Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
– Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986).
– Để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc là vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây Bắc trong đoạn thơ thứ hai.
Thân bài
Cảm nhận đoạn thơ
* 4 câu đầu.
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” => Câu thơ mở đầu như một tiếng reo vui. Quang Dũng dẫn người đọc vào một đêm liên hoan văn nghệ đầy hấp dẫn nơi xứ lạ.
+ Chữ “bừng”:
=> vừa gợi hình, vừa gợi cảm, đặt giữa câu thơ với âm hưởng mạnh mẽ, nó làm rực sáng cả câu thơ, rực sáng cả tâm hồn người đọc.
=> là bừng sáng lên bởi ánh lửa từ ngọn đuốc trong đêm liên hoan văn nghệ của bộ đội cùng nhân dân; cũng có thể là tưng bừng rộn rã của niềm vui, của tiếng khèn bản nhạc. cùng giọng hát vừa ngọt ngào vừa mê say, tình tứ của các cô gái bản địa…
+ “Đuốc hoa”: chỉ ngọn nến đốt lên trong phòng cưới đêm tân hôn. → Đêm liên hoan trở thành đêm hội tưng bừng với hình ảnh đuốc hoa rực rỡ gợi những liên tưởng thi vị, tình tứ, mang đến niềm vui rạo rực, náo nức lòng người.
– Nhân vật trung tâm, linh hồn của đêm văn nghệ là những cô gái nơi núi rừng miền Tây bất ngờ hiện ra trong những bộ xiêm áo lộng lẫy (“xiêm áo tự bao giờ”), vừa e thẹn, vừa tình tứ (“nàng e ấp”) trong một vũ điệu đậm màu sắc xứ lạ (“man điệu”) đã hút hết hồn vía người lính.
=> Sơn nữ đẹp và quyến rũ không chỉ ở nhan sắc mà còn ở cặp mắt kẻ si tình ) hé mở vẻ hào hoa của người lính Tây Tiến.
– Hai chữ “Kìa em” kết hợp cùng cụm từ nghi vấn “tự bao giờ” => Cái nhìn đa tình, trẻ trung, ngỡ ngàng, ngạc nhiên, say mê sung sướng của những người lính xuất thân từ trí thức Hà thành trước vẻ đẹp phương xa.
Cảnh vật, con người như ngả nghiêng, ngất ngây, bốc men say rạo rực vì vui sướng được sống trong những giây phút bình yên. Dư âm của chiến tranh tàn khốc bị đẩy lùi xa chỉ còn những tâm hồn lãng mạn, trong tiếng nhạc, hồn thơ, trở thành một kỉ niệm đẹp khó phai mờ trong lòng những người lính Tây Tiến.
– Bằng bút pháp tài hoa, lãng mạn, thi trung hữu nhạc, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp giàu bản sắc văn hoá, phong tục của đồng bào vùng biên giới cùng tình cảm quân dân thắm thiết đậm đà và tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống của người lính Tây Tiến.
* 4 câu sau.
– Khung cảnh:
+ Thời gian: là một buổi chiều tĩnh lặng, êm ả đầy chất thơ.
+ Không gian dòng sông được phủ bởi một chiều sương huyền thoại khiến tất cả con người và cảnh vật như nhòe đi, bảng lảng như một bức tranh thủy mặc cổ điển.
– Hình ảnh “hồn lau”: Quang Dũng không tả cây lau, bông lau mà nắm bắt cái hồn vía, hình thái của cảnh vật. Cảnh hiện lên không vô tri vô giác mà trong gió, trong cây như có linh hồn vạn vật.
– Điệp ngữ “có thấy – có nhớ” luyến láy như chạm khắc vào lòng người một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng khôn nguôi.
– Trên dòng sông đậm sắc màu cổ tích ấy, nổi bật dáng hình mềm mại, uyển chuyển của người con gái Tây Bắc trên con thuyền độc mộc đang buông chèo. Nhưng người đọc cũng có thể cảm nhận một hình ảnh khác, đó chính là sự kiêu dũng của những chàng trai Tây Tiến đang chèo đò vượt thác tiến về phía trước chiến đấu với kẻ thù.
– Và như hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng “đong đưa”, làm dáng làm duyên trên dòng nước lũ.
+ Quang Dũng không viết “đung đưa” mà viết là “đong đưa”. “Đung đưa” chỉ thuần túy tả chuyển động đưa đi đưa lại mang tính chất Vật lý, còn “dong đưa” vừa tả chuyển động, tả cảnh vừa tả tình làm cho bông hoa trở thành một sinh thể duyên dáng và rất đa tình. “Cặp môi hồng con mắt ướt đong đưa” (Thị Mầu – Anh Ngọc)
+ Với hình ảnh “hoa đong đưa” này, Quang Dũng đã biến những bông hoa kia như một sinh thể có linh hồn, người đọc có cảm giác “hoa” cũng như con người |đang soi mình làm duyên làm dáng trên gương nước chòng chành.
+ Chữ “trôi” mà tác giả dùng ở đây cũng rất tinh tế, gợi lên sự nhẹ nhàng thanh thoát “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Phải có “tay lái ra hoa” thì chiếc thuyền độc mộc vượt qua suối lũ ghềnh thác mới êm nhẹ đến thế. Với một chữ “trôi” tinh tế và một chữ “đong đưa” hơi phong tình, dòng nước lũ dữ dằn bỗng trở thành suối mơ êm đềm yên ả, để con thuyền lướt nhẹ êm trôi.
* Liên hệ với thiên nhiên trong đoạn đầu:
– Cũng là thiên nhiên miền Tây Bắc nhưng ở đoạn đầu lại là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội với dốc đèo hiểm trở cheo leo, âm thanh đại ngàn dữ dội… được đan cài bằng những khoảnh khắc thanh bình, yên ả, thơ mộng trữ tình.
– Bức tranh thiên nhiên sông nước Châu Mộc chỉ có sự trong vắt, mộng mơ được diễn tả bằng cảm hứng lãng mạn, thuần khiết. Đây là đoạn thơ giàu chất tạo hình, thoáng và đẹp như một bức tranh lụa mượt mà.
Về nghệ thuật.
– Sử dụng hiệu quả các biện pháp nghệ thuật tu từ: so sánh, nhân hóa .. trong việc diễn tả tâm hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông nước miền Tây.
– Âm điệu trầm lắng, bồi hồi những hoài niệm.
– Bút pháp gợi chứ không tả, hài hòa tính nhạc với họa.
Kết bài
Đánh giá chung
Đoạn thơ đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền Tây Bắc với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Chất nhạc, chất họa, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp như Xuân Diệu đã từng nhận xét “nghe như ngậm nhạc trong miệng”. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, hào hoa lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.