a. Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật người đàn bà hàng chài
– Nguyễn Minh Châu: người “mở đường tài năng và tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn học Việt Nam.
– Chiếc thuyền ngoài xa (1983), kể về chuyến đi thực tế của Phùng – nghệ sĩ nhiếp ảnh, qua đó thể hiện cách nhìn sâu sắc của tác giả về cuộc sống và sự trăn trở về thân phận con người. Nhân vật người đàn bà hàng chài: có vai trò quan trọng với phát triển mạch truyện, trong mối quan hệ với các nhân vật khác, trong việc thể hiện tấm lòng nhân đạo và quan điểm nghệ thuật của nhà văn.
b. Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện
b1. Hoàn cảnh sống và sự xuất hiện ở tòa án huyện
Người đàn bà hàng chài được Đẩu mời đến tòa án huyện về công việc gia đình, tình cờ gặp Phùng – người chứng kiến cảnh lão đàn ông hành hạ người đàn bà, cảnh cô chị gái tước đoạt con dao găm mà đứa em trai định dùng làm vũ khí để bảo vệ người mẹ đáng thương,…
Số phận bất hạnh
+ Từ nhỏ đã là một người con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa.
+ Cũng vì xấu, không ai lấy, có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà mua bả về đan lưới.
+ Sống những ngày tháng bấp bênh, cơ cực trên chiếc thuyền chài, đói nghèo đeo đẳng, bị hành hạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”.
=> Người đàn bà hàng chài không chỉ bị hành hạ về mặt thể xác từ những trận đòn tàn bạo của người chồng vũ phu mà còn bị giày vò về tinh thần, nơm nớp lo sợ con cái bị tổn thương khi phải chứng kiến cảnh bố đánh đập, hành hạ mẹ.
b2. Người đàn bà hàng chài qua dáng vẻ, cách xưng hô
– Dáng vẻ: lúng túng, sợ sệt, tìm đến một góc tường để ngồi; rón rén, cổ thu người lại, thường xuyên cúi mặt.
– Cách xưng hô: con – quý tòa…
=> Một con người tội nghiệp luôn thấy sự có mặt của mình trong cuộc đời này là phi lí; luôn mặc cảm, tự ti và do đó muốn giảm thiểu sự vướng víu, phiền phức mà mình có thể gây ra cho mọi người xung quanh.
b3. Người đàn bà hàng chài qua lời trần tình
Trước lời đề nghị giúp đỡ của Đẩu và Phùng, người đàn bà dứt khoát từ chối. Chị đau đớn, đánh đổi bằng mọi giá để không bỏ lão chồng vũ phu: van lạy quý tòa để không bỏ chồng.
Nhẫn nhục, chịu đựng
+ Dù bị chồng nhẫn tâm đánh đập, hành hạ,… nhưng người phụ nữ này không trách móc mà lại rất cảm thông, thấu hiểu, sẵn sàng chấp nhận nghịch cảnh éo le.
+ Người đàn bà đáng thương ấy không ngừng ra sức bảo vệ gia đình bé nhỏ của mình: “Quy tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó…”
+ Người đàn bà ấy tự nhận phần sai, thua thiệt về phía mình: “Cũng tại đàn bà ở thuyền chúng tôi đẻ nhiều quá”.
=> Đó là sự cam chịu, nhẫn nhục đáng được cảm thông và chia sẻ.
Yêu thương con vô điều kiện
+ Người đàn bà đã khóc khi nghe Phùng nhắc đến thằng Phác. + Vì sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó, người đàn bà đã phải gửi nó lên rừng nhờ bố mình nuôi đã một năm nay.
+ Người đàn bà hàng chài luôn tâm niệm “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”.
Người đàn bà thất học nhưng lại sắc sảo, thấu hiểu lễ đối HD
+ Từ hình ảnh một người dân nghèo, lam lũ sợ sệt lúng túng “tìm một góc tường để ngồi” bỗng chốc thay đổi hẳn. Nếu lúc đầu người đàn bà xưng “con”, gọi “quý tòa” thì đến khi đối thoại với Đẩu, Phùng lại xưng “chị”, gọi “mấy chứ”, “các chứ”.
+ Để bảo vệ chồng, bảo vệ gia đình, người đàn bà hàng chài trở nên khéo léo, thấu suốt, từ chối bỏ chồng bằng những lí lẽ hết sức thuyết phục. Chị biết rõ nỗi vất vả, cơ cực trên một chiếc thuyền không có đàn ông. Chị biết dựa vào quá khứ tốt đẹp của chồng để thuyết phục.
+ Người đàn bà hàng chài biết chắt chiu hạnh phúc nhỏ nhoi, đời thường: “Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười- vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”; “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng được ăn no”.
=> Những lời chia sẻ từ đáy lòng của người đàn bà hàng chài khiến Phùng nhận ra chân lí: không thể giản đơn, dễ dãi trong việc nhìn nhận sự việc, hiện tượng của đời sống. Đừng nhìn và đánh giá từ cái nhìn bề ngoài bởi cuộc sống luôn chứa đựng những nghịch lí, những bất công và mất mát. Anh đã phát hiện ra bên trong người đàn bà thô kệch ấy là một trái tim nhân hậu, một vẻ đẹp tâm hồn mà không phải ai cũng có thể nhận ra được.
c. Đánh giá chung
* Giá trị nhân đạo
– Nguyễn Minh Châu hết sức cảm thông trước tình cảnh người đàn bà vùng biển, từ đó phát hiện và khẳng định phẩm chất cao đẹp: tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh. Đi tìm, phát hiện, ca ngợi, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài, nhà văn đã gửi đến người đọc thông điệp về một xã hội tốt đẹp trong niềm tin vào con người.
* Giá trị nghệ thuật
Đặt nhân vật vào tình huống mà ở đó bộc lộ mọi mối quan hệ, khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống.
– Nghệ thuật trần thuật: Tạo ra điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống, lời kể trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ nhân vật: phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người. Lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.
Quan niệm nghệ thuật của nhà văn
– Cách nhìn cuộc sống: Cuộc sống không đơn giản, xuôi chiều mà luôn có những mặt đối lập, những nghịch lí, con người đôi khi phải chấp nhận. Vì vậy, khi nhìn nhận cuộc sống phải có cái nhìn đa chiều, nhiều hướng.
– Cách nhìn con người: Phải nhìn nhận con người từ nhiều góc độ, không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá bản chất bên trong. Văn học nghệ thuật phải gắn bó với cuộc sống, phải vì con người.
– Người nghệ sĩ không thể có cái nhìn hời hợt đối với cuộc sống và con người, càng không chấp nhận kiểu đứng ngoài cuộc, đứng trên cao để phán xét hiện thực. Nghệ thuật chân chính là sản phẩm của hành trình tìm kiếm và khám phá không biết mệt mỏi của người nghệ sĩ.