Tổng hợp đoạn văn nghị luận 200 chữ thường xuất hiện trong đề thi

1. Suy nghĩ về 2 chữ “Thất bại”

“Thất bại là mẹ thành công” – bạn có đồng ý với quan điểm này? Mới nghe qua có vẻ vô lí vì thất bại là sự đối lập của thành công, vậy tại sao lại là “mẹ” của thành công được? Thành công là trạng thái mà con người đạt được mục đích mà họ mong muốn. Còn thất bại thì ngược lại đó là khi chúng ta không đạt được điều mình muốn. Trong câu nói này ý chỉ rằng thất bại chính là tiền đề để tạo nên sự thành công. Khi bạn thất bại bạn sẽ có kinh nghiệm hơn về việc đó để rồi sau này có thể hạn chế được mặt tiêu cực và đạt được sự thành công. Sau thất bại bạn sẽ có động lực để vực daayh, sửa đổi mặt yếu kém. Cứ nhưu thế thành công sẽ chào đón bạn. Các nhà khoa học đã phải thất bại rất nhiều trước khi có những phát minh có thể thay đổi cả thế giới. Nhưng nếu khi bạn thất bại mà chán nản, bỏ cuộc để rồi bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công mà bạn mong muốn. Chúng ta cần có ý thức, nghị lực để khắc phục thất bại và biến nó thành thành công. Thất bại chưa là dấu chấm hết, nó thực sự kết thúc khi bạn không có nghị lực sống để giải quyết thất bại. Cánh cửa thành công luôn chào đón bạn, vậy tại sao bạn không tự đứng lên để Bắt Đầu.

2. Thói quen xấu

“Trong cuộc sống, bên cạnh nhiều tập quán, thói quen tốt còn có những tập quán, thói quen xấu gây hại cho con người và xã hội. Một số thói quen xấu, có thể kể tới như: cờ bạc, thuốc lá, ma túy, rượu hoặc băng đĩa có nội dung độc hại,… Nếu như giới trẻ chúng ta không kiên định với lập trường tự chủ, dần dần sẽ bị nó ràng buộc, chi phối và trở thành nô lệ của những thói quen xấu. Cờ bạc, thuốc lá, ma túy… là những thói hư tật xấu gây ra tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình và xã hội về nhiều mặt như: tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống… đây cũng là mối nguy cơ trước mắt và lâu dài của đất nước, dân tộc. Tóm lại, tất cả những tập quán xấu, thói quen xấu có ma lực cuốn hút con người. Thế nên, giới trẻ của chúng ta hiện nay, để không bị biến thành nạn nhân của nó, mỗi chúng ta phải tự rèn luyện, tu dưỡng không ngừng trong học tập, trong lao động và phải nâng cao nhận thức về tác hại của các tệ nạn trong xã hội”.

3. Lòng hiếu thảo

Đạo làm con là phải hết lòng phụng dưỡng, báo đáp mẹ cha, vì thế hiếu thảo là tình cảm tự nhiên và cũng là đạo đức của con người. Người con hiếu thảo là người con luôn biết kính trọng và yêu thương cha mẹ của mình. Cha mẹ nuôi con không bao giờ mong được đền đáp lại công lao ấy nhưng nghĩa vụ của mỗi người con là phụng dưỡng khi cha mẹ tuổi già sức yếu. Lòng hiếu thảo luôn mang lại hạnh phúc cho gia đình, làm cho gia đình yên ấm. Hiếu thảo cũng mang lại một xã hội tốt đẹp văn minh. Bởi gia đình vốn là tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình là những tấm gương hiếu thảo thì xã hội này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Muốn vậy ta cần phê phán những kẻ bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ, luôn khiến cho cha mẹ phải đau lòng. Đúng như đức nhân Khổng Tử đã từng nói: “Tội ác lớn nhất của con người chính là tội bất hiếu”. Tóm lại, bổn phận làm con phải biết giữu tròn chữ hiếu với đấng sinh thành. Ngày nay, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ, chữ hiếu còn được mở rộng ý nghĩa như trong lời Bác hồ dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”.

4. Tình bạn

Tình bạn là mối quan hệ không thể thiếu trong đời sống của tất cả chúng ta. Vậy tình bạn là gì? Thiếu nó, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng có những tình bạn, đó là sự gắn bó giữa hai hoặc nhiều người trên cơ sở tương đồng về sở thích, tính cách hay lí tưởng. Một tình bạn trở nên đẹp đẽ và cao quý khi ta dành cho đối phương sự tôn trọng, đồng cảm và sẻ chia; không quản ngại hi sinh, vất vả để giúp đỡ lẫn nhau. Giữa dòng đời với biết bao bon chen, xô đẩy, có được một tình bạn chân thành là điều vô cùng may mắn. Bởi đó là niềm vui, là chỗ dựa lớn lao đem đến cho ta sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Đồng thời, “học thầy không tày học bạn”, từ họ ta có thể nhìn ra thiếu sót của bản thân, từ đó mà phấn đấu, nỗ lực để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho riêng mình những người tri âm tri kỉ như Lưu Bình & Dương Lễ, Bá Nha & Tử Kì, Nguyễn Khuyến & Dương Khuê… Một chút tham lam ích kỉ hay ghen ghét đố kị cũng có thể khiến người gọi là “bạn” kia lợi dụng hay phản bội hòng trục lợi từ ta. Thêm nữa, là bạn tốt không đồng nghĩa với việc bao che, đồng tình với những hành động sai trái của đối phương mà phải mạnh dạn thẳng thắn giúp bạn nhận ra sai lầm và quay lại với con đường đúng đắn. Vì vậy, tất cả chúng ta cần đối xử với những người bạn của mình bằng tất cả sự chân thành và không ngừng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Bởi đúng như Ralph Waldo Emerson từng nói: “Cách duy nhất để có một người bạn là hãy làm một người bạn”.

5. Tiết kiệm

Tiết kiệm là đức tính cần có của tất cả chúng ta. Vậy bản chất của tiết kiệm là gì? Tại sao nó lại quan trọng với con người đến vậy? Tiết kiệm là sử dụng hợp lí, không lãng phí hay bừa bãi các giá trị vật chất. Ai cũng hiểu tài nguyên trên Trái Đất không gì là vô tận. Nước, than, dầu mỏ, khí đốt… dẫu có nhiều đến đâu mà không được sử dụng đúng cách chắn chắn sẽ sớm cạn kiệt. Tương tự, khả năng tích lũy của con người cũng là có hạn. Nếu không có dự tính lâu dài, ăn tiêu phung phí, chẳng mấy chốc ta rơi vào cảnh nghèo túng nợ nần. Bởi vậy, có thể khẳng định, tiết kiệm chính là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của mỗi cá nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung. Vậy nhưng, ngày nay, vẫn còn không ít kẻ sử dụng phung phí, thậm chí là tận thu tận diệt sản vật tự nhiên, không có ý thức giữ gìn, nâng niu tài sản chung của bản thân và nhân loại. Đồng thời, cũng có những người nhầm lẫn giữa tiết kiệm với ki bo, bủn xỉn, không biết cách cho đi dù chỉ một đồng. Là thế hệ trẻ nắm giữ tương lai của đất nước, chúng ta cần nói không với các hiện tượng tiêu cực này và bắt đầu thực hành tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất như: tắt đèn khi ra khỏi phòng, vặn vòi nước thật chặt nếu không sử dụng… Bởi đúng như Beniamin Frankmin đã nói: “Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu”.

6. Lòng yêu nước

Đất nước kết tinh, hóa tinh trong mỗi con người. Con người phải có tinh thần cống hiến, hi sinh, có tinh thần trách nhiệm đối với sự trường tồn của quê hương xứ sở. Đúng như Nguyễn Khoa Điểm đã viết “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi” – đó là lời thơ dung dị về tình yêu đất nước trong mỗi con người. Đất Nước là nơi ta sinh ra, nơi ta lớn lên, nơi ta được đến trường, được yêu thương và được làm người. Vì vậy, tình yêu đất nước là tình cảm thường trực trong mỗi con người chúng ta. Tôi còn nhớ đến một câu nói nổi tiếng của một cố tổng thống Mỹ “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà phải hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc”. Đó là câu hỏi đặt ra với tất cả mọi người chúng ta. Đất nước – dân tộc là thiêng liêng , là sự hòa kết giữa nhiều tế bào sống. Vì vậy, sự tồn tại của các nhân chỉ có ý nghĩa khi hòa nhập vào cộng đồng. Có như vậy mới đem lại sự thành công trong sự nghiệp chung. Bên cạnh đó chúng ta cần phải phê phán những người có lối sống ích kỉ, chỉ nghĩa cho bản thân mình. Lòng yêu nước là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng, mỗi con người chúng ta cần nhận thức được tình cảm cao đẹp ấy để sống cho ra cuộc sống con người.

7. Lạc quan

Lạc quan là một thái độ sống tích cực góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp đối với tất cả mọi người. Lạc quan có nghĩa là không lo lắng thái quá, tinh thần luôn trong trạng thái thoải mái dù có ở trong hoàn cảnh như thế nào. Trong cuộc sống, lạc quan luôn là người bạn đồng hành của mỗi chúng ta để đưa chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Làm việc gì, dù khó khăn tới đâu thì người lạc quan vẫn tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước. Khi gặp khó khăn hay thậm chí thất bại họ vẫn không bỏ cuộc, không chán nản mà ngược lại với tinh thần lạc quan, họ có thể làm tăng cơ hội thành công. Lạc quan là kẻ thù của sự ủy mị, yếu đuối thì chắc chắn sự lạc quan chính là bạn hành trình của con người trên con đường tới tương lai. Hãy loại bỏ mọi nguồn tin mang tính tiêu cực. Hãy tránh xa những người thường xuyên kêu ca phàn nàn. Hãy đón nhận những tin tích cực để luôn có suy nghĩ tích cực. Như vậy, lạc quan đã góp phần tăng giá trị cho bản thân và xã hội.

8. Thói vô trách nhiệm

Như một thứ axit vô hình, thói vô trách nhiệm có thể ăn mòn cả xã hội của chúng ta. Thật vậy, trách nhiệm là có ý thức, có tính tự giác, làm tròn bổn phận của mình với những công việc được giao. Còn vô trách nhiệm là vô tâm, cẩu thả, không quan tâm đến đúng sai, phải trái. Bởi thế, thói vô trách nhiệm để lại những haaij quả nghiêm trọng. Thói vô trách nhiệm làm chậm sự tiến bộ của xã hội và gây ra những thất thoát, lãng phí. Kẻ vô trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ dẫn đến mất lòng tin của mọi người. Đôi khi sự vô trách nhiệm của bản thân cũng mang đến những thất bại ê chề. May mắn thay, thói vô trách nhiệm ấy chỉ là một bộ phận nhỏ, còn bên cạnh đó là cả một dân tộc với những con người luôn đề cao trách nhiệm và sống hết mình vì những nhiệm vụ cao cả. Vì vậy, chúng ta cần rút ra bài học cho riêng mình: cần phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội, đừng để sau này chúng ta phải hối hận vì hành động vô trách nhiệm của mình.

9. Bàn về thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà có những người bỏ ra cả cuộc đời để theo đuổi? Phải chăng, đó là sự hoàn hảo trong công việc, là cuộc sống giàu sang, được nhiều người nể phục? Thực ra thành công đơn giản và gần gũi hơn rất nhiều. Đó là khi bạn nấu được một bữa cơm ngon, giải một bài toán khó hay giúp mẹ một vài việc vặt… Những dẫu được định nghĩa thế nào chăng nữa, thành công vẫn phải là kết quả của quá trình không ngừng cố gắng, nỗ lực, dám chấp nhận và vượt qua thất bại. Và, tuyệt đối đừng biến con đường theo đuổi thành công trở thành bi kịch bởi cố gắng không đồng nghĩa với bất chấp tất cả để đạt được điều mình mong muốn. Thành công cũng giống như con người, chỉ bền vững khi được tạo nên từ chính sức lực của mình với một cái tâm trong sáng. Vậy nên, mối chúng ta đừng ủ rũ mà cho rằng mình là kẻ thua cuộc, hãy cứ vui lên và bước tiếp trên con đường đã chọn.

10.Khát vọng
Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, con người không thể thiếu đi những khát vọng chân chính. Vậy khát vọng là gì? Nó đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? Khác với tham vọng, khát vọng chính là mong muốn hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp với sự thôi thúc mãnh liệt đến từ sâu thẳm trái tim con người. Nó đem đến một mục đích sống cao đẹp, trở thành động lực giúp ta vượt qua khó khăn trên đường đời. Đồng thời, nó cũng nâng ta lên khỏi những cái tầm thường, vươn tới cái cao cả, thuần khiết hơn, trở thành nền tảng quan trọng để có thể kiến tạo nên lợi ích cho gia đình và xã hội. Thử hỏi, cách đây hơn một trăm năm, nếu người thanh niên Nguyễn Tất Thành không vì khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc mà đặt chân lên con tàu Đô đốc Đờ Tác – tơ – ri, biết đến bao giờ chúng ta mới được sống trong hòa bình như ngày hôm nay? Và nếu không có những con người dám ước mơ, dám thực hiện như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có lẽ thương hiệu ô tô Made in Vietnam 100% sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. ..Những người biết khát vọng vươn lên xứng đáng để mỗi chúng ta nêu gương và học tập. Tuy nhiên bên cạnh những con người biết khát vọng và hướng đến những điều tốt đẹp thì trong xã hội vẫn còn đâu đó những con người không biết vươn lên, tự mãn với bản thân. Những người như vậy sẽ làm xã hội đi xuống, họ đáng bị phê phán và lên án. Nói tóm lại, tất cả chúng ta, trong đó có tôi, hãy xây dựng cho mình một khát vọng cao cả và nỗ lực hết sức để biến nó thành hiện thực. Bởi nếu cuộc đời này là bầu trời rộng lớn, khát vọng chính là đôi cánh giúp ta có thể bay xa.

11.Cho và Nhận
“Cho” và “nhận” là hai quá trình quen thuộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Vậy “cho” và “ nhận” là gì? Nó đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? “Cho” chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm từ trái tim của một người, còn “nhận” là sự được đáp trả, đền ơn. Giữa “cho” và “nhận” luôn tồn tại mối quan hệ nhân quả nhưng đồng thời cũng tương trợ, bổ sung cho nhau. Bởi cuộc sống luôn tồn tại quy luật hai chiều, nếu không cho đi thì đừng mong ngóng được nhận lại. Đồng thời, khi cho đi bằng cả tấm lòng, thứ ta nhận lại không chỉ là lời cảm ơn từ người nhận mà còn là sự thanh thản, trạng thái hạnh phúc cho tâm hồn. Hơn nữa, đường đời không bao giờ bằng phẳng. Những lúc phải đối mặt với khó khăn thử thách , một cái nắm tay thật chặt, một sự giúp đỡ – dù nhỏ thôi nhưng chắc chắn sẽ giúp người được nhận mạnh mẽ hơn nhiều. Vậy nhưng, nếu cho đi mà chỉ mong nhận được sự đền đáp, chắc chắn việc đã làm sẽ mất đi ý nghĩa. Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những người mượn việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu. Thậm chí, gần đây còn xuất hiện những kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác, giả danh bán tăm nhân đạo để trục lợi. Những người như vậy đáng bị xã hội lên án và phê phán. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần nhận thức được vai trò của “cho” và “nhận”, cương quyết chối bỏ lối sống ích kỉ, vô cảm, thờ ơ với đồng loại, nỗ lực học tập và rèn luyện để có thể kiến tạo giá trị cho bản thân cũng như cộng đồng. Bởi đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *