I.Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
Có những tác phẩm đọc xong gấp sách lại là ta quên ngay cho đến khi xem lại mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi, nhưng cũng có những tác phẩm như dòng chảy qua tâm hồn ta để lại trong ta những ấn tượng trạm khắc trogn tâm khảm. Và “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận cũng là một tác phẩm như thế. Trong bài thơ ấy, có lẽ hai khổ thơ đầu là những vần thơ độc đáo nhất.
II.Thân bài
1.Khái quát về tác phẩm
– Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc để sống và để viết: miền núi, hải đảo, nhà máy, nông trường… Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi ấy, hồn thơ của ông mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng”(1958).
2.Cảm nhận đoạn thơ
a/ Cảnh đoàn thuyền ra khơi khi hoàng hôn buông xuống
– Mở đầu bài thơ nhà thơ miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi khi hoàng hôn buông xuống
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then,đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Bốn câu thơ có kết cấu gọn gàng, cân đối như một bài tứ tuyệt: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau nói về con người. Cảnh và người tưởng như đối lập song lại hòa hợp, cảnh làm nền để cho hình ảnh con người nổi bật lên như tâm điểm của một bức tranh – bức tranh lao động khỏe khoắn, vui tươi tràn ngập âm thanh và rực rỡ sắc màu.
Hai câu thơ đầu tả cảnh hoàng hôn trên biển, cũng là thời điểm đoàn thuyền đánh cá ra khơi:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”.
+Nếu chỉ căn cứ vào thực tế sẽ thấy câu thơ có vẻ vô lí, bởi trên vịnh Hạ Long ở hướng Đông, không thể thấy cảnh mặt trời xuống biển như thế, mà chỉ có thấy mặt trời mọc được thôi. Vậy thì ở đây, khi viết “Mặt trời xuống biển” tức là nhà thơ đã lấy điểm nhìn từ trên con thuyền đang ra khơi,giữa biển khơi nhìn về hướng Tây nơi bờ bãi. Lúc đó, xung quanh con thuyền chỉ là mênh mông sóng nước, mặt trời chỉ còn cách lặn xuống biển.
+ Ở hai câu thơ đầu, nhà thơ đã so sánh “mặt trời” với “hòn lửa”. Phép so sánh gợi ra một khung cảnh rực rỡ, huy hoàng, tráng lệ. Ánh mặt trời lúc cuối chiều đỏ rực phả xuống mặt biển làm hồng rực cả một vùng biển, vùng trời – một cảnh tượng thật kì vĩ.
Liên hệ: Xưa nay, thơ viết về cảnh hoàng hôn thường phảng phất một nỗi buồn như Thôi Hiệu viết trong bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” chẳng hạn:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Hay chính Huy Cận trong bài thơ “Tràng giang” trước CM cũng viết
“ Lòng quê rờn rợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
+ Nhưng ở câu thơ đầu trong bài thơ “ĐTĐC” của Huy Cận, ta lại thấy cảnh hoàng hôn hiện lên rất đẹp. Phải chăng lúc này Huy Cận đang vui, vui vì ông lại tìm được nguồn cảm hứng sáng tác sau 10 năm không thể cầm bút, vui vì ngư dân được làm chủ biển trời nên ông nhìn cảnh mới đẹp như vậy. Có lẽ là thế bởi Nguyễn Du cũng đã từng nói với chúng ta rằng “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh chỉ đẹp khi tâm trạng con người phơi phới niềm vui.
+ Cùng với phép so sánh, Huy Cận còn miêu tả thiên nhiên khi chiều xuống bằng một phép nhân hoá cũng đầy sáng tạo: “Sóng đã …cửa”. Lời thơ với các động từ mạnh ( sập, cài) đã cho ta hình dung được một cảnh tượng thật rộng lớn và đầy bí ẩn. Biển đêm với những con sóng bạc đầu chạy ngang như những chiếc then cài còn màn đêm là cánh cửa đang đóng sập lại. Chỉ với 7 chữ nhưng câu thơ gợi lên trong ta rất nhiều liên tưởng thú vị. Biển đêm vốn bí ẩn, đáng sợ, thậm chí là cuồng nộ nhưng giờ đây cũng trở nên gần gũi, ấm áp, thân thương. Vũ trụ và thiên nhiên bao la lúc này chẳng khác nào một ngôi nhà rộng lớn. còn những người ngư dân chính là các thành viên của gia đình. Thiên nhiên và con người giờ đây vô cùng gần gũi, gắn bó và hoà hợp.
Và khi thiên nhiên đi vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người lại bắt đầu làm việc:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
+ Hình ảnh, nhạc điệu trong câu thơ diễn tả khí thế khỏe khoắn, phấn chấn của những người lao động: khẩn trương làm việc bất kể ngày đêm. Đoàn thuyền lại ra khơi, tuần tự, nhịp nhàng như cái nhịp sống không bao giờ ngừng nghỉ. Chữ “lại” trong câu thơ đã diễn tả điều đó, cho ta hiểu đây là công việc, là hoạt động hàng ngày, thường xuyên, trở thành một nếp sống quen thuộc của những người ngư dân vùng biển. “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” là hình ảnh ẩn dụ mang tính chất khoa trương. Tiếng hát khỏe khoắn tiếp sức cho gió làm căng cánh buồm. Tiếng hát ấy, làm nổi bật khí thế hồ hởi của người lao động trong buổi xuất quân chinh phục biển cả…
b/ Tiếng hát gọi cá vào
Nếu như ở khổ thơ đầu, tác giả miêu tả những người ngư dân thuyển ra khơi luôn mang theo câu hát thì đến khổ thơ thứ 2, nhà thơ nói cụ thể hơn về lời hát của họ.
“ Hát rằng cá bạc biển đông lặng
Cá thu biển đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”
+ Từ “hát rằng” mở đầu khổ thơ đã gợi lên niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn của những người dân làng chài và đó còn là sự hứa hẹn một chuyến ra khơi bội thu. Và để rồi, trong lời hát ngập tràn niềm vui ấy, với việc thủ pháp liệt kê – kể ra hai loài cá có giá trị kinh tế cao – “cá bạc”, “cá thu” cùng biện pháp so sánh cá thu với “đoàn thoi” dường như tác giả đã cất lên lời ca về sự giàu có của biển cả.
+ Thêm vào đó, trong khổ thơ, tác giả sử dụng hình ảnh nhân hóa độc đáo, từ đó gợi lên trong lòng người đọc nhiều ý nghĩa: Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng Hai chữ “đêm ngày” đặt ở đầu câu thơ như khẳng định tính liên tục, không kể ngày đêm những loài cá ấy vẫn cùng nhau “dệt” nên một tấm lưới với “muôn luồng sáng” giữa biển cả mênh mông. Đồng thời, hình ảnh này còn gợi lên những vệt nước lấp lánh được tạo nên khi đoàn cá bơi lội dưới ánh trăng. Đặc biệt, qua hình ảnh này lời thơ cũng thể hiện được không khí lao động hăng say, không kể ngày đêm của người lao động.
+ Để rồi từ sự cảm nhận, ngợi ca sự giàu có, trù phú của biển cả, câu thơ khép lại khổ thơ như một lời ca, một lời mời gọi thiết tha và trìu mến đối với những đàn cá “Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi”. Lời thơ có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa. Nhà thơ gọi cá mà như gọi bạn. Giữa con người và thiên nhiên gần như không hề có khoảng cách. Nhưng có lẽ, ẩn sau lời mời gọi thiết tha ấy chính là ước mơ, là mong muốn đánh bắt được nhiều hải sản của những người dân làng chài và những điều đó xét đến cùng là ước mơ, là khao khát muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục biển cả của họ.
3.Đánh giá
Như vậy, bằng biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, các từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị gợi tả, hai khổ thơ đầu đã phác họa thành công một bức tranh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và qua đó gợi được tâm hồn phóng khoáng, tình yêu lao động và niềm hi vọng của người dân chài. Lời thơ còn cho ta nhận ra ở nhà thơ Huy Cận là tình yêu với thiên nhiên, với đất nước và niềm vui, niềm tin yêu vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao.
III/ Kết bài
Có thể nói rằng “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận là một bài thơ độc đáo. Bài thơ ấy và nhất là hai khổ thơ đầu đã khơi gợi trong lòng người đọc không ít những tình cảm đẹp. Nó khiến ta càng thêm cảm phục trước tài năng của nhà thơ, càng thêm yêu mến, tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Và có lẽ chính vì thế mà sau bao thăng trầm của lịch sử, “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận vẫn còn mãi trong lòng bạn đọc.