1. Tác giả, tác phẩm
– “Nguyễn Tuân – bậc thầy của tùy bút” (Thanh Hoa – TTXVN) “Nguyễn Tuân có phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Phong cách ấy, trước hết có thể thâu tóm trong mấy chữ phóng túng, tài hoa và uyên bác” (SGK Ngữ văn 12)
– “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay… Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp…” (Nguyễn Tuân)
– “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là bậc thầy của ngôn từ ta không ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra ở đầu ngọn bút đều như có một dấu triện riêng” (Anh Đức)
2. Cảm hứng về hình ảnh sông Đà trong các tác phẩm thơ văn:
Sông Đà đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ trong lòng của các nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay:
– Sông chảy qua,lòng vang lên lời hát
Dòng Đà giang là lạ gió vùng cao
Mây cũng lạ, riêng tình người gần gũi
Nhớ hương đêm thoang thoảng gió đi về
(Quang Lâm)
– Sông Đà dâng lên những quả đồi đất đỏ trung du tôi ôm dòng sông nghe giai điệu bè trầm ngàn xưa kể chuyện gác lên sông những lườn cong nhớ môi phù sa khép bóng hoàng hôn mãi khuấy trong tôi nhịp những con thuyền.
(Trần Quang Quý)
=> Có thể thấy, Sông Đà không phải lần đầu tiên đi vào các trang thơ, trang văn thế nhưng với mỗi người nghệ sĩ, hình ảnh sông Đà lại được khám phá với những góc nhìn riêng, vẻ đẹp riêng.
3. Khái quát về vẻ đẹp của sông Đà
– “ Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri vô giác mà là một sinh thể có hành động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả đã nói: Hung bạo và trữ tình”.
(Nguyễn Đăng Mạnh)
– “Nguyễn Tuân luôn lục lọi tới tận cùng kiệt kho ấn tượng ăm ắp này để tìm cho được một cách nói có thể làm kinh động tâm trí con người”
4. Sự hung bạo của sông Đà:
– Mặt ghềnh Hát Loóng: “Lại có những quãng dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua đấy” liên hệ với những câu văn miêu tả sông Hương ở thượng nguồn trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (HPNT): dòng sông như “một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như con lốc vào những đáy vực bí ẩn”. Cả 2 tác giả đều đã sử dụng những câu văn có cách ngắt nhịp ngắn, dồn dập với nhiều thanh trắc , từ ngữ trùng điệp kết hợp với đó là các biện pháp nhân hóa, so sánh đã giúp người đọc hình dung rõ nét sự hùng vĩ, dũ dội của hai dòng sông quê hương.
– Thác nước Sông Đà:
+ Nguyễn Tuân như một nhà thám hiểm – du lịch đi xa biết nhiều, đến sơn cùng thủy tận cho ta biết Ly Tiên và Bả Biên Giang là hai cái tên xa xưa của Đà Giang. Ông kể cho ta biết rằng Sông Đà hung bạo có hàng trăm con thác dữ với cái tên là lạ hay hay: thác Em, thác Giăng, Mô Tôm, Mỏ Năng, Suối Hoa, Hút Gió, Hát Loóng, thác Tiếu… Đó chính là những cạm bẫy luôn rình rập và sẵn sàng ăn chết bất kì cái thuyền nào tóm được qua đó. Sự chất chồng, liên tiếp ấy của thác dữ đã từng đi vào câu ca xưa:
“Đường lên Mường Lễ bao xa
Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh”
+ Âm thanh nước thác sông Đà “rống lên như tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nửa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng vùng vẫy với dần trâu da cháy bùng bùng”: Bằng NT ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Nguyễn Tuân đã đem hai sự vật tưởng như trái ngược nhau như “nước” với “lửa”, “sông với rừng” để so sánh rồi lại nhập chúng làm một tạo nên những liên tưởng độc đáo. Chi tiết này khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích:
“Nước sôi sùng sục ngàn trâu rống
Đá mọc lô xô tựa mũi tên”
– Thạch trận:
+ Trong VHVN đã có những câu thơ miêu tả sự hung bạo của các dòng sông như:
“Bát ngát sóng kình muôn dặm”
(Phủ Sông Bạch Đằng – Trương Hán Siêu)
“Ngạc chặt, kinh băm non lởm chởm
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”
(Cửa biển Bạch Đằng – Nguyễn Trãi)
Song sự gập ghềnh, lởm chởm ấy mới chỉ tồn tại ở thế tĩnh. Còn trong tác phẩm này tất cả mọi thứ đều chuyển động, náo động. Người đọc như được tác giả đặt lên con thuyền đang vun vút, phăng phăng xuống dòng thác để cảm nhận sự hung bạo của dòng sông.
+ Sự phối hợp giữa nước, đá và thác sông Đà đã tạo nên những âm thanh khủng khiếp thanh la não bạt, con sông Đà như dậy sóng, dậy đá … khiến ta có thể liên tưởng tới đoạn tác giả Hô-me-rơ tả cảnh chiếc thuyền của Uy-lit-xơ vượt qua khoảng giữa của hai con quái vật Kríp và Xi-la: “Chúng tôi chèo thuyền tiến thẳng vào eo biển hiểm nghèo một bên là Xi- la, một bên là Kríp ùng ục ngốn nước biển, mỗi lần nó nhả ra, cả biển khơi đều chuyển động sôi lên như nước trong chảo đặt trên một bếp lửa hồng. Rồi khi nó nuốt nước mặn vào thì làm biển sùng sục cuộn lên, vách đá xung quanh kêu réo ghê sợ và đáy biển hiện ra với mặt cát đen thẫm…”
+ Cách miêu tả thái độ và hành động của đá sông Đà: “Hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến” mang màu sắc của những trận đánh cổ xưa, trước khi giao chiến, các vị tướng vẫn thường phải xưng tên tuổi. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung), trước khi xung trận, Trương Phi vẫn luôn giơ cao thanh gươm dõng dạc: “Ta là Trương Phi, người nước Yên đây”. Còn Quan Vân Trường lại vỗ mạnh mông ngựa mà rằng: “Ta là Quan Vân Trường, người nước Yên đây”.
5. Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà
“Dải sông Đà bọt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình
(Tản Đà)
– Vẻ đẹp duyên dáng của sông Đà (Điểm nhìn không gian): “Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình…nương xuân” gợi liên tưởng tới vẻ đẹp mềm mại, nữ tính của Sông Hương: “Sông Hương chuyển dòng một cách liên tục… vòng qua những khúc quanh…uốn mình theo những đường cong thật mềm…”, “dòng sông mềm như tấm lua…”
-> Cả hai đều là những dòng sông uốn lượn, quanh co bất tận, êm đềm nơi hạ nguồn. Qua đó cũng cho thấy sự thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ, các nhà văn như đã “đề thơ vào sông nước” khiến cả hai dòng sông lúc này được hiện lên với tất cả vẻ tuyệt mĩ vốn có của mình.
– Màu nước sông Đà có sự thay đổi theo mùa thể hiện hai nét tính cách đối lập của dòng sông: Trong cái hùng vĩ, dữ dội vẫn có nét thơ mộng, trữ tình và trong nét trữ tình ấy cũng vẫn ẩn chứa vẻ dữ dằn, nguy hiểm, cuồng loạn của một dòng sông: “ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Đó cũng chính là hai nét tính cách đối lập làm nên vẻ đẹp đầy cá tính của sông Đà trong thơ Quang Lâm:
“Đẹp ngàn đời biển trời sông bát ngát
Cả dầm xanh, anh vũ nhảy theo mùa
Khi mùa lũ thác reo gầm dữ dội
Thu chớm lạnh sóng nước lặng lờ trôi”
(Nhớ sông Đà)
– Tình cảm của tác giả dành cho sông Đà qua câu văn: “Chao ôi, trông con sông như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng…” khiến ta liên tưởng tới nỗi nhớ sông Đà bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng khi phải xa cách của Quang Lâm:
“Lòng ở đây nhưng người không ở lại
Nhớ sông Đà bằng trọn cả con tim”
(Nhớ sông Đà)
6. Hình ảnh người lái đò sông Đà
– Sự tinh thạo trong nghề nghiệp: Ông đò hiểu sông Đà một cách tường tận như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở…Phải chăng chính vẻ đẹp của ông đò trong thiên tùy bút này đã gợi cảm hứng để Vũ Quần Phương viết nên những dòng thơ mộc mạc:
“Tôi thuộc ngầm thuộc đá
Tôi thuộc lũ thuộc dòng
Sống cuộc đời sông nước
Tôi lấy nước làm nhà
Nước là bầu là bạn
Tôi nhìn nước trên sông
Gắng hiểu lòng dưới đáy” (Với sông Đà)
– Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông đò khiến ta liên tưởng tới vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử từ” của Nguyễn Tuân. Thế nhưng, nếu như trong các sáng tác trước cách mạng Nguyễn Tuân mải mê đi tìm cái đẹp, tìm những con người tài hoa, xuất chúng trong quá khứ “vang bóng một thời” thì giờ đây ông đã tìm thấy được vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ ở ngay trong những con người lao động bình dị, trong chính cuộc sống thường ngày của họ.