Bài văn “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”

1. Giới thiệu vấn đề:

Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách

2. Giải thích vấn đề

– “Những ngọn lửa” ở đây được sử dụng mang nghĩa ẩn dụ, đó là tượng trưng cho những giá trị mà văn chương đem lại.

– Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách là những ngọn lửa của tình yêu thương, của lòng căm thù, của niềm tự hào và hơn hết, văn chương giúp chúng ta biết đến thế giới của một người khác, biết đồng cảm với “tha nhân” để đem tâm hồn mình đến gần hơn với tâm hồn mọi người. Xét cho cùng, giá trị của văn chương như Leptonxtoi đã nói “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” hay “Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. (Thạch Lam)

– Nhận định đã đề cập đến giá trị to lớn của văn chương, hướng con người đến chân – thiện – mĩ.

3. Giải quyết vấn đề

– Văn chương nuôi dưỡng trong lòng ta những tình cảm tốt đẹp:

+ Tình yêu thương, đồng cảm với con người: Chuyện Người con gái Nam Xương, Truyện Kiều, Đồng chí,…

+ Tình yêu nước, tự hào dân tộc: Làng, Nói với con,…

+ Tình cảm gia đình: Bếp lửa, Chiếc lược ngà, Con cò, Nói với con,…

Ngoài ra văn chương còn cho ta lòng dũng cảm, sự vị tha.

– Vì yêu thương nên căm thù, lên án những người, thế lực chà đạp lên sự sống, chà đạp lên cuộc đời con người.

– Văn chương hướng chúng ta đến những suy ngẫm giàu tính triết lí, những triết lí ấy có giá trị ngàn đời, nhiều khi gợi ra cho chúng ta những câu hỏi, chính những câu hỏi ấy làm nên sức sống cho tác phẩm, kích thích bạn đọc đi tìm câu trả lời.

Học sinh chứng minh những ngọn lửa thắp lên từ trang sách theo các ý trên dựa vào những tác phẩm em đã được học hoặc được đọc.

4. Mở rộng – nâng cao

– Để hiểu được giá trị của văn chương, người đọc phải có tầm đón nhận để hiểu những điều nhà văn ấp ủ.

– Giá trị của tác phẩm phụ thuộc vào bạn đọc, chính người đọc là người quyết định số phận tác phẩm, quyết định giá trị của văn chương. “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật.”

Bài văn mẫu

Lúc sinh thời, nhà văn Thạch Lam đã từng nói: “Đối với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên. Trái lại, văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có lẽ khi chấp bút viết mấy dòng này trong cuốn tiểu luận Theo dòng, nhà văn của Hà Nội 36 phố phường đã đề cập đến những thiên chức cao đẹp của văn chương nghệ thuật: nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Văn chương không chỉ mở ra cho người đọc những chân trời tri thức mới, chắp thêm đôi cánh cho trí tưởng tượng của con người bay bổng cùng lời văn mà còn gợi lên trong lòng người đọc những tình cảm cao thượng, những cảm xúc tinh khôi rất người. Và có thể nói “những ngọn lửa” đã được “nhóm lên từ trang sách” văn chương.
Có thể hiểu “những ngọn lửa” chính là hình ảnh mang tính biểu tượng. Đó là những giá trị mà văn chương đem lại cho con người như đã nói ở trên. “Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách” chính là những ngọn lửa của tình yêu thương, của lòng căm thù, của niềm tự hào và hơn hết, văn chương giúp người ta biết đồng cảm, biết rung động với tha nhân để đem hồn mình hoà điệu cùng hồn người. Xét cho cùng, giá trị của văn chương nằm trong câu nói của đại thi hào Nga thế kỉ XIX, Lép Tôn-xtôi: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Nhận định đó đã đề cập đến giá trị to lớn của văn chương, hướng con người đến chân – thiện – mĩ.
Quả vậy, nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng đã nuôi dưỡng trong lòng ta những tình cảm tốt đẹp. Có văn chương, ta mới thấy tâm hồn mình chưa thành sỏi thành đá khi biết cảm phục trước sự ngoan hiền, thục đức của một Vũ Thị Thiết “thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” khi về làm dâu nhà họ Trương giàu có. Suốt ba năm đằng đẵng, nàng thay chồng chăm sóc mẹ già, nuôi con dại không một lời oán thán. Đến khi mẹ Trương Sinh mất đi, nàng tang ma đủ lễ như với cha mẹ ruột. Đức hạnh đó của nàng đủ để trời già cảm động. Thế mà khi chàng Trương trở về, vì một câu nói vu vơ của một đứa trẻ lên ba, tên gia trưởng độc đoán ấy lại mắng nhiếc, xua đuổi nàng đi. Để người phụ nữ đức hạnh phải trẫm mình xuống dòng Hoàng giang ngầu bọt, vĩnh viễn làm bạn với chim trời cá nước. Khi đọc tới đó, mấy ai mà không xúc động, mấy ai mà không căm phẫn trước cái tàn bạo của chế độ nam quyền, mấy ai không cảm thán cho thân phận người phụ nữ quá mong manh trước cái áp chế của một xã hội độc tài? Chính văn chương đã khơi lên trong lòng người đọc sự đồng cảm, nó khiến trái tim ta, những con người hiện đại, biết thổn thức cùng nhịp đập với con người chỉ tồn tại trong trang sách và cách chúng ta hàng thế kỉ. Những cảm xúc ấy, ngoài văn chương nghệ thuật có cái gì có thể làm được?
Văn chương khiến chúng ta biết rung động trước cái đẹp của một buổi sáng mùa xuân thanh bình, rạo rực và mơn mởn sức sống trong thơ Thanh Hải. Nơi mà “dòng sông xanh” đã bất ngờ mọc lên “một bông hoa tím biếc” trong khi bầu trời tràn ngập âm thanh rộn rã, vang động bởi tiếng chim chiền chiện “hót chi mà vang trời”. Ta như mê như say, như ngây ngất trước bức tranh mùa xuân tươi đẹp và biết đâu chừng, ta cũng bất giác “tôi đưa tay tôi hứng” lấy cái “giọt long lanh rơi” như cái cách mà nhân vật trữ tình tôi trong thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ của thi sĩ đất cố đô đã làm để giao hoà cùng cảnh đất trời vào xuân. Văn chương còn cho chúng ta biết thấm thía cái tình yêu nước hoà quyện vào cái tình yêu làng mãnh liệt của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân. Ông Hai, một người nông dân ít học, trình độ văn hoá chỉ ngang tầm ngồi phòng thông tin cầm tờ báo chờ người ta đọc thì nghe trộm, nhưng lại yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng và tin tưởng cụ Hồ một cách mãnh liệt, chân thành và có thể nói là dữ dội. Chính sự hoà quyện cái máu thịt, cái cốt tuỷ của người nông dân tay bùn chân lấm như ông Hai (yêu làng) với tình cảm, nhận thức vừa mới được đánh thức sau Cách mạng tháng Tám (yêu nước, yêu cách mạng) đã tạo một sức mạnh khủng khiếp không gì cản phá nổi. Nguồn sức mạnh ấy đã cuốn phăng, đã đập tan mọi thế lực, mọi bè lũ cướp nước và bán nước trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Điều đó, cái tình yêu nước nồng nàn mãnh liệt ấy, ta vẫn thấy đậm đà trong Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê),… Tình yêu nước của ông Hai, của những người lính vệ quốc quân, của những chiến sĩ vận tải đường Trường Sơn, của ba cô gái thanh niên xung phong trên cao điểm được nhà văn ghi lại, gửi đến người đọc, khiến chúng ta đồng cảm, buộc chúng ta phải cảm phục và thấm thía. Để rồi từ đó chúng ta tự hun đúc cho mình một tình yêu nước chặt bền để có thể “sống trên đá không chê đá gập ghềnh” (Nói với con, Y Phương), dù mai này có đi đâu, có làm gì cũng “chẳng lúc nào quên nhắc nhở / Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…” (Bếp lửa, Bằng Việt). Thế nên, chính văn chương, chính những trang sách của nghệ thuật ngôn từ, chứ chẳng phải một thứ gì khác đã nhóm lên trong lòng người đọc những ngọn lửa. Ngọn lửa của yêu thương, của tự hào, của sự đồng cảm như cái cách mà người bà đã nhóm lên trong lòng người cháu trong trang thơ của Bằng Việt vậy. Thử hỏi, những cảm xúc ấy, ngoài văn chương nghệ thuật có cái gì có thể làm được?
Tuy nhiên, giá trị của văn chương dày hay mỏng, nông hay sâu còn tuỳ thuộc vào độc giả. Chính người đọc mới là nhân tố quyết định sự tồn vong của tác phẩm, quyết định giá trị của văn chương. Có ai đó đã từng nói rằng: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật”.
Chính vậy nên, để hiểu được đúng giá trị của văn chương, mỗi người đọc phải tự nâng tầm mình lên để có thể dễ dàng bắt nhịp, đón nhận được những điều mà nhà văn ấp ủ, gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình. Nói một cách hình ảnh thì: nếu muốn được trang sách nhóm lửa trong lòng mình thì chính mỗi người đọc chúng ta nên chuẩn bị sẵn chất dẫn lửa, giữ lửa. Lửa to hay nhỏ tuỳ thuộc vào chất dẫn lửa và giữ lửa ấy. Phải không?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *