Cảm nhận vẻ đẹp dòng sông Đà qua đoạn trích “Người lái đò sông Đà”

I/ Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận

Con người của chủ nghĩa xê dịch, con người của những khát khao tìm kiếm, khám phá và chinh phục những cảm giác mạnh mẽ, những cái đẹp, cái hoàn mĩ, con người ấy, không ai khác, chính là Nguyễn Tuân. Với tài chỉ huy ngôn ngữ bậc thầy, người ta thấy ở Nguyễn Tuân những trang văn vô cùng độc đáo, ấn tượng mà thiên tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” chính là một trong số ấy. Bài viết chính là kết quả của chuyến đi thực tế cuả nhà văn đến với Tây Bắc, đến với mảnh đất chiến trường xưa để tìm kiếm chất vàng mười của thiên nhiên và con người nơi ấy. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, hình tượng con Sông Đà hiện lên thật độc đáo với hai nét tính cách đối lập nhau: hung bạo và trữ tình. Đặc biệt, đoạn văn miêu tả vẻ đẹp thơ mộng của Sông Đà ở góc nhìn giữa lòng sông là gây ấn tượng mạnh hơn cả:
“Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ… nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.”

II/ Thân bài

1/ Dẫn nhập

Tùy bút Người lái đò Sông Đà được in trong tập Tuỳ bút sông Đà (1960), gồm mười lăm bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo. Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vĩ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc”.Qua Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vĩ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình. Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới: chất vàng mười của đất nước trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.
Đoạn trích nằm ở phần đầu của bài viết , ghi lại vẻ đẹp của con Sông Đà trong góc nhìn của nhà văn khi đang ngồi trên một khoang đò và đưa mắt ngắm nhìn khung cảnh bờ bãi.

2/ Phân tích đoạn trích

Mở đầu đoạn là một câu văn êm ru trong những thanh bằng: Thuyền tôi trôi trên sông Đà… Câu văn đã đưa con thuyền, nhà văn và người đọc vào một cõi mơ êm đềm, yên ả, một cõi hoang sơ vắng lặng như chưa hề có dấu vết của con người. Con sông bây giờ không hẳn chỉ là của hiện tại, mà nó trôi ngược về quá khứ. Bởi người ngắm nó – người đang lênh đênh giữa dòng sông, đang chìm trong hoài niệm, mạch cảm xúc bơi ngược về với lịch sử dân tộc :“Hình như từ đời Lí, đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi”. Tính từ “lặng tờ” lặp lại tới hai lần, cùng câu văn mang ý nghĩa khẳng định: Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi khiến cho sự “lặng tờ” của con sông Đà dày thêm, không chỉ vì cái yên ả trong không gian mà còn vì cái thăm thẳm của thời gian.

Bờ sông tiếp tục được miêu tả trong những hình ảnh so sánh độc đáo: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Cách so sánh của Nguyễn Tuân đã không hề làm rõ, làm hiện hữu hình ảnh của bờ sông, cũng không làm cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng mà thậm chí chỉ càng làm dòng sông trôi xa thêm vào miền mộng mơ, tiêu điều của cõi hồng hoang xa xôi, trong thế giới cổ tích huyền hoặc của tuổi thơ và trong chính thế giới ấy, người đọc đã nhận ra rõ hơn sự lặng tờ hoang dại của một dòng sông trong trẻo êm đềm.

Sự yên ả, êm đềm tới mức mơ hồ của sông Đà khúc hạ nguồn tiếp tục được nhà văn tô đậm hơn bởi những hình ảnh thật nhỏ bé mong manh trong không gian trong lành, nguyên sơ, thuần khiết với mấy lá ngô non đầu mùa mới nhú, mấy búp cỏ gianh đẫm sương đêm và nhất là được gợi tả giữa âm thanh dịu nhẹ của tiếng đàn cá dầm xanh quẫy nước. Đó là một bức tranh thiên nhiên hài hòa, mang vẻ đẹp trong trẻo, nguyên sơ, kì thú. Và có lẽ, đặc biệt nhất là hình ảnh con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, cất tiếng hỏi nhà văn bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành… Chi tiết này làm tăng thêm ảo giác như nhà văn đang lạc vào một cõi trong trẻo, an lành, không có thực của thế giới cổ tích. Ảo giác mãnh liệt tới mức nhà văn bỗng thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa, để âm thanh của cuộc sống hiện tại giúp nhà văn nhận ra rằng mình vẫn đang ở thế giới hiện thực, là con người trong nền văn minh hiện đại. Có lẽ không một sự miêu tả trực tiếp nào lại khiến sự lặng tờ, hoang dại của dòng sông hiện lên rõ nét đến thế như trong lời ao ước của Nguyễn Tuân khi đứng bên một dòng sông quá đỗi êm đềm.

