I. Về số phận của nhân vật
Cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ
Gánh nặng của kiếp mưu sinh là một chủ đề lớn trong các tác phẩm văn học của loài người nói chung và của văn học Việt Nam nói riêng. Trong nền cảnh chung của kiếp nhân sinh nhọc nhằn vì những lo toan kiếm sống thì nhân vật người mẹ của nhà văn Việt Nam hiện đại đã gợi cho người đọc bao cảm thương. Số phận của họ gộp cả vào đấy những lam lũ của kiếp người và của người phụ nữ. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hai tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu.
Đói nghèo làm hủy hoại ngoại hình, dáng vẻ
Kim Lân là nhà văn xuất thân từ tầng lớp bình dân. Ôm mộng trở thành họa sĩ nhưng vì nhà nghèo không có tiền ăn học nên ông đã đến với văn chương như một duyên nợ. Chính cuộc sống nghèo khổ đã giúp Kim Lân có cái nhìn rưng rưng, thấu cảm với những kiếp nhân sinh nhọc nhằn. Ông đã xây dựng thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ trên bối cảnh của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Khó có thể hình dung truyện ngắn Vợ nhặt sẽ thế nào nếu thiếu đi nhân vật người mẹ này. Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện ở nửa sau của truyện. Kim Lân đã dùng những chi tiết ấn tượng để miêu tả sự xuất hiện của nhân vật. Nhà văn để cho Tràng ngóng mẹ với trạng thái nôn nóng, sốt ruột. Người con trai bồn chồn đứng ngồi không yên mong mẹ về bởi anh đang lo lắng, sợ hãi vì tự ý dẫn người đàn bà về làm vợ – điều mà trước anh chưa nghĩ đến. Giống như Tràng, bạn đọc hẳn cũng hồi hộp, mong chờ sự xuất hiện của người mẹ. Kim Lân không tả nhiều, chỉ bằng mấy câu “Ngoài ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào. Bà lão vừa đi vừa lẩm bẩm, tính toán gì trong miệng” cũng đủ để nhân vật nhanh chóng đi vào tâm trí của người đọc. Từ láy “lọng khọng” gợi hình ảnh một bà lão già yếu, hẳn là còng lưng. Đồng thời, nó cũng đánh thức trong lòng người đọc bao xót thương. Người mẹ ấy đến già vẫn chưa hết lo toan, chưa có lúc nào được thanh thản qua dáng vẻ “vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán”. Cuộc sống mưu sinh vất vả hiện lên qua dáng đi, đậm nét trên khuôn mặt “bủng beo u ám” của bà. Suốt cả đời cực khổ kiếm miếng ăn, bà cụ Tứ chưa lúc nào thoát khỏi nỗi lo về đói nghèo. Do vậy, trước tình cảnh con trai “nhặt” được vợ vào lúc đói, người mẹ ấy lại một lần nữa chua xót nghĩ đến đời mình “Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình” .
Đến với nhà văn Nguyễn Minh Châu, người đọc khó có thể quên được hình tượng người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (1983). Đây là sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp văn học của nhà văn. Bằng khát vọng đổi mới nghệ thuật và tài năng thiên bẩm, Nguyễn Minh Châu đã tự vượt mình trong giai đoạn văn học trước 1975 và trở thành một trong nhưng cây bút cách tân, mở đường xuất sắc cho con đường đổi mới văn học nước ta, được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc). Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chứa đựng nhiều quan niệm tiến bộ của nhà văn về nghệ thuật và cuộc đời. Những tìm tòi mới mẻ của Nguyễn Minh Châu về con người có thể thấy qua những hình tượng nhân vật trong đó có người đàn bà hàng chài.
Người đàn bà hàng chài xuất hiện ở phát hiện thứ hai của người nghệ sỹ, dưới điểm nhìn trần thuật của nhân vật Phùng. Bước ra từ con thuyền như mơ lại là người đàn bà xấu xí, thô kệch “Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt”, “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng”
Người đàn bà đó không có tên, chỉ được giới thiệu về tuổi tác, vóc dáng. Ngoại hình người đàn bà gợi đến cuộc sống khốn khó, lam lũ của những người lao động nghèo. Cái đói, cái nghèo kéo dài nhiều năm, nhiều tháng đã hủy hoại dáng hình, vẻ đẹp của của người phụ nữ và dường như ở chị không còn sinh khí. Ngay cả cái dáng vẻ sợ sệt của chị khi đến tòa án gặp Đẩu cũng gợi cho chúng ta biết bao điều. Người mẹ của đàn con đông đúc ấy có cảm giác mặc cảm, tự ti trước người đại diện cho pháp luật. Chính cuộc sống cực khổ đẩy chị vào cảnh nhếch nhác về hình hài, kèm theo đó là tâm lí mặc cảm dày vò.
Bi kịch do cuộc sống khốn quẫn
Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, người đàn bà hàng chài là hiện thân của những đau khổ. Nhan sắc xấu xí, chị lấy chồng trong niềm biết ơn với người chồng đã cho mình cuộc sống đàn bà đúng nghĩa: được làm mẹ, làm vợ. Tuy nhiên, cả đời chị phải lao động nhọc nhằn với nghề chài lưới để nuôi con với điều kiện “Cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”. Vất vả, cực khổ là vậy mà con chị vẫn đói, vào những lúc biển động sóng gió cả gia đình phải ăn toàn “xương rồng luộc chấm muối” và chồng chị vẫn cay nghiệt. Người đàn bà hàng chài phải gánh chịu những trận đòn chồng vô lí “Bất cứ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”, “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Người đàn bà chịu nỗi đau về thể xác cùng với đó là nỗi đau đớn về tinh thần. Bị đối xử dã man, chị cảm thấy đau đớn, nhục nhã. Mặt khác, người mẹ ấy luôn nơm nớp lo sợ cho sự phát triển nhân cách của các con, sợ chúng bị tổn thương về tâm hồn khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Bị chồng đánh, người đàn bà hàng chài “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy” khiến cho người nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng không thể nào hiểu nổi “trong mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”. Tuy vậy, khi thằng Phác xuất hiện, đánh trả bố để bảo vệ mẹ thì người mẹ ấy mới bộc lộ nỗi đau đớn vô cùng. Điều chị muốn giấu, muốn bảo vệ các con là không thể, cái điều chị e ngại đã xảy ra. Hành động “mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy” có thể lí giải là chị muốn cầu xin con không dùng thói côn đồ đối với người bố dữ dằn, không được thù ghét bố. Thằng Phác còn quá nhỏ để hiểu bao cái rối rắm, cái đa đoan trong kiếp sống của những người lao động khổ cực. Như vậy, người đàn bà vô danh trong tác phẩm đã đại diện cho biết bao kiếp người nheo nhóc, lênh đênh trên đại dương cuộc đời mà Nguyễn Minh Châu muốn phản ánh.
Những nỗi đau do chiến tranh
Văn học Việt Nam 1945- 1975 phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc.Đất nước oằn mình gánh trên vai hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong hoàn cảnh ấy, văn học nước nhà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: là nguồn lực tinh thần cho cả dân tộc. Đó là lí do vì sao ta ít gặp những giọt nước mắt, nỗi đau khi phải chia li bởi “Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt” (Nam Hà). Vậy nên, “Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau” (Chế Lan Viên). Trong không khí cởi mở của văn học sau 1975, nhiều nhà văn viết về chiến tranh với những nhận thức lại, không né tránh khi viết về mất mát, đau thương. Nguyễn Khải là một trong số đó.
Truyện ngắn Một người Hà Nội khá tiêu biểu cho tính triết luận trong phong cách văn xuôi của Nguyễn Khải ở giai đoạn sáng tác từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX. Nhân vật người mẹ trong tác phẩm được nhà văn tái hiện trong nỗi đau do chiến tranh gây ra. Khi Dũng con trai lớn của bà Hiền lên đường vào Nam chiến đấu, người mẹ trong tác phẩm không hề giấu giếm cảm xúc thực của mình với người cháu “Tao đau đớn mà bằng lòng”. Trách nhiệm công dân được bà Hiền – một người Hà Nội thanh lịch, bộc lộ không ồn ào, giả tạo. Tiễn những đứa con thân yêu, những khúc ruột của mình vào nơi hòn tên mũi đạn, lòng người mẹ nào mà chẳng đớn đau, mà nỗi đau như rút cả tim gan. Bên cạnh nhân vật bà Hiền, Nguyễn Khải cũng tạo dựng chân dung của một bà mẹ Hà Nội khác qua chi tiết nhỏ nhưng đắt giá. Câu chuyện về mẹ của Tuất được Dũng kể trong bữa tiệc mừng chiến thắng của những người Hà Nội thành danh. Người lính trở về từ chiến trường khốc liệt không biết nên nói thế nào với người mẹ có con hi sinh. Dũng mang trong mình cái mặc cảm của người sống trong khi đồng đội của mình không còn. Anh gặp mẹ của Tuất, chưa nói được điều phải nói đã khóc, còn người mẹ ấy “run bần bật nhưng không khóc”. Sự đau đớn tột cùng được diễn tả thật đắt qua cụm từ chỉ trạng thái cảm xúc của người mẹ “ người …run bần bật” “nói run rẩy”. Không có giọt nước mắt nào nhỏ xuống, nỗi đau mất con của người mẹ đã lặn vào trong tâm khảm, ghìm nén mà đau đớn vô cùng. Ta quí trọng những giọt nước mắt của người lính và càng cảm phục trước phản ứng của người mẹ. Điều này, một lần nữa cho thấy cống hiến thầm lặng, không màu mè, ầm ĩ của những người mẹ Việt Nam trong chiến tranh. Đồng thời, nó cũng khiến người ta ngậm ngùi nghĩ đến cái giá quá đắt của chiến thắng. Chẳng có ai có thể đo đếm được những vết thương sâu thẳm trong lòng những người mẹ và trong những người lính phải kinh qua những trận “mưa bom bão đạn” trong chiến tranh.
II. Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật người mẹ
Giàu đức hi sinh, vị tha, bao dung
Qua tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng sâu đậm bằng một tình huống éo le, cảm động: Tràng “nhặt” được vợ vào nạn đói khủng khiếp. Cái tài của nhà văn chính là trong tình huống ấy phẩm giá của con người được bộc lộ rõ nét nhất. Nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm cho thấy điều đó. Trước việc con trai dẫn về nhà một người đàn bà đồng nghĩa với việc thêm một miệng ăn trong cảnh “tối sầm vì đói khát”, người mẹ già ấy đã chấp nhận người đàn bà đói, bỏ qua những việc tối cần thiết vào lúc dựng vợ gả chồng cho con. Bà có trái tim nhân hậu khi vượt qua nỗi ám ảnh của cái đói để cưu mang, đùm bọc, xót thương người “vợ nhặt” với suy nghĩ “ Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình” . Người mẹ chồng ấy nhìn con dâu với ánh mắt xót xa và ái ngại. Bằng tình thương của mình, bà đã xua đi cái cảm giác mặc cảm của người con dâu qua câu nói “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” . Mừng lòng chứ không phải bằng lòng, bà Tứ nhân hậu là ở chữ ấy, Kim Lân sâu sắc cũng là chữ đấy. Người mẹ nghèo khổ trong tác phẩm đã không vì cái đói, cái cực của kiếp người tha hương cầu thực mà chai sạn tâm hồn, dửng dưng, vô cảm với tình cảnh khốn cùng của người khác. Bà nói với người con dâu mới với giọng “thân mật”, chân tình biết bao khi mời người đàn khốn khổ theo không con trai bà “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân” . Đọc đến đây người đọc hẳn thấy mình rưng rưng xúc động cũng như cảm phục tấm lòng nhân ái của người mẹ trong truyện. Đồng thời, ta cảm nhận được tình người thật ấm áp bởi trong cái đói thê thảm, những người nghèo vẫn giang rộng vòng tay, che chở, yêu thương nhau. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ ở nhân vật này là vì thế.
Bên cạnh tình yêu thương với người cùng cảnh ngộ, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có lòng yêu thương con vô bờ. Con trai có vợ vào lúc đói kém, người chết vì đói “như ngả rạ” đã tác động mạnh đến tâm lí của người mẹ. Bà cụ Tứ có những cảm xúc đan xen phức tạp, bà vui vì con có được vợ nhưng buồn, lo lắng “Biết rằng chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” Hơn nữa, nỗi tủi của người mẹ không lo được chuyện trăm năm cho con cứ đầy lên uất nghẹn “Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…” Người đọc nhận thấy sự thay đổi của người mẹ ấy vào sáng hôm sau. Không còn khuôn mặt bủng beo u ám mà thay vào đó là nét “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường” “rạng rỡ hẳn lên”, vượt lên cả cái mệt mỏi của dáng đi “lọng khọng” là hàng động hoạt bát “xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Trong bữa ăn đầu tiên của gia đình có nàng dâu mới, bà cụ nói chuyện ngăn nhà nuôi gà với bao nhiêu là hi vọng. Người nói đến tương lai nhiều nhất trong truyện lại là bà mẹ gần đất xa trời. Phải chăng người mẹ muốn gieo vào lòng con trai, con dâu niềm tin vào sự đổi thay, vào sự sống bất diệt? Cũng trong buổi sáng hôm ấy, bà cụ nấu nồi chè khoán để đãi nàng dâu mới. Cái dáng lật đật, lễ mễ và hành động vừa khuấy khuấy vừa tươi cười đon đả mới đáng kính và xúc động làm sao. Tình cảm của người mẹ được Kim Lân diễn tả đầy đủ và tinh tế qua những từ láy đó. Phải chăng bà vội vã để níu kéo niềm hạnh phúc mong manh mà bà cảm nhận đang mất đi trước thực tại đói khổ? Có thể thấy, mọi suy nghĩ, hành động của bà cụ Tứ đều xuất phát từ lòng thương con vô bờ. Người mẹ già ít nghĩ đến mình. Bà lo, thương, trĩu nặng, trăn trở vì con. Đức hi sinh của bà thật cao cả.
Với nhân vật người mẹ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa lòng bao dung, vị tha, đức hi sinh được thể hiện trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Bị chồng đánh dã man nhưng chị không hề trách chồng mà nhận lỗi về mình “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Cái lí do chị đưa ra mang trong nó bao nhiêu là bao dung bởi chị cũng như những người đàn bà khác đâu có đẻ một mình được. Điều đáng nói ở đây là người phụ nữ ấy nhận hết lỗi về mình xuất phát từ niềm cảm thương sâu sắc dành cho chồng. Còn đối với những đứa con, người đàn bà
hàng chài là người mẹ yêu con đến mức có thể chịu mọi đau đớn tủi cực vì con. Chị cần một đàn ông chèo chống lúc phong ba để nuôi đàn con đông đúc lớn lên, dù có phải sống với một người chồng tàn ác, phải chịu những trận đòn đau đớn. Hạnh phúc của người mẹ ấy thật giản dị nhưng cũng rất hiếm hoi “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” . Với chị, thiên chức của người mẹ gắn liền trách nhiệm bổn phận “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi con khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Vì vậy, người đàn bà có một lựa chọn đầy cay đắng, chị xin chồng “đưa lên bờ mà đánh”. Không phải chị không biết đến quyền được giải thoát khỏi người chồng vũ phu. Ở đây chị khước từ nữ quyền để thực hiện bổn phận làm mẹ với những đứa con. Câu nói “Cá chuối đắm đuối vì con” quả là không sai. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phát hiện và tôn vinh cái đẹp trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận. Tình mẫu tử cao cả được đặt trong thử thách ghê gớm khiến người ta liên tưởng đến người mẹ trong tiểu thuyết Báu vật của đời của Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải thưởng Nobel năm 2012. Trong tác phẩm của nhà văn Trung Quốc, người mẹ già đi làm thuê nhưng không đủ sức nuôi người con gái mù lòa và đứa cháu ngoại nên đã ăn cắp. Bà nuốt những hạt đậu một cách vụng trộm rồi về nhà đau đớn móc ra. Những hạt đậu nuôi con, nuôi cháu có dính cả máu, dịch nhờn của dạ dày. Mạc Ngôn đã tìm cái đẹp ngay trong cái xấu, mĩ hóa cái xấu. Làm được điều đó phải là một cây bút điêu luyện và một trái tim yêu thương con người, tôn vinh con người ngay cả những giây phút cơ cực, nhọc nhằn nhất của kiếp nhân sinh. Người mẹ trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và Mạc Ngôn làm ta nhận ra một điều: tình yêu của người mẹ thật diệu kì như câu danh ngôn “Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng tuyệt mĩ nhất chính là trái tim của người mẹ
Sắc sảo, hiểu đời và trải đời
Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ là người mẹ có trái tim nhân hậu mà còn là người sắc sảo, hiểu đời. Bà ngạc nhiên, “phấp phỏng” trước thái độ vồn vã, trang trọng của người con trai và còn ngạc nhiên hơn khi trong nhà mình có một người đàn bà, lại chào bà “U đã về ạ”. Bao suy đoán làm cho bà mẹ cứ phân vân, băn khoăn, điều bà không bao giờ dám nghĩ tới – con trai bà có vợ, lại đến vào lúc bà không ngờ nhất. Do vậy, bà cụ Tứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuy nhiên, chỉ nghe mấy câu nói của người con trai “Nhà tôi mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả…” , bà mẹ ấy “cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu biết bao cơ sự”. Cái cúi đầu nín lặng của bà cụ Tứ hàm chứa tất cả những éo le mà bà đã đoán ra. Bà không hỏi con trai về điều Tràng đang tránh nói, không dám kể và người phụ nữ lạ kia đang bẽ bàng, tủi hổ. Bằng sự từng trải, người mẹ đã không tra xét mà bà nhìn, nghe và thấu thị những uẩn khúc trong câu chuyện “nhặt” vợ để con trai đỡ căng thẳng và người đàn bà theo con trai mình không bị tổn thương. Cách ứng xử của bà cụ Tứ vừa thông minh, vừa nhân ái vô cùng.
Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là nhân vật khá đặc trưng, tiêu biểu cho những khám phá về con người của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Một kiểu nhân vật đa diện mà ta khó có thể đánh giá kết luận bằng một mệnh đề đơn giản. Bề ngoài chị là một người thất học, lạc hậu nhưng thực ra ở nhân vật này có sự trải đời, thấu hiểu lẽ đời. Nếu như Đẩu và Phùng cho rằng người đàn ông đáng bị lên án vì hành động thô bạo của anh ta thì người đàn bà hàng chài lại có những lí lẽ riêng để thấy rằng người chồng của mình đáng được cảm thông. Chị không bỏ người chồng dữ tợn của mình vì nhận thấy những biến đổi trong tính cách của anh ta có căn nguyên từ cuộc sống đói nghèo. Anh phải lao động vất vả ở trên một con thuyền chật mà con lại đông, nheo nhếch, khổ sở. Trong cảnh túng quẫn, bức bối, bi phẫn người chồng thay đổi tâm tính từ người cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ trở thành người chồng vũ phu. Sự thâm trầm trong việc thấu trải lẽ đời của người đàn bà làm cho Đẩu và Phùng có thêm những vỡ lẽ về con người, cuộc đời và nghệ thuật. Vấn đề được Nguyễn Minh Châu gợi ra ở đây là con người cần có cái nhìn đa diện và thấu đáo về cuộc đời.
Bà Hiền trong sáng tác Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải là một người mẹ trí tuệ và đầy bản lĩnh – bản lĩnh mang cốt cách văn hóa. Lúc còn là thiếu nữ, cô Hiền đã chọn bạn đời theo một tiêu chí riêng về mái ấm gia đình khiến cả “Hà Nội phải kinh ngạc”. Trở thành mẹ, người phụ nữ ấy chú ý dạy con biết tự trọng trong tư cách của người Hà Nội có văn hóa. Giữa những biến động của thời cuộc, bà Hiền không a dua theo thời, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ” . Tuy có bộ mặt rất tư sản, lối sống rất tư sản nhưng bà Hiền không phải đi học tập cải tạo bởi bà đã khôn khéo bán ngôi nhà ở Hàng Bún, ngăn không cho chồng mua máy in để kinh doanh. Người phụ nữ thanh lịch ấy chọn nghề làm hoa giấy vì “rất đủ ăn, lại nhàn”. Những việc làm đó cho thấy sự thích ứng của con người mang bản lĩnh văn hóa trước những biến động lớn của xã hội. Khép lại tác phẩm là câu chuyện về cây si cổ thụ của bà Hiền khiến người cháu trầm trồ ngưỡng mộ “Bà vẫn giỏi quá, khiêm tốn và rộng lượng quá”. Trước sự băng hoại, xuống cấp của văn hóa Hà Nội do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bà vẫn thể hiện niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa đất kinh kì. Sự sắc sảo ấy của bà có cội nguồn của sự từng trải. Qua Một người Hà Nội, Nguyễn Khải muốn gửi gắm khám phá của ông về bản sắc văn hóa Hà Nội, cái quyết định vận mệnh và vị thế của Hà Nội trong lịch sử, cũng là nền tảng cho bước phát triển của nó trong tương lai.
III. Nghệ thuật khắc họa nhân vật
Nghệ thuật miêu tả nhân vật bà cụ Tứ
Kim Lân xây dựng nhân vật người mẹ trong tác phẩm của mình bằng một tình huống truyện độc đáo. Việc Tràng dẫn người vợ “nhặt” về nhà giữa cảnh người chết như ngả rạ vì đói đã tác động mạnh mẽ đến tâm lí của nhân vật người mẹ. Những cảm xúc vui, buồn, âu lo, thương xót… đan xen nhau trong nội tâm của bà cụ Tứ. Nhờ có tình huống truyện mà tâm lí nhân vật được diễn tả thật tự nhiên, sống động. Vì thế, hình ảnh bà mẹ nhân hậu đọng lại trong trí nhớ và để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc.
Để miêu tả tâm lí nhân vật, nhà văn còn dùng phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba của người trần thuật giấu mình nhưng lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật (lời nửa trực tiếp) “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? …”Những suy nghĩ thầm kín của bà cụ Tứ đã cho thấy sự tinh tế của nhà văn trong khắc họa phẩm chất của nhân vật. Tìm hiểu nhân vật này khó có thể bỏ qua những lời độc thoại nội tâm cảm động như thế.
Mặt khác, trong sáng tác truyện ngắn, Kim Lân luôn coi trọng chi tiết. Miêu tả nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn đã tạo dựng được những chi tiết đắt giá như chi tiết về ngoại hình nhân vật, chi tiết về nồi chè khoán…
Nghệ thuật miêu tả nhân vật bà Hiền và nhân vật mẹ của Tuất
Khi xây dựng nhân vật bà Hiền, nhân vật bà mẹ của Tuất, nhà văn Nguyễn Khải sử dụng phương thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” là người cháu họ của bà Hiền, mang dáng dấp của chính tác giả. Sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất, ngòi bút Nguyễn Khải được tự do lựa chọn chi tiết, không quá lệ thuộc vào một cốt truyện chặt chẽ. Hơn nữa, nhà văn có thể thoải mái xen vào những lời bình luận nhận xét của người kể chuyện ví như người “cháu” đánh giá về vẻ đẹp văn hóa Hà Nội ở nhân vật bà Hiền qua hình ảnh “hạt bụi vàng”. Trong truyện, nhiều đoạn văn có những lời bình luận như thế. Nhờ có phương thức trần thuật này, tác giả tạo được một ngữ cảnh gần gũi với độc giả, gợi không khí một cuộc trò chuyện trực tiếp, lại dễ làm cho người đọc tin vào những điều được kể. Nhân vật “tôi” khi kể lại những điều mình thấy về bà Hiền còn luôn tự đối sánh, nhìn lại để phản tỉnh những quan niệm ấu trĩ, giản đơn của mình để từ đó làm nổi bật những giá trị văn hóa bền vững trong lối sống, cách ứng xử của bà Hiền.
Nhân vật mẹ Tuất được kể qua điểm nhìn của Dũng, con trai lớn của bà Hiền. Người mẹ Hà Nội ấy được hiện lên qua những suy ngẫm của Dũng vừa cảm động vừa mang những chiêm nghiệm sâu sắc.
Nghệ thuật miêu tả nhân vật người đàn bà hàng chài
Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu cũng sử dụng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất. Nhân vật Phùng đóng vai trò là người kể chuyện. Câu chuyện về người đàn bà hàng chài được Phùng kể lại với những nhận thức của người nghệ sỹ về nghệ thuật và con người. Mặt khác, hình tượng người đàn bà được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau: của Đẩu – chánh án tòa án huyện, của thằng Phác – con của người đàn bà và của chính người đàn bà ấy. Sự di chuyển điểm nhìn trần thuật khiến cho đối tượng hiện ra từ nhiều phía, đồng thời cũng cho thấy những quan điểm khác nhau, thái độ khác nhau qua cùng một sự kiện. Nhà văn qua đó khám phá được vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà, tránh cái nhìn đơn giản, một chiều về con người. Đây chính là thành công của Nguyễn Minh Châu trong hành trình tự vượt mình, đem lại tiếng nói mới góp phần làm thay đổi văn học Việt Nam những năm 80 của thế kỉ trước.
Tóm lại, nhân vật người mẹ ở cả ba tác phẩm đều mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: giàu đức hi sinh, vị tha, tình mẫu tử cao đẹp, trí tuệ… Khi miêu tả, phát hiện và tôn vinh những vẻ đẹp đó của nhân vật người mẹ, các nhà văn đã đem lại cho tác phẩm giá trị nhân đạo sâu sắc, gợi trong lòng độc giả những rung cảm thẩm mĩ có sức ám ảnh và lan tỏa.
Tuy nhiên, văn chương không bao giờ chấp nhận lối mòn, bất cứ sự lặp lại nào (người khác hay chính mình) sẽ dẫn đến con đường khai tử cho nghệ thuật. Thấu hiểu điều đó, các nhà văn
Kim Lân, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đều có những khám phá riêng ở hình tượng người mẹ. Bà cụ Tứ trong truyện ngắn của Kim Lân được đặt vào bối cảnh của nạn đói 1945. Từ đó nhà văn làm nổi bật lên chủ đề “Những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà họ nghĩ đến cái sống” và lòng nhân ái, tình mẫu tử cao đẹp của bà mẹ nghèo chính là tình người nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc. Còn Nguyễn Khải, trong tác phẩm của mình đã đặt nhân vật vào những biến cố lịch sử của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến và thời kì đổi mới. Chính những sự kiện đó góp phần tô đậm bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội. Đến với tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, người đọc nhận thấy nhân vật người mẹ được phản ánh trong cuộc sống mưu sinh đời thường. Qua đó, nhà văn phát hiện, tôn vinh vẻ đẹp của con người ngay cả trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận.