Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
Biết cách làm bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ theo đúng yêu cầu kiểu bài.
2. Kĩ năng
Rèn kĩ năng thực hiện các bước khi làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ; cách tổ chức, triển khai luận điểm.
3. Thái độ
Yêu mến môn học, say mê khám phá vẻ đẹp của tác phẩm; trận trọng các tác giả và tác phẩm văn học.
“Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về bài thơ, đoạn thơ ấy.”
Lưu ý!
Đặc điểm của thơ:
+ Là tiếng nói của cảm xúc, tình cảm mãnh liệt; của sức liên tưởng và tưởng tượng phong phú.
+ Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu.
Đề bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Đề 1: Phân tích khổ thơ thứ tư trong bài thơ “Ánh trăng” của tác giả Nguyễn Duy.
Đề 2: Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cha con trong bài “Nói với con” của Y Phương.
Đề 3: Hình tượng người lính trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
Lưu ý!
Với dạng đề có mệnh lệnh
+ Phân tích: chia nhỏ đối tượng để xem xét, lý giải về nghệ thuật và nội dung (yêu cầu nghiêng về phương pháp).
+ Cảm nhận: là yêu cầu nghị luận trên cơ sở cảm thụ của người viết về cái hay cái đẹp của tác phẩm (thể hiện những cảm nhận riêng).
+ Suy nghĩ: nhấn mạnh đến nhận định, đánh giá của người viết.
Trong bài phân tích có thể nêu cảm nhận, suy nghĩ. Ngược lại, trong bài cảm nhận, suy nghĩ phải có phân tích làm cơ sở.
1. Dạng đề đối sánh văn học
Cho hai đoạn thơ sau:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
(Trích Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
(Trích Một khúc ca xuân – Tố Hữu)
Em hãy so sánh hai khổ thơ trên để thấy được những điểm gặp gỡ của hai nhà thơ?
Đối sánh trong văn học
– Mục tiêu: Làm nổi bật, khắc đậm cái hay riêng, cái mới lạ trong vấn đề, đối tượng văn học.
– Để so sánh có hiệu quả:
+ Có vốn kiến thức vững vàng
+ Có ý thức về mặt phương pháp trong quá trình so sánh
– Căn cứ đề so sánh
+ Căn cứ vào thời gian: lịch đại và đồng đại.
+ Căn cứ vào bản chất đối tượng: đồng dạng và đối dang.
2. Dạng phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ nhận định
Phân tích bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh để làm sáng tỏ nhận định sau:
“Chỉ mười hai câu thơ năm chữ mà anh đã vẽ nên một bức tranh sang thu vừa đúng, vừa đẹp, vừa có tình vừa có chiều sâu suy nghĩ.”
( Nguyễn Xuân Lạc, Báo Giáo dục và Thời đại, số 1114 ngày 22/9/2005).
Các bước làm
– Giải thích nhận định (bám sát các từ ngữ quan trọng trong nhận định).
– Chứng minh làm sáng tỏ nhận định (bám sát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm).
– Bàn luận, đánh giá, liên hệ, mở rộng phù hợp.
Đề bài: Phân tích tình yêu quê hương trong bài “Quê hương” của Tế Hanh.
Bước 1: Tìm hiểu đề
– Dạng đề: mệnh lệnh + vấn đề cần nghị luận.
– Thao tác: phân tích.
– Vấn đề cần nghị luận: tình yêu quê hương.
– Phạm vi dẫn chứng: bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
a. Tìm ý:
– Giúp xác định hướng làm bài, xác định các ý chính cần triển khai.
– Đặt các câu hỏi tìm ý.
+ Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Tâm trạng khi sáng tác của tác giả ra sao?
+ Tình yêu quê hương được thể hiện qua những
hình ảnh thơ nào?
+ Những đặc sắc nghệ thuật nào góp phần thể
hiện nội dung đó?
+ Cần tập trung khai thác sâu, rộng ở những chi tiết nào?
b. Lập dàn ý:
– Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
– Thân bài:
+ Khái quát về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính.
+ Bàn về những giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ để làm rõ vấn đề cần nghị luận.
(Có những liên hệ, mở rộng phù hợp).
– Kết bài: đánh giá chung về giá trị của đoạn thơ, bài thơ.
Triển khai ý cụ thể phần thân bài
– Khái quát về hoàn cảnh sáng tác bài thơ…
– Tình yêu quê hương được thể hiện:
+ Trong cách giới thiệu về làng chài quê hương
+ Trong cách miêu tả con thuyền ra khơi với vẻ đẹp khỏe khoắn, giàu sức sống.
+ Trong cái nhìn hân hoan, hạnh phúc đón con thuyền trở về; khung cảnh sinh hoạt bình yên, no đủ.
+ Nỗi nhớ quê qua những hình ảnh lắng đọng ở khổ thơ cuối.
Bước 4: Kiểm tra, sửa lỗi
– Kiểm tra lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Phép liên kết câu, liên kết đoạn văn.
Để viết một bài văn nghị luận văn học hay và ấn tượng
1, Nắm vững kiến thức khái quát về tác phẩm
Hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc, phong cách sáng tác
2, Khai thác các chi tiết, hình ảnh thơ đặc sắc; biết mở rộng, liên hệ phù hợp
3, Vận dụng kiểu thức thực tế về lịch sử xã hội, các trào lưu sáng tác
4, Kiến thức lý luận văn học Giải thích khái niệm, phân tích tác phẩm theo đặc trưng thế loại.
Nắm vững kiến thức về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm làm cơ sở để khai thác bài đúng hướng
– Hoàn cảnh sáng tác bài “Sang thu” (Hữu Thỉnh): mùa thu năm 1977 – một trong những mùa thu độc lập đầu tiên của dân tộc. Có trải qua cuộc đời người lính với bom rơi đạn nổ mới thấy trận trọng hơn những giây phút yên bình giữa lòng quê hương. => chìa khóa phân tích tác phẩm.
Hoàn cảnh sáng tác bài “Quê hương” (Tế Hanh): sáng tác năm 1939 – khi tác giả đang học tại Huế, xa gia đình, xa quê hương. Bài thơ là tiếng lòng, là nỗi nhớ quê hương của một người con xa quê. => khởi nguồn cho mạch cảm xúc của toàn bài.
Lời đề từ của bài thơ “Quê hương” (Tế Hanh)
“Chim bay dọc biển đem tin cá”.
Lời đề từ với chú thích rất trân trọng: “Câu thơ của thân phụ tôi”. Trong thái độ kính trọng có cả sự hàm ơn. Hàm ơn bởi công sinh thành, dưỡng dục, công “nuôi dưỡng tâm hồn”, dìu dắt Tế Hanh đến với thế giới văn chương. “Quê hương” viết trong xa cách, trong nỗi niềm da diết nhớ quê, được bắt đầu từ những gì gắn bó nhất, máu thịt nhất nên cảm xúc trào dâng để tác phẩm trở thành kiệt tác.
Lời đề từ với ý nghĩa khơi nguồn sáng tạo là vì vậy.
Khai thác các chi tiết, hình ảnh thơ đặc sắc; biết mở rộng, liên hệ phù hợp
Giúp bài viết có độ sâu và rộng
Ví dụ: Chi tiết “hương ổi”- tín hiệu sang thu đầu tiên. Không phải bầu trời xanh, hương cốm mới hay lá vàng rơi mà là hương ổi – thứ hương thơm mộc mạc, dân dã của cây trái vườn nhà; thứ quà quê gần gũi, bình dị trong cuộc sống nhưng rất mới mẻ trong thi ca. Hương ổi vốn nồng nàn, trong gió thu se lạnh càng trở nên sánh lại, quyện vào trong gió, đủ để thức dậy cả một không gian vườn ngõ, đủ để làm sống dậy cả một miền kí ức tuổi thơ….
Vận dụng kiến thức thực tế về lịch sử xã hội, các trào lưu sáng tác trong bài nghị luận
Ví dụ: Đối với bài “Quê hương” (Tế Hanh): Phả Hi- được những khó khăn, nguy hiểm mà người dân chài phải đối mặt trong những chuyến ra khơi, có thấy ánh mắt đau khổ đến tuyệt vọng của những người vợ, người mẹ trước cảnh trời giông bão mà con thuyền của chồng con chưa trở về ta mới hiểu được hết ý nghĩa của câu thơ như tiếng thở phào nhẹ nhõm “Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”.
Đối với bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật), có hiểu được thực tế cuộc chiến đầy khó khăn gian khổ, có hiểu được hình tượng người lính đóng vai trò trung tâm, chiếm trọn tình yêu mến của nhân dân cũng như là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, ta mới hiểu được vẻ đẹp của các anh trong các tác phẩm văn học thời kì này.
Lưu ý!
– Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu lên được các nhận xét, đánh giá và sự cảm nhận riêng của người
viết.
– Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc…của tác phẩm.
Cách triển khai, tổ chức luận điểm
Văn bản: “Quê hương trong tình thương, trong hình tượng nỗi nhớ” (SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 81)
Mở bài
Dòng cảm xúc dạt dào chảy suốt đời thơ Tế Hanh trong đó bài Quê hương là thành công xuất sắc có ý nghĩa khởi đầu.
Thân bài
Cảm nhận về cảm xúc lúc nồng nàn, mạnh mẽ; lúc lắng sâu, tinh tế của Tế Hanh khi ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống lao động của quê hương; về hình ảnh, nhịp điệu đặc sắc của bài thơ.
Kết bài
Khẳng định sức hấp dẫn của bài thơ và ý nghĩa bồi đắp tâm hồn người đọc của bài thơ.
Triển khai các luận điểm phần thân bài
– Các ý chính:
+ Vẻ đẹp của con thuyền khi ra khơi
+ Cảnh trở về tấp nập, no đủ
+ Hình ảnh người dân chài giữa đất trời lộng gió với vị nồng mặn của biển khơi.
+ Hình ảnh, ngôn từ của bài thơ giàu sức gợi cảm; thể hiện một tâm hồn phong phú, tinh tế.
> Những suy nghĩ, ý kiến của người viết luôn được gắn cùng sự phân tích, bình giảng cụ thể hình ảnh, ngôn từ, giọng điệu… của bài thơ.
Thân bài được nối kết với phần mở bài một cách chặt chẽ, tự nhiên. Đó chính là sự phân tích, chứng minh làm sáng tỏ nhận định ở mở bài. Từ các luận điểm này dẫn đến phần kết bài đánh giá sức hấp dẫn, khẳng định ý nghĩa bài thơ.
Lưu ý về cách triển khai luận điểm
1. Đảm bảo bố cục 3 phần. Mỗi phần đảm nhận một nhiệm vụ; có sự liên kết chặt chẽ cùng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
2. Các luận điểm chính trong phần thân bài được xây dựng rõ ràng, hợp lí:
+ Mỗi luận điểm được triển khai trong một đoạn văn theo phép lập luận phù hợp với bố cục và mạch cảm xúc của bài. Giữa các luận điểm có sự liên kết chặt chẽ.
+ Những suy nghĩ, cảm nhận luôn gắn với phân tích, bình giảng cụ thể; tập trung phân tích những hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc làm điểm nhấn.
3. Tình cảm chân thành; rung cảm tha thiết với tác giả, tác phẩm.
Luyện tập
Đề bài: Phân tích vai trò là bước ngoặt làm chuyển mạch cảm xúc của khổ thơ thứ tư trong bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. (Trình bày trong đoạn văn khoảng 10 câu.)
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Tìm hiểu đề:
– Dạng đề: mệnh lệnh + vấn đề nghị luận
– Thao tác nghị luận: phân tích
– Vấn đề nghị luận: vai trò là bước ngoặt làm chuyển mạch cảm xúc
– Phạm vi: khổ thơ thứ tự bài thơ Ánh trăng
– Hình thức: đoạn văn
– Dung lượng: 10 câu
Dàn ý đoạn văn:
– Xây dựng câu chủ đề
– Các ý cần triển khai:
+ Sự bất ngờ trong tình huống qua phép đảo ngữ “Thình lình…
+ Sự bất ngờ trong cảm xúc của con người qua phép đảo ngữ “đột ngột vầng trăng tròn”…
=> Một tình huống bất ngờ, sự gặp lại bất ngờ…bao cảm xúc. Nếu không có tình huống này thì sự lãng quên có thể sẽ là mãi mãi…
=> Liên hệ, mở rộng về vai trò, ý nghĩa của một khoảnh khắc trong cuộc sống có tác động lớn đến nhận thức, cảm xúc của con người…