Trong đoạn văn miêu tả dòng sông trữ tình, cái “tôi” trữ tình của nhà văn đã trực tiếp xuất hiện qua những lời kể hào hứng: Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân… tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu…; trong những lời cảm thán nồng nàn: Chao ôi, trông con sông vui như… Chao ôi, thấy thèm được… Vậy là, bên cạnh một Nguyễn Tuân sắc sảo, tài hoa và uyên bác còn có một Nguyễn Tuân đam mê dạt dào cảm xúc, khi xao xuyến nỗi nhớ nhung như tình nhân, như cố nhân…; khi bồng bột như trẻ nhỏ trước mênh mông phóng khoáng của bờ sông Đà, bãi sông Đà, khi lại say sưa như muốn tan hòa vào thế giới bát ngát của dòng sông và nhất là luôn lai láng niềm mong ước được đề thơ vào sông nước.

Việc phối hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, sử dụng lối hành văn đầy biến hóa độc đáo và giàu sức gợi tả, giọng văn vừa trang trọng, trầm lắng, vừa da diết bâng khuâng đã tạo nên những dòng văn tràn đầy xúc cảm thể hiện qua từng câu, từng chữ, từng nhịp đi của hơi văn. Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế và giàu khả nàng gợi cảm: Những từ “lặng tờ” hoang dại”, “hồn nhiên”, “con hươu thơ ngộ”, “tiếng còi sương” được dùng rất đắt, có sức lột tả tính chất của hình tượng. Cách so sánh độc đáo :so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng để trừu tượng hoá, thi vị hoá một hình ảnh cụ thể nhằm gây ấn tượng cảm giác hơn là gây ấn tượng thị giác “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa “. Sức tưởng tượng phong phú khiến Nguyễn Tuân hình dung và mô tả được nỗi niềm của cả con sông và của cả những sinh vật sinh sống trên bờ sông ấy. Đoạn văn đã góp phần quan trọng trong việc tái hiện vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà, của thiên nhiên đất nước gấm vóc nên thơ đồng thời góp phần khẳng định tài năng của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật viết tuỳ bút.

3/ Nhận xét cái tôi tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân:

Đoạn văn đã cho người đọc thấy rất rõ sự tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Trước hết, đó là sự tài hoa ở lối viết uyển chuyển, linh hoạt; cách so sánh, liên tưởng nhiều tầng bậc, bất ngờ, độc đáo. Ông nhìn sự vật bằng con mắt của người họa sĩ, dưới góc độ thẩm mĩ; tài hoa thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp mĩ lệ của thiên nhiên đất nước. Cùng với đó là sự uyên bác được thể hiện ở cách nhìn và khám phá hiện thực theo chiều sâu, ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ nghĩa. Hình ảnh dòng sông Đà được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, thú vị. Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn Tuân.

III/ Kết bài : khẳng định lại vấn đề nghị luận

“Người lái đò sông Đà” quả thực là một công trình nghệ thuật vô cùng độc đáo, chứng tỏ được tài năng bậc thầy của Nguyễn Tuân. Đọc đoạn văn trên, ta cũng giống như tác giả, tưởng mình đang lạc vào một thế giới thần tiên nào đó, trong khu vườn cổ tích xa thật là xa. Đoạn trích cũng như toàn bộ tác phẩm đã đem đến cho ta những hiểu biết sâu rõ về tác giả Nguyễn Tuân, về tài năng siêu việt của ông, giúp ta thêm yêu vẻ đẹp, cảnh sắc của thiên nhiên đất nước mình. Với những đóng góp to lớn về nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật biểu hiện, tên tuổi của tác giả Nguyễn Tuân cùng thiên tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” chắc chắn sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc muôn thế hệ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *