Nghị luận xã hội “Vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người”

1.  Mở bài

  • Dẫn dắt vào vấn đề.
  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người.

2.  Thân bài

Giải thích:

Hạnh phúc là trạng thái, là cảm giác sung sướng nhất của con người vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

Hạnh phúc của trẻ thơ là được đến trường, được học tập, được sống trong tình yêu thương, dìu dắt của thầy cô giáo: Nghĩa là đến trường các em không chỉ được trau dồi kiến thức mà còn được nhận tình yêu thương, chăm sóc của thầy, cô.

-> Câu nói đã đề cao vai trò, công lao to lớn vĩ đại của người thầy với cuộc đời mỗi người.

    Phân tích, chứng minh:

Khẳng định sự đúng đắn của vấn đề: Trong cuộc đời của mỗi người, người thầy có vai trò rất quan trọng.

Chứng minh:

+ Mỗi trẻ thơ khi đến trường đều được gặp và học một hoặc nhiều thầy cô giáo. Các thầy cô đã truyền dạy cho học trò kiến thức, kĩ năng, dạy đọc, dạy viết, dạy làm văn, làm toán…Dạy cho học trò biết cách học để khám phá kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại.

+ Thầy không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người, dạy biết điều hay, lẽ phải, dìu dắt nâng đỡ học trò lớn lên hoàn thiện về nhân cách. Dạy trò biết yêu thương người, yêu quê hương đất nước, biết sống nhân ái, đoàn kết, …

+ Thầy cô còn là những người thắp sáng niềm tin và ước mơ cho học trò để các em biết sống có hoài bão, có lý tưởng…

+ Những điều mà người thầy truyền dạy cho chúng ta sẽ theo ta trong suốt hành trình của cuộc đời.

(Học sinh lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống, trong văn học để chứng minh)

    Bàn bạc mở rộng:

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy được thể hiện trong mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò.

Tuy nhiên bên cạnh một số học sinh biết tôn trọng thầy giáo, cô giáo thì vẫn còn một số học sinh không biết nghe lời, ham chơi, bỏ học, thậm chí còn vô lễ cãi lại lời thầy cô. Một số người thì xúc phạm hoặc cố ý hạ thấp vai trò của người người thầy. Đó thực sự là những học sinh hư, những phần tử xấu, những con người mất nhân cách.

Kết bài

Để bày tỏ lòng biết ơn với thầy cô, mỗi học sinh phải biết kính yêu, phải biết ơn và tôn trọng thầy cô giáo. Đồng thời phải biết nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức để đền đáp công ơn của thầy cô,…

Bài văn mẫu Nghị luận xã hội “Vai trò của người thầy trong cuộc đời của mỗi người.”

Mỗi người chúng ta đều trải qua quá trình học tập và quá trình đó sẽ thật khó khăn, truân chuyên biết bao nếu chúng ta không có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo – những người giúp ta chập chững làm quen với kiến thức về thế giới xung quanh. Vì thế ta có thể thấy vai trò của người thầy cô trong nhà trường và việc giáo dục, truyền đạt kiến thức cho học sinh là vô cùng quan trọng.

Thầy cô – những bậc đàn anh đi trước, những người có trình độ hiểu biết cao, là người dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản phong phú, bao điều hay lẽ phải, hướng dẫn cho học sinh từng bước đi lên vững chắc. Dân gian ngày xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” đã cho thấy vai trò và trách nhiệm của người thầy cô là rất to lớn: Không chỉ cung cấp kiến thức, thầy cô còn dạy bảo ta nên người toàn diện, định hướng hình thành nhân cách mỗi con người chúng ta, góp phần xây dựng những nhân tài của tương lai mai sau.

Và ngày nay, xã hội ngày càng phát triển đưa vai trò của người thầy ngày càng lên cao. Kiến thức là một biển trời rộng lớn bao la, một học sinh không thể nào tự nắm bắt chọn lọc. Thì lúc đó vai trò của người thầy càng thể hiện rõ hơn, họ sẽ là người chỉ đường dẫn lối đưa học sinh đến gần hơn với kiến thức. Một người thầy có trách nhiệm là không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu về học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung. Biết đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực của học sinh. Qua đó đã cho thấy vai trò của người thầy trong nhà trường ngày nay đó là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn. Gieo hạt nhưng hạt muốn vươn thành cây thì phải dựa vào chính bản thân mình. Dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả. Nghĩa là giúp học sinh phát triển trí tuệ tư duy, tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động dù là tri thức tiên tiến. Chính vì nhờ thầy cô, những đam mê, năng khiếu tiềm ẩn đâu đó trong ta mới được khơi dậy. Bên cạnh đó, một người thầy tốt là người có tấm lòng nhiệt huyết hết mình với nghề, truyền đạt cho học sinh bằng tất cả kiến thức mình có. Am hiểu học sinh, tìm ra những phương pháp hay giúp học sinh hiểu bài sâu và nhanh, khắc phục những khuyết điểm và tạo ra nhiều ưu điểm. Ân cần khuyên bảo khi học sinh mắc lỗi, không gây quá nhiều áp lực cho học sinh hay áp đặt học sinh một cách máy móc. Chính vì thế người thầy, người cô được ví như người cha người mẹ thứ hai của chúng ta. Họ cũng dành cho ta tình yêu thương nồng nhiệt, tốn nhiều công sức để truyền đạt kiến thức cho ta bằng cả tấm lòng.
Ngoài vai trò truyền đạt kiến thức của thầy cô thì vai trò của học sinh cũng quan trọng không kém. Là vì dù thầy cô tâm huyết tới đâu mà học sinh không có ý thức tiếp thu thì công sức của thầy cô cũng bằng thừa. Ta có thể thấy sự tác động qua lại giữa học sinh và thầy cô, thầy cô dạy hay học sinh càng có tinh thần học tập, và ngược lại học sinh học tốt học giỏi giáo viên sẽ có thêm động lực trong việc giảng dạy.

Qua đó ta có thể thấy vai trò của người thầy người cô trong nhà trường là rất rất quan trọng và cần thiết cho mỗi chúng ta. Vì thế để nhớ đến công ơn dạy dỗ của người thầy nước ta đã lấy ngày 20-11 để mọi người cùng nhau nhớ về những công lao dưỡng dạy của các thầy cô giáo năm xưa. Chúng ta phải biết nhớ ơn thầy cô: học thật tốt và thành công trong cuộc sống đó là cách thể hiện lòng biết ơn thiết thực nhất. Một lời nói lễ phép, một câu chào hỏi lễ phép cũng làm thầy cô thấy ấm lòng mà không cần phải quá cầu kỳ hay phức tạp, tốn kém, đối với thầy cô như thế là đủ.
Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy thầy là người dẫn đường chỉ lối, người luôn đồng hành bên ta, giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức của mỗi con người. Cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Tóm lại, ta có thể thấy vai trò của người thầy trong việc truyền thụ kiến thức trong trường học là vô cùng thiết yếu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *