VĨNH BIỆT CỬU TRÙNG ĐÀI
1/ Bi kịch về cái đẹp bị bức tử
Vở bi kịch Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khai thác bối cảnh Thăng Long trong những năm quằn quại dưới sự bạo tàn của vua Lê Tương Dực thông qua hình ảnh Cửu Trùng Đài “huy hoàng giữa cõi trần lao lực” và người nghệ sĩ “tranh tinh xảo với hóa công”: Vũ Như Tô. Thông qua vở kịch này, Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập đến người nghệ sĩ và bi kịch của họ, bi kịch cái đẹp bị lợi dụng. Bi kịch ấy được tập trung cao nhất trong hồi V – hồi kết của vở kịch: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
Xuyên xuốt vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài như một hiện thân của cái đẹp. Người nghệ sĩ mong muốn tạo tác nên một tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu nhằm “ tô điểm cho đất nước, đem hết tài ra xây cho giống nòi một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Đó là cái đẹp thuần khiết của nghệ thuật, nhằm phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, có giá trị tôn vinh người Việt. Nhưng đáng tiếc, cái đẹp mà Vũ Như Tô mong muốn ấy đã bị lợi dụng và hoen ố bởi những dục vọng thấp hèn và toan tính chính trị của người đời. Trong các hồi trước, chúng ta thấy cái đẹp đã lần lượt phải chịu những oan khuất như bị tha hóa (Lê Tương Dực chỉ coi Cửu Trùng Đài là chốn ăn chơi hưởng lạc chứ không phải là công trình nghệ thuật để lại cho muôn đời sau như mong muốn của Vũ Như Tô), hiểu lầm (Nhân dân coi Cửu Trùng Đài là cội nguồn gây nên đau khổ của họ chứ không phải là chính sách hà khắc của triều đình phong kiến đương thời) và lợi dụng (Trịnh Duy Sản dùng Cửu Trùng Đài như công cụ thổi bùng lên những uất ức trong lòng dân chúng, tạo nên một thời thế hỗn loạn để thuận tiện cho âm mưu giết vua đoạt quyền của mình). Đến hồi kết Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, khi tất cả những bức xúc, những mâu thuẫn không thể điều hòa được ấy được dồn nén và bung ra một cách mạnh mẽ nhất, tất yếu cái đẹp phải gánh chịu số phận nghiệt ngã đó là sự bức tử. Chỉ trong hồi cuối này, chúng ta thấy thông qua hàng loạt những thủ pháp kịch độc đáo, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dụng công lột tả năm lần cái đẹp bị bức tử một cách đầy cay đắng.
Thứ nhất, bức tử về quan niệm. Cửu Trùng Đài trong con mắt quân khởi loạn không phải là công trình thế kỷ, trường tồn cùng hóa công và Vũ Như Tô không phải là “nguyên khí của quốc gia” để phải trân trọng, kính phục. Với bọn chúng và tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động, Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô chỉ là những thứ, những kẻ làm “hao hụt công khố, để dân gian lầm than”, khiến cho “mấy nghìn người chết… mẹ mất con, vợ mất chồng”. Sự bức tử về quan niệm này là kết quả của sự tích tụ, dồn nén những oan khuất mà cái đẹp phải chịu trong các hồi trước như chúng tôi đã đề cập ở trên. Và khi tất cả những quá trình ấy được đẩy lên đến ranh giới cuối cùng thì việc cái đẹp bị bức tử cũng là điều tất yếu. Cái chết của cái đẹp
đã giúp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nêu bật lên tầm quan trọng của việc điều hòa giữa việc phục vụ đời sống dân sinh và khát vọng vươn lên chiếm giữ đỉnh cao bằng mọi giá của nghệ thuật. Nếu thiên về dân sinh, nghệ thuật sẽ không còn là chính mình. Nhưng nếu chỉ biết đến bản thân mình, nghệ thuật rất có thể lại là hóa thân của cái ác.
Thứ hai, bức tử về sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Tấm lòng biệt nhãn liên tài mà Đan Thiềm dành cho Vũ Như Tô đã bị các cung nữ, Kim Phượng và quân khởi loạn vu khống gán ghép cho tội “tư thông” – một tội danh xúc phạm nặng nề đến nhân cách con người. Hành động cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô vì “Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm” của Đan Thiềm bị coi là lời xin của con “dâm phụ” cho kẻ “gian phu”. Thật đau đớn và chua xót cho một tấm lòng “vì thiên hạ” mà chịu nỗi oan tày đình như thế. Nếu Đan Thiềm – trong giây phút tính mạng bản thân gặp nguy hiểm – mà “trở mặt” hùa về phe cung nữ và Kim Phượng thì chắc nàng đã không bị vu khống cho tội danh ghê gớm như vậy. Rõ ràng ở đây mọi sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu với cái đẹp đã bị loại trừ một cách tàn bạo, không chút thương tiếc. Thứ ba, bức tử về sự thanh minh. Cho đến tận phút giây nguy nan nhất, Vũ Như Tô vẫn muốn đến gặp An Hòa Hầu để “phân trần, để giảng giải” về tầm quan trọng của Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô tin tưởng rằng Nguyễn Hoằng Dụ thấu hiểu và cho mình hoàn thành nốt “Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở”. Nhưng đáp lại những lời đề nghị tha thiết, đầy chân thành ấy là những tràng cười ầm lên, là những lời xỉ vả và những cái tát vào miệng Vũ Như Tô của quân khởi loạn. Ở đây, cái đẹp đã bị tước đi quyền thanh minh cho bản thân mình.
Thứ tư, bức tử về vật chất. Cửu Trùng Đài, hiện thân của cái đẹp sau cùng đã thành đống tro tàn trước mệnh lệnh phóng hỏa của An Hòa Hầu. Công trình hứa hẹn là kì công của con người đã thành tro bụi trước sự bạo tàn trong vui vẻ đáng ngạc nhiên của con người. Sự sụp đổ của Cửu Trùng Đài là sự biến mất vĩnh viễn sự hiện hữu của cái đẹp. Cửu Trùng Đài giờ chỉ được lưu giữ trong ký ức, trong nỗi hoài niệm của những con người nhận chân được giá trị đích thực của cái đẹp.
Thứ năm, bức tử về con người nghệ sĩ. Bị hiểu lầm về mục đích xây dựng Cửu Trùng Đài, người tri âm tri kỷ cũng mất, không có cơ hội thanh minh, và quan trọng nhất là công trình thể hiện ước mơ, hoài bão của cả đời người bị thiêu rụi… sau tất cả những sự chà đạp, những tổn thương ấy, việc người nghệ sĩ Vũ Như Tô bị/hay mong muốn đưa ra pháp trường cũng là điều dễ hiểu. Cái chết của Vũ Như Tô là nỗi đau cuối cùng và lớn nhất về cái đẹp bị bức tử một cách toàn diện.
2/ Nghệ thuật
– Bằng một ngôn ngữ kịch có tính tổng hợp rất cao, nhà văn đã đồng thời khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng, dẫn dắt hành động, xung đột kịch rất thành công, tạo nên một bức tranh đời sống bi kịch rất hoành tráng trong nhịp điệu bão tố của nó.Nhịp điệu được tạo ra thông qua nhịp điệu của lời nói – hành động (nhất là qua khẩu khí, nhịp điệu, sắc thái lời nói – hành động của Đan Thiềm, Vũ Như Tô đối đáp với nhau và với phe đối nghịch; qua lời nói hành động của những người khác trong vai trò đưa tin, nhịp điệu “ra”, “vào” của các nhân vật đầu và cuối mỗi lớp – các lớp đều ngắn, có những lớp rất ngắn: chỉ dăm ba lượt thoại nhỏ; những tiếng reo,
tiếng thét, tiếng động dội từ hậu trường phản ánh cục diện, tình hình nguy cập, điên đảo trong các lời chú thích nghệ thuật hàm súc của tác giả).
+ Câu thoại mở đầu lớp I: Có việc gì mà bà chạy hớt hơ hớt hải? Mặt bà cắt không còn hột máu?
Câu thoại rõ ràng nhằm miêu tả nhanh và trực tiếp tình huống một cách ước lệ theo lối kịch nói. Đó là hoàn cảnh mà Vũ Như Tô đang sắp lâm vào: quân khởi loạn sắp kéo đến đe dọa sự tồn tại của công trình Cửu Trùng Đài va tinh mang cua VNT. Vai trò của câu mở đầu đó nhằm quy ước với khán giả mức độ căng thẳng của hồi kịch.
+ Chỉ dẫn kịch cuối lớp 5: Dấu hiệu của sự rối loạn được nêu ra bằng những chỉ dẫn ở cuối lớp kịch 5: Có tiếng giày dép nhốn nháo. Bọn cung nữ hốt hoảng đi vào. Chọn lựa cung nữ cho những dấu hiệu của sự rối loạn trong cung vua, tác giả hướng tới việc lột tả cảnh triều đình nhốn nháo tới mức tột cùng. Đó là những con người vốn bình thường gắn bó nhất với hoàng đế, những người trang điểm cho ngai vàng, những người khi rời bỏ vị trí trang điểm cho bệ rồng thì họ không còn chút vũ khí tự vệ trong cảnh loạn li. Họ giống như những con mối bay rối rít trong không trung trước giờ giông bão nổ ra.
+ Lớp kịch 6: Lớp 6 là lớp kịch rất ngắn, chỉ có bốn lượt lời trao đáp giữa Đan Thiềm và cung nữ, Kim Phượng. Những câu hỏi đáp trong lớp 6 này nhằm miêu tả tình thế hơn là tạo ra hành động. Đó là sự cùng đường, là cảnh tuyệt vọng của triều đình Lê Tương Dực. Câu trả lời của Đan Thiềm đây là tử địa có tính chất miêu tả hơn là đối đáp hành động kịch nên đã khắc sâu tình thế cùng đường tuyệt lộ một lần nữa.
+ Sự xuất hiện của các nhân vật: Các nhân vật thân cận với vua lần lượt xuất hiện đại diện những thành phần cơ bản gắn với đời sống tiêu biểu của ông vua: cung nữ, quan nội giám và quan hầu cận với ba nhân vật tiêu biểu được gọi tên: Kim Phượng, Lê Trung Mại, Nguyễn Vũ. Họ cũng tiêu biểu cho những cách thức ứng xử trước sự thế. Cung nữ đi theo chủ mới. Hoạn quan bỏ chạy. Quan hầu cận không còn đường rút nên tự vẫn. Đó là hình ảnh triều đình thân cận với vua. Trong số họ, trong những gương mặt ấy của triều đình, không thấy một võ quan hay văn quan. Thực ra còn có thể thấy thấp thoáng một nhân vật khác của triều đình tuẫn tiết ở hậu cảnh là Võ tả hầu Phùng Mai. Chừng ấy đủ để nói lên cái nhìn của tác giả về triều đình vua Lê Tương Dực.
– Kết cấu kịch: Chính kết cấu kịch làm cơ sở cho tình huống kịch, và là một điều kiện thành công của tác phẩm này.
Nhân vật trung tâm Vũ Như Tô cuối cùng phải chứng kiến sự sụp đổ mang tính biểu tượng của Cửu trùng đài cũng qua những âm thanh phụ trợ. Ông cũng sẽ chứng kiến toàn bộ sự sụp đổ của triều đình mình phụng sự (dù là chỉ để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của riêng mình) thông qua sự loại bỏ dần trên sân khấu tất cả các nhân vật triều đình cũ, thay vào đó là các nhân vật của triều đình mới. Họ đều vô danh, trừ Ngô Hạch. Trong toàn bộ hồi kịch, người ta chỉ nhìn thấy hình bóng Cửu trùng đài qua lời lẽ các nhân vật. Có hai nhân vật gắn bó với nó nhất. Đó là Vũ Như Tô và vua Lê Tương Dực. Một người gắn bó với nó bằng tiền bạc và quyền lực, người kia là bằng tài năng và tâm huyết. Cả hai người đều phải chết. Một nhân vật chết trong hậu trường qua lời miêu tả của các nhân vật, cụ thể là qua lời quan thái giám. Một nhân vật sẽ
chết ở tiền cảnh của lớp kết vở bi kịch mang tên chính mình, ngay trên sân khấu trước khán giả. Kết cấu ấy cho chúng ta thấy, mối quan tâm chính của vở kịch trên văn bản nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa Vũ Như Tô và Cửu trùng đài. Nhưng quan hệ bộ ba Vũ Như Tô-Cửu trùng đài-vua Lê Tương Dực ấy cũng rất mật thiết. Công trình ấy đổ sập sau cái chết của vua, và trước khi Vũ Như Tô bị hành hình. Kết cấu vở kịch cũng có thể gợi cho người xem một suy ngẫm về mối quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc với sản phẩm nghệ thuật trong các thời đại ? Kết cấu hồi cuối cùng này còn cho thấy, nhân vật Vũ Như Tô cuối cùng phải đối mặt với sự hủy diệt của thành quả của chính mình khi nó không đáp ứng sự chờ đợi của số đông, khi nó không phù hợp với thực tại. Sự giản lược dần dần các nhân vật tạo nên sự cô đơn của nhân vật trung tâm Vũ Như Tô trước tất cả những gì đối lập với mình. Cũng chính cách tổ chức ấy dồn toàn bộ trọng tâm lên nhân vật trung tâm duy nhất, và vì thế cách thức đối mặt với sự hủy diệt của thành quả lao động và chính mình tạo nên tư thế bi kịch của tác phẩm và nhân vật Vũ Như Tô. Vua Lê Tương Dực tuy là điều kiện cần cho việc xây đài, nhưng không thể gắn bó sống chết với đài. Chính Vũ Như Tô là người dồn toàn bộ tâm huyết của mình cho việc xây đài, nên đó cũng là linh hồn của ông. Chừng nào đất trời còn loạn lạc nhưng không ảnh hưởng đến kiến trúc của ông thì chừng ấy cuộc sống của ông còn tiếp tục. Nhưng khi lâu đài đổ sụp do sự phá hủy của đám đông thì số phận của ông kết thúc.
Sự thiếu vắng toàn bộ những bạn đồng chí của Vũ Như Tô trong hồi kịch này là một kết cấu được tính toán rất kỹ về mặt ngôn ngữ kết cấu nhằm nhấn mạnh vào sự cô độc của người thợ cả Vũ Như Tô.Có lẽ tác giả muốn tập trung toàn bộ mâu thuẫn kịch để đẩy nó tới cao trào. Cao trào dừng đúng ở câu nói kết thúc của nhân vật trung tâm Vũ Như Tô: đưa ta ra pháp trường. Không có một mâu thuẫn nào được giải quyết ngoài việc lật đổ ngai vàng và Cửu trùng đài – công trình gắn với tiền bạc, quyền lực của vua và tài năng của bác thợ cả. Kết thúc ấy phù hợp với băn khoăn trong lời đề tựa của tác giả: không biết là ai phải đây…