Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

I. Mở bài

*Giới thiệu chung:

– Tác giả:

+ Sáng tác từ thời kì kháng chiến chống Pháp và nhanh chóng trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam.

+ Thành công ở truyện ngắn và kí.

+ Tác phẩm của Nguyễn Thành Long tập trung phản ánh vẻ đẹp của con người Việt Nam mới trong lao động và trong chiến đấu.

+ Lối viết vừa chân thực, giản dị, vừa giàu chất trữ tình.

– Tác phẩm: Được viết vào mùa hè năm 1970 – là kết quả chuyến công tác lên Lào Cai của tác giả.

– Anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của nhiều nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư… Từ những điểm nhìn ấy tác giả dần khám phá, khắc họa những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn anh.

II. Thân bài

“Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp”.

=> Nhận xét đã khẳng định vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường của anh thanh niên trong cuộc sống cũng như trong lao động.

a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:

– Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.

+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.

+ Anh là người có trái tim biết yêu thương, sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe, trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư.

– Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:

+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình: trồng hoa trước nhà.

+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.

b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.

– Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:

+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.

+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”

+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.

– Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:

+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.

+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.

-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.

– Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:

+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)

+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét => tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.

+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.

=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.

* Lối sống đẹp mà anh thanh niên gợi ra

– Có lí tưởng sống cao đẹp

– Có trách nhiệm trong công việc được giao

– Luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc mọi người.

– Tạo cho bản thân nếp sống văn minh, tích cực.

c. Nghệ thuật khắc họa nhân vật

– Ngôi kể: ngôi thứ 3, điểm nhìn trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ, ngoài ra còn có điểm nhìn của cô kĩ sư và bác lái xe. Khiến cho câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật. Qua cách nhìn và cảm xúc của các nhân vật, hình ảnh người thanh niên hiện lên rõ nét và đáng mến hơn.

– Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa.Tạo tình huống ấy khiến tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là để nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực.

III. Kết bài

– Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình dị, mà tiêu biểu là anh thanh niên.

– Truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Bài văn mẫu

Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc và lòng trân quý về những con người đang lao động miệt mài không quản ngày đêm để cống hiến sức trẻ cho đất nước. anh thanh niên trong truyện chính là nhân vật đại diện cho những lớp người lao động ấy. Gấp trang sách lại là kết thúc một tác phẩm văn học, nhưng ta lại có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc, lòng cảm phục về lẽ sống cao đẹp, đáng quý kia.

Mở đầu tác phẩm, anh thanh niên hiện lên qua câu chuyện của bác lái xe với người họa sĩ già cùng cô kĩ sư trẻ. Đó là một chàng trai hai mươi bảy tuổi, anh đang sống một mình với công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn – một đỉnh núi cao hơn hai ngàn mét. Nhưng có lẽ, điểm gây ấn tượng nhất về nhân vật này với người đọc chính là sự “thèm người” của anh. Thậm chí, anh còn từng ngáng đường xe dừng lại để được gặp người, đọc nhìn và trò chuyện cùng con người.

Lên đỉnh Yên Sơn, ta bắt gặp một anh thanh niên với tầm vóc nhỏ bé cùng nét mặt rạng rỡ. Anh sống một mình tại nơi đây, nhưng sự cô độc lại không làm anh quen với thói cẩu thả. Trái lại, anh có vẻ là một người có lối sống giản dị và ngăn nắp. Anh yêu đời, anh say mê cái công việc của mình và anh chẳng bao giờ tỏ ra buồn chán với nó cả.

Anh thanh niên chào đón các vị khách một cái nồng nhiệt. Anh cởi mở giới thiệu công việc của mình, anh ca ngợi những người bạn cũng đang làm việc miệt mài tại Sa Pa. Anh nồng hậu, quý khách đến mức mang tặng những vật phẩm chính tay mình làm ra, nào là củ tam thất biếu vợ bác lái xe, nào là giỏ trứng của nhà trao cho bác họa sĩ, lại có cả những bông hoa rực rỡ cho cô kỹ sư. Anh yêu người đến thế, và cũng thơ mộng, lãng mạn đến thế!

Những chi tiết tiếp theo của câu chuyện sẽ khiến người đọc không khỏi xúc động, ngạc nhiên và khâm phục anh khi anh nói lên những suy nghĩ về công việc của mình. Anh là một thanh niên mang trong mình bao hoài bão lớn lao và những ước mơ với cuộc đời muôn sắc ngoài kia. Nhưng anh đã chấp nhận rời xa cuộc sống đô thị xa hoa, rời xa gia đình ấm êm để gắn bó với công việc khắc nghiệt này.

Mỗi ngày anh đều phải “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất để dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Anh phải dậy đúng giờ, báo cáo đúng giờ, lại còn phải vượt qua cả những khó khăn, nguy hiểm của công việc. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là phải đối diện với sự cô độc.

Tưởng như sự cô độc có thể giết chết trái tim của một tâm hồn non trẻ, nhưng anh lại giữ cho mình một tinh thần lạc quan và yêu đời. