

2/ Hình ảnh người bà

a/ Bà là người chịu thương chịu khó, tần tảo hi sinh

– Tuy giờ đây được sống trong điều kiện vật chất đầy đủ với tiện nghi hiện đại, nhưng mỗi lần nhớ về bếp lửa, cháu lại nhớ về bà – người bà với cuộc đời biết bao vất vả, lam lũ.

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

– Cụm từ “biết mấy nắng mưa” diễn tả vòng tuần hoàn khép kín của thời gian. Tình cảm mà cháu giành cho bà vượt qua thời gian, qua năm tháng. Hình ảnh “nắng mưa” là ẩn dụ đặc sắc cho cuộc đời lận đận lắm đắng cay, cơ cực của bà.

– Kí ức còn đưa nhà thơ trở về với nạn đói rùng rợn năm 1945. Cái đói chỉ là cái cớ để tác giả gợi nhớ về một tuổi thơ nhiều đắng cay cơ cực, thiếu thốn về vật chất nhưng không thiếu thốn nghĩa tình. Vượt lên trên gian khổ, thiếu thốn, vượt lên trên cái “đói mòn đói mỏi“, với sự chịu thương chịu khó, tần tảo lam lũ, bà đã cùng mọi người vượt qua những năm tháng cơ cực ấy.

– Sự tần tảo và đức hy sinh chăm lo cho người của bà được tác giả thể hiện trong một chi tiết rất tiêu biểu

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.

+ Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. Hình ảnh của bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.

b/  Bà là người phụ nữ nông thôn thuần hậu nhưng có bản lĩnh vững vàng, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

– Tuy chỉ là một người phụ nữ nông thôn thuần phác, thật thà nhưng ẩn đằng sau đó là sự kiên cường, bản lĩnh vững vàng, là sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Bà đã giúp mọi người trong gia đình vượt qua nạn đói 1945 để đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại cháu vẫn thấy “sống mũi còn cay”. Nhớ về bà, cháu nhớ về những năm mà thực dân Pháp chiếm đóng. Hiện thực đau thương như được tái hiện lên qua từng câu chữ:

Năm giặc đốt nhà cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

– Trong gian khổ khó khăn, bà vẫn không gục ngã. Bà vẫn “vững lòng” dặn cháu:

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên

– Qua lời bà dặn cháu ta thấy được tâm hồn thật đẹp. Bà là người lo lắng, yêu thương con cháu, nhân hậu và giàu đức hi sinh. Bà muốn con được yên tâm công tác nên đã một mình vượt qua tất cả những khó khăn nơi quê nhà.

– Như vậy ta thấy rằng, dẫu chiến tranh tàn phá, đau khổ chồng chất cũng không thể thay đổi ý chí, niềm tin của bà. Bà là hiện thân đầy đủ nhất, sinh động nhất cho hậu phương lớn. Bà chính là điểm tựa, chỗ dựa tinh thần cho con cháu:

Rồi sớm chiều bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

– Chính bà đã nhóm lên ngọn lửa – ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin bất diệt. Bởi đó là ngọn lửa – trái tim, tình cảm và tâm hồn bà. Bà đã truyền cho cháu nghị lực, niềm tin một cách tự nhiên như người truyền lửa cho thế hệ sau. Một ngọn lửa thổi bùng lên mơ ước, khát vọng về ngày mới thanh bình.

c/ Bà là người yêu thương, chăm sóc và dạy cháu lên người.  Bà đã nhóm lên trong cháu tình yêu thương, mơ ước và khát vọng về tương lai

– Trong những năm đói khổ tuổi thơ của tác giả vẫn luôn tươi sáng bởi bên nhà thơ luôn có bà. Nhà thơ luôn nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của bà. Đó là thời gian:

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

– Bố mẹ đi công tác, cháu sống trong sự yêu thương, đùm bọc, chăm sóc của bà. Bà đã thay con nuôi cháu khôn lớn trưởng thành..

– Cấu trúc song hành góp phần khẳng định vai trò của bà với  cuộc đời cháu. Đồng thời còn nói lên tình yêu thương vô bờ mà bà đã dành cho đứa cháu bé bỏng. Không chỉ chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ cháu khôn lớn trưởng thành mà bà còn là người nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho cháu. Nếu cơm gạo của bà nuôi lớn cháu về thể xác thì tình yêu thương của bà nuôi lớn cháu về tinh thần, vể ý chi, nghị lực niềm tin. Để rồi, mỗi khi nhớ về bà, cháu lại nhớ về hình ảnh:

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẽ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

– Cũng chính bàn tay bà đã nhóm lên bếp lửa với khoai sắn ngọt bùi, với nồi xôi gạo mới làm ấm lòng cháu những ngày đông tháng giá. Và cũng chính là bà đã thổi bùng lên trong cháu ngọn lửa của tình yêu thương, khát vọng và ước mơ. Bà đã trở thành người bạn lớn, chia sẻ tâm tình. Cháu khôn lớn và trưởng thành như ngày hôm nay phần lớn là nhờ công lao chăm sóc, dạy dỗ của bà. Hình ảnh bà và bếp lửa đã trở thành kí ức thiêng liêng nâng đỡ cháu trên suốt chặng đường đời.

3.Đánh giá

– “Bếp lửa” là bài thơ cảm động viết về tình bà cháu. Qua lời thơ dung dị của BV ta thấy hiển hiện hình ảnh một người bà thật đẹp – người bà Việt Nam.

– Phải là người yêu bà sâu sắc và mãnh liệt mới có thể tạo nên những dòng thơ chân thành, chứa chan tình cảm dành cho bà đến như vậy.

III/ Kết bài

Bài thơ đã thể hiện thật cảm động tình cảm bà cháu qua nỗi nhớ da diết của người cháu phương xa nay đã trưởng thành. Men theo dòng kí ức, hình ảnh bà hiện lên thật đẹp với sự tảo tần, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh và tình thương bao la dành cho cháu. Bài thơ khơi gợi trong mỗi chúng ta tình cảm gia đình, tình bà cháu để từ đó mỗi chúng ta biết yêu thương, trân trọng gia đình, sống có trách nhiệm với những người thân yêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *