So sánh, liên hệ mở rộng tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân

1. Tác giả, tác phẩm

– “Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút “sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí.. câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc.” (Lê Thành Nghị) “Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng một lòng đi về với đất, với người thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn ngày trước” (Nguyên Hồng)

– “Vợ nhặt” dường như đã mang nét mới của thời đại, vượt lên trên chủ nghĩa nhân văn trong dòng văn học hiện thực trước Cách mạng tháng 8” ( Vũ Dương Quỹ)

– “Nhà văn dùng “Vợ nhặt” để làm cái đòn bẩy nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”. (Dẫn theo Hoài Việt – Nhà văn trong nhà trường: Kim Lân, NXB Giáo dục, 1999, tr.39).

2. Nhan đề “Vợ nhặt”

Đọc xong “Vợ nhặt” có nhà thơ đã viết:

“Bốn bát bánh đúc thành lễ cưới thật rồi

Xin từ điển hãy thêm từ “vợ nhặt”

Ngòi bút Kim Lân tưởng như cười như khóc

Đói quắt quay nhưng tha thiết tình người”

Có thể nói, “Vợ nhặt” là một cách kết hợp từ rất mới mẻ, độc đáo, thâu tóm được giá trị nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Bởi lẽ “nhặt” tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ (Kim Lân). Trong bối cảnh nạn đói năm 1945, người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối phủ xuống mọi xóm làng. Trong hoàn cảnh ấy giá trị con người trở nên rẻ rúng, người ta có thể nhặt được vợ chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ…. (Nêu ý nghĩa của nhan đề)

3. Tình huống truyện: Tràng nhặt được vợ giữa nạn đói 1945 chỉ bằng câu nói bông đùa gợi liên tưởng tới:

Lời “tỏ tình” của Chí Phèo: Từ ngàn xưa, đôi lứa nên duyên chồng vợ thường bắt đầu từ những lời yêu thương đong đầy. Với Tràng và thị, một lời cầu hôn nghiêm túc vẫn là xa xỉ, đâu ước mong lãng mạn, ngọt ngào. Kì thực thị theo Tràng về làm vợ chỉ bằng mấy câu nói đùa cợt cho vui. Hai bận gặp gỡ mà nên duyên vợ chồng. Tràng đâu có chủ tâm gì cho cam, gã trai xấu xí, thô kệch ấy cũng chỉ tầm phơ, tầm phào sau khi chiêu đãi cô ả đói rách bốn bát bánh đúc giữa bàn dân, thiên hạ: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Tràng đùa mà thị lại theo về thật. Theo về tìm chốn nương thân, chạy trốn tử thần. Vậy là Tràng có vợ. Đâu như Chí Phèo thật bụng, mang cả tấm chân tình để tỏ bày “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Vậy đấy, người thật lòng lại chẳng nên cơm cháo, kẻ trớt nhả thật ít hơn đùa mà lại yên bề. Được hay thua chung quy đều tội nghiệp.

(Diêm Phố – THPT Hậu Lộc 4 )

Sính lễ thiếu: Lệ thường, trai gái cưới xin phải sính lễ đường hoàng. Không to tát cũng phải đủ đầy thủ tục. Năm xưa chàng Sơn Tinh tài ba cưới được công chúa Mị Nương xinh đẹp phải có “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” sang trọng đấy thôi. Cô gái nghèo trong ca dao cũng thách cả “nhà khoai lang” bình dân mà ấm bụng, ấm lòng. Còn cô thị? Có gì đâu ngoài mấy câu nói chơi, bốn bát bánh đúc, cái thúng con con và một bữa no nê. Chỉ vậy mà theo người ta về làm vợ. Giá trị con người rẻ rúng, bọt bèo đến thảm hại. Nghe mà nhói nhói trong lòng, vừa tội lại càng thương cho giá trị thảm hại của con người trong năm đói thê thảm, thương đau.

(Diêm Phố – THPT Hậu Lộc 4 )

Nghi lễ cưới cũng chẳng có gì: Chẳng mai mối, không cưới hỏi, đón đưa dâu. Chàng nàng lầm lũi tự dắt díu nhau về trong nỗi thẹn thùng tội nghiệp. Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, bất ngờ, chẳng thể tin vào mắt mình, thậm chí ai đó còn mai mỉa, gièm pha: “giời đất này còn rước cải của nợ ấy về”. So với đám cưới của cô bé Dần trong truyện “Một đám cưới” của Nam Cao, cuộc hôn nhân của Tràng thiếu đi nhiều thứ. Chí ít, cô Dần còn được người ta đến rước dâu, có miếng trầu, bát nước chè tươi đãi khách, được bố và hai đứa em đưa về nhà chồng. Trái lại, thị về làm dâu giữa buổi chiều ảm đạm, một mình bước đi trong nỗi e thẹn, ngượng ngùng, chân nọ díu cả chân kia trong bộ quần áo tả tơi, cái nón tàng che lấp khuôn mặt lưỡi cày xám xịt. Đọc văn Kim Lân, biết bao người xót xa thương cảm cho phận người tủi cực, đáng thương. Ấn sâu trong trang văn là tấm lòng nhân đạo của người cầm bút.

(Diêm Phố – THPT Hậu Lộc 4 )

4.Khung cảnh nạn đói năm 1945:

Bức tranh xóm ngụ cư bị nạn đói hoành hành, được tác giả miêu tả chân thực từ hình ảnh đến âm thanh, mùi vị (….) Nạn đói ám ảnh như Nam Cao đã từng nói: “Có lẽ cho đến những năm 2000, con cháu chúng ra cũng phải kể cho nhau nghe để rùng mình”. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm văn học cùng thời kì như:
– “Chuyện cũ của Hà Nội” (Tô Hoài):
+Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào … Người ngồi, người chết la liệt các via hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lui qua”.
+ Đau đớn hơn khi phải chứng kiến những đứa trẻ sống trong cảnh ấy chẳng khác nào một thứ hàng: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhân người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quay trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”.

– “Ô Cầu Dền” trong tập tản văn “Bát phố” (Bảo Sinh): “Năm 1945, đây là mà chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, căng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả”.
Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường,

Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!

Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,

Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
-(“Đói” – Bàng Bá Lân)

5. Nhân vật Tràng

Nguồn gốc, lai lịch: Là người lao động nghèo khổ, là dân ngụ cư – người từ nơi khác tản cư đến. Ngày xưa, kiếp ngụ cư vốn tủi nhục trăm bề, họ bị dân chính gốc khinh rẻ, không ai gả con gái cho:
“Trai làng ở góa còn đông
Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư?”
Sự thay đổi ở nhân vật Tràng vào buổi sáng hôm sau: Tràng cảm nhận được ánh sáng “sáng lóa vào hai con mắt còn cay xè của hắn”, cảm động khi nghe thấy âm thanh “tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”, hình ảnh “vợ hẳn quét lại cái sân”. Đây vốn dĩ là những hình ảnh, âm thanh rất bình dị, quen thuộc trong cuộc sống thường ngày nhưng hôm nay Tràng lại cảm thấy vô cùng cảm động, thấm thía. Chi tiết này gợi nhớ đến sự thay đổi trong diễn biến tâm lí của nhân vật Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở. Đó có lẽ là lần đầu tiên sau chuỗi ngày bị tha hóa, Chí cảm nhận được về ánh sáng và âm thanh xung quanh: “Mặt trời chắc đã lên cao và nắng chắc là rực rỡ”, nghe thấy “tiếng những người đi chợ về”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cả”. => Hạnh phúc không phải điều gì quá xa vời mà hạnh phúc có trong những điều bình thường giản dị có trong chính cuộc sống gia đình thường ngày.
Nhận xét về nhân vật: Câu chuyện về nhân vật Tràng chính là một minh chứng cho quan niệm sống đầy giá trị: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (“Mùa lạc” – Nguyễn Khải). Đó là niềm tin của nhà văn Kim Lân, là sự diễn tiến tất yếu của hình tượng nhân vật và cũng là sự thật mà lịch sử đã chứng minh.

6. Nhân vật người vợ nhặt

Tên gọi: Cách gọi tên nhân vật người vợ nhặt khiến ta nhớ tới nhân vật người đàn bà làng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu). Họ đều là những người đàn bà vô danh, nếu nhân vật trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được gọi là “người đàn bà”, “bà”, “mẹ”, “mụ rỗ mặt”… thì nhân vật trong “Vợ nhặt” được gọi là “thị”, “cô ả”, “người đàn bà”, “nàng dâu mới”, “nhà tôi”…Không phải Kim Lân và Nguyễn Minh Châu nghèo vốn từ đến mức không thể đặt cho nhân vật của mình một cái tên mà qua cách gọi các nhân vật cũng đã thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Họ chính là những con người điển hình cho thời đại mà họ đang sống: Người đàn bà làng chài là điển hình cho những đau khổ, bất hạnh của những con người thời hậu chiến. Còn thị lại chính là điển hình cho số phận nghèo khổ của con người gữa nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Tư thế “ngồi mớm ở mép giường” của thị khi về đến nhà Tràng gợi nhớ đến tư thế của người đàn bà khi đến tòa án huyện: “Sợ sệt, lúng túng tìm đến một góc tường để ngồi”. Cả hai tư thế ngồi đều cho thấy trạng thái tâm lí bất ổn, tự ti, mặc cảm của những con người nghèo khổ, bất hạnh.
bất
an,
Ngoại hình xấu xí của thị “cái ngực gầy lép”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “bộ quần áo rách tả tơi như tổ địa” khiến ta liên tưởng tới ngoại hình của nhân vật Thị Nở (“Chí Phèo” — Nam Cao): “Cái mặt nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài”, “cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành…”. Có thể thấy, rõ ràng bức chân dung của hai người phụ nữ này không được nhìn qua con mắt của những kẻ đang yêu, không hề có sự đẽo gọt của ngôn từ nên nó trần trụi, xấu xí đến thê thảm mà mục đích chủ yếu đó là qua đó để thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Nếu nhân vật Thị Nở giúp Nam Cao cực tả bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo. Thì nhân vật thị trong “Vợ nhặt” lại giúp Kim Lân thể hiện hình ảnh số đông những con người đang lay lắt, đói khổ, đang mấp mé bên bờ vực của cái chết giữa nạn đói năm 1945.

Hành động theo Tràng về làm vợ sau khi ăn bốn bát bánh đúc của ở nhân vật thị:
+ Đã cho thấy tình cảnh bi đát và thân phận tủi nhục của người nông dân trong nạn đói 1945. Bởi lẽ, theo quan niệm truyền thống của dân tộc “người ta là hoa đất”, việc dựng vợ, gả chồng là việc đại sự nên phải tìm hiểu, tính toán, chuẩn bị chu đáo kĩ càng:

“Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông

Tuy nhiên, hành động này cũng thể hiện lòng ham sống mãnh liệt của thị. Cận kề bên cái chết, người đàn bà không buông xuôi sự sống. Trái lại, thị vượt lên trên cái thảm đạm, bi đát của hoàn cảnh để dựng xây mái ấm gia đình. Suy cho cùng, đó chẳng phải là niềm lạc quan, là phẩm chất đáng quý ở thị hay sao?

+ Lời bình của Đỗ Kim Hồi: “Bốn bát bánh đúc trong những ngày đói kém đã thành phép màu làm hai con mắt trũng hoáy của người đàn bà sáng lên. Cái đói…có thể se duyên cho một
mối tình”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *