Cách làm văn Nghị luận văn học phân tích truyện đạt điểm cao

Tìm hiểu đề

– Đề nổi: là những đề bài mà có yêu cầu cụ thể được hiển lộ ngay trên đề bài. Ví dụ “Phân tích nhân vật anh thanh niên”, “phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai”…

– Đề chìm: chỉ là một đề bài. Ví dụ: Cảm nhận của anh chị về một đoạn trích nào đó…
– Phạm vi, giới hạn, yêu cầu của đề

Lập ý

Đề nổi
– Bám sát kết cấu bài nghị luận văn học;
– Dựa vào từ khóa để xây dựng hệ thống luận điểm trọng tâm – bộ phận.

Đề chìm
– Bám sát kết cấu bài nghị luận văn học;
– Đặt câu hỏi để xây dựng luận điểm:
+ Nói về nội dung gì?
+ Nội dung đó được thể hiện đặc sắc như thế nào?

Kết cấu của bài văn nghị luận văn học

Mở bài

Những điều cần đạt
– Giới thiệu tác giả;
– Giới thiệu tác phẩm,
– Giới thiệu yêu cầu của đề.

Ví dụ:

Mở tài của Chuyện người con gái Nam Xương
Vào thế kỉ XVI, khi văn học lúc bấy giờ vẫn còn coi trọng chức năng “nói chí, tải đạo” thì Nguyễn Dữ đã có những tác phẩm rất ấn tượng về hình tượng người phụ nữ trong tập Truyền kì mạn lục. Vì thế có thể coi Nguyễn Dữ chính là một trong những người khởi đầu cho dòng văn học nhân đạo quan tâm đến số phận phụ nữ sau này. Trong số những tác phẩm viết về người phụ nữ của ông, Chuyện người con gái Nam Xương được đánh giá là xuất sắc bậc nhất. Truyện đã thể hiện rất rõ số phận và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ thông qua nhân vật nàng Vũ Nương.

Mở bài của Chiếc lược ngà
Bạn thường hình dung như thế nào về người lính trong hai cuộc kháng chiến “thần kì” chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc: những con người gắn với vầng hào quang của chiến công, những con người mang vẻ đẹp lí tưởng..? Về phần Nguyễn Quang Sáng, ông có một cái nhìn rất riêng về người lính qua Chiếc lược ngà. Đó là những con người của những nỗi khổ đau, của những niềm mất mát. Trước sự khổ đau mà số phận mang lại, họ cũng có những sai lầm, họ cũng phải tiếc nuối, ân hận, dằn vặt.

Mở bài của Những ngôi sao xa xôi
“Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hóa những anh hùng
Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”
(Tố Hữu, Ê-mi-ly, con)
Thơ văn Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã nổi bật lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những nhà văn nhà thơ bằng vốn sống giàu có của mình đã có những cách cắt nghĩa rất riêng, rất sinh động, thú vị về một thời đại “ra ngõ gặp anh hùng” như thế.

Thân bài

– Những vấn đề chung

– Phân tích làm sáng tỏ vấn đề

– Đánh giá

ĐOẠN VĂN ĐÁNH GIÁ

– Thực hiện những yêu cầu đánh giá, nhận xét của đề bài.

– Đánh giá lại về nội dung và nghệ thuật.

– Mở rộng, liên hệ, so sánh để có cái nhìn nhiều chiều về vấn đề.

Ví dụ:

Đoạn đánh giá của Chuyện người con gái Nam Xương

Với nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện được những giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc so với thời đại của ông. Về giá trị hiện thực, Nguyễn Dữ đã thể hiện chân thực số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Mặc dù không phải mạch truyện chính, nhưng ông cũng đã cho chúng ta thấy các cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa có thể gây ra những bi kịch gia đình, ảnh hưởng đến khát vọng hạnh phúc của con người như thế nào.

(…) Về giá trị nhân đạo, Nguyễn Dữ đã rất trận trọng, nâng niu, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ.
Đồng thời ông đã gửi gắm ước mơ về một xã hội lí tưởng, nơi những người tốt phải được hưởng hạnh phúc một cách xứng đáng như thế giới thủy cung trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương

Đoạn đánh giá của Chiếc lược ngà
Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa anh hùng trong giai đoạn văn học 1945-1975 chính là chủ nghĩa anh hùng nhân dân với những người anh hùng mang vẻ đẹp rất đỗi đời thường. Những người anh hùng ấy có những nỗi khổ đau, có những điều mất mát, có những điều chưa hoàn hảo. Nhưng tất cả những điều đó không hề làm hình ảnh những người anh hùng yếu đuối, bé nhỏ đi mà chỉ làm cho hình ảnh của họ con người hơn, nhân văn hơn.

(…) Từ hình ảnh của họ, ta càng khâm phục hơn khả năng vượt qua những nỗi mất mát, thậm chí coi những nỗi mất mát như một nền tảng để họ sống kiêu hãnh, mạnh mẽ, tha thiết và cháy bỏng hơn. Nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà chỉ là một người lính, người cán bộ kháng chiến lặng thầm nhưng hiện lên vừa đời thường, vừa phi thường vừa đáng quý vừa chân thật, sống động như thế. Tác phẩm cũng thật sự thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật.

Đoạn đánh giả của Những ngôi sao xa xôi
Truyện ngắn của Lê Minh Khuê thực sự là nốt nhạc trong trẻo về vẻ đẹp tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ. Nó đối lập hoàn toàn với “bản giao hưởng” đầy khốc liệt của cuộc chiến tranh. Nó là câu trả lời của sự sống, của lòng dũng cảm, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả một thế hệ Việt Nam thời kì hoa lửa. Họ, bằng một tâm hồn đầy nhạy cảm với vẻ đẹp của cuộc sống, bằng khát khao bảo vệ những vẻ đẹp đó bằng mọi giả đã viết nên một huyền thoại Trường Sơn.

Diễn đạt và việc vận dụng các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận về một đoạn/tác phẩm truyện
– Vận dụng thao tác bình luận
– Vận dụng thao tác so sánh

VẬN DỤNG THAO TÁC BÌNH LUẬN Trong Chuyện người con gái Nam Xương

Vũ Nương là người con gái tài sắc vẹn toàn, đầy đủ cả công, dung, ngôn, hạnh. Thế nhưng, cuộc đời vẫn cứ trớ trêu đẩy nàng vào bi kịch cay đắng nhất. Nguyên nhân của bi kịch ấy không chỉ đến từ một phía. Nếu như không có chiến tranh khiến cho vợ chồng phải li tán, có thể bi kịch ấy không xảy ra. Nếu như bà mẹ của Trương Sinh không qua đời trước khi Trương Sinh về, mọi chuyện cũng có thể khác đi. Nếu như bé Đản không vô tình nói ra những điều sơ suất, có thể hạnh phúc gia đình không đổ vỡ. Nhưng cuộc đời là thế, với những điều bất ngờ ngẫu nhiên thường xuyên có thể xảy đến không báo trước.

(…) Vậy không thể đổ tại cuộc đời. Bởi nếu không phải vì Trương Sinh với cái tính đa nghi, kẻ đại diện cho xã hội trọng nam khinh nữ thì câu chuyện bi thảm này có lẽ sẽ không có cái cớ mà diễn ra. Trương Sinh và chế độ gia trưởng ấy phải chịu trách nhiệm chính về cái chết oan khuất của nàng. Đành rằng Trương Sinh không phải là kẻ khơi ra câu chuyện. Bé Đản đã vô tình tạo nên nghi ngờ cho chàng và trong hoàn cảnh ấy, thực sự chàng có quyền nghi ngờ.

(…) Các cụ nói “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Nay chính miệng con trẻ nói ra những lời nói “Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Trước tình huống ấy, đừng nói gì đến một người hay ghen, người bình thường cũng không thể tránh khỏi những nghi hoặc. Cho nên ta có thể cảm thông với Trương Sinh khi chàng trở về và “la um lên cho hả giận”. Thế nhưng nếu là một người đàng hoàng, vị tha thì khi Vũ Nương hỏi chuyện kia do ai nói, Trương Sinh phải nói rõ và câu chuyện sẽ được giải quyết ngay, sẽ không để lại hậu quả đau lòng.

(…) Nhưng Trương Sinh không nói, chàng coi lòng tự trọng của mình cao hơn danh dự, tiết trinh của vợ. Cơn giận đã khiến Trương Sinh mất cả lí trí, ngọn lửa ghen tuông khiến cho chàng trở thành kẻ tàn nhẫn, bỏ ngoài tai tất cả những lời vật vã kêu xin của vợ. Hành động ấy của chàng chẳng khác gì một mực đẩy Vũ Nương vào cõi chết. Trương Sinh không phải không yêu thương vợ. Khi hiểu ra sự thật chàng cũng rất đỗi ân hận nhưng mọi chuyện đã rồi, không thể cứu vãn được nữa.

(…) Trương Sinh có tội bởi chàng là con người tiêu biểu của xã hội phong kiến gia trưởng, nơi người đàn ông đã được trao cho một thứ quyền lực đáng sợ. Câu chuyện tạo ra một cảm giác nhức nhối chính là bởi có những nỗi ân hận không thể sửa sai được.

VẬN DỤNG THAO TÁC BÌNH LUẬN Trong Những ngôi sao xa xôi

Phương Định là cô con gái Hà Nội, và dù có nói một cách khiêm tốn thì cô vẫn tự nhận bản thân là một cô gái khá xinh đẹp với “hai bím tóc dày, tương đối mềm”, với “cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”. Còn mắt cô thì các anh lái xe bảo “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Miêu tả một nhân vật nữ xinh đẹp giữa chiến trường là một dụng ý nghệ thuật. Kẻ thù đã những tưởng rằng với sức mạnh của bom đạn và hủy diệt có thể biến mảnh đất này thành mảnh đất chết.

…) Vậy thì hình ảnh xinh đẹp, giàu sức sống của Phương Định như sự vượt lên trên đầy kiêu hãnh ngay trong sự hủy diệt ấy. Sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại đầy mạnh mẽ và thách thức dù sự hủy diệt có đáng sợ đến đâu. Phương Định cũng như Nho, Thao, ba cô gái trẻ giống như ba thanh âm trong trẻo của cuộc sống giữa bom đạn chiến tranh. Phải chăng, vẻ đẹp của họ cũng là biểu trưng cho sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam?

VẬN DỤNG THAO TÁC SO SÁNH Trong Làng

Ông Hai là người nông dân rất yêu ngôi làng của mình. Điều này không lạ bởi người nông dân nào cũng gắn bó với quê cha đất tổ “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Nhưng riêng với ông Hai, tình yêu đó đã được thể hiện một cách đặc biệt. Nó trở thành một niềm say mê hãnh diện, trở thành thói quen khoe làng. Trước Cách mạng, thậm chí người nông dân khốn khổ ấy còn khoe cái sinh phần của cụ Thượng, bởi không có gì đáng giá để khoe.

(…) Nhưng từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhận thức và tình cảm của ông đã có nhiều biến chuyển. Tinh yêu làng gắn với niềm hạnh phúc được trở thành một người tự do, một người làm chủ, một người được tự quyết định số phận của mình và tham dự vào việc quyết định số phận của dân tộc mình. Tình yêu làng vì thế gắn bó với tình yêu đất nước. Từ một người nông dân yêu làng “bồng bột”, ông đã trở thành một công dân gắn bó với kháng chiến. Tình yêu làng càng trở nên cháy bỏng, tha thiết hơn vì từ nay trở đi đã có mục đích, lí tưởng thật rõ ràng.
(…) Ông say mê trong những ngày đầu làng trở thành làng kháng chiến. Ông hòa mình vào công việc đến mức quên ăn quên ngủ. Nghe theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, ông rời làng đến nơi tản cư. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ làng, khoe về làng và thường vào phòng thông tin để hỏi thăm tin tức, để nắm được tình hình chiến sự và nhất là để hỏi được những tin tức về làng.

Kết bài

Nhìn lại vấn đề; nêu cảm nhận cá nhân.

Kết bài của Chuyện người con gái Nam Xương
Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ kết lại mà còn đọng lại nhiều câu hỏi trong lòng bạn đọc: kết thúc câu chuyện có dở dang không?, tại sao không để Vũ Nương được trở về với chồng con?… Nhưng chính những câu hỏi này đã chứng minh cho giá trị lâu bền của tác phẩm. Tác phẩm dường như kêu gọi mỗi người đọc nỗ lực để những người phụ nữ không còn ám ảnh với vấn đề số phận “hồng nhan bạc phận”. Đó phải chăng chính là sức sống của một tác phẩm văn chương chân chính?

Kết bài của Chiếc lược ngà
Bất kì một chiến công, chiến thắng nào cũng có cái giá của nó. Văn học giúp ta không chỉ biết đến những men say của chiến thắng mà còn dạy ta biết lắng tai nghe, sống với những nỗi khổ đau và mất mát đã xảy ra để có được những chiến công. Có lẽ vì thế, văn học giúp ta hiểu rõ về con người, về cuộc sống, giúp ta dám đối mặt với những nỗi khổ đau và biết đứng dậy, kiêu hãnh và mạnh mẽ từ chính những thử thách ấy. Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm như vậy. Câu chuyện dù đã khép lại, nhưng những gì tác phẩm mở ra cho người đọc thì vẫn còn sức ngân vang.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *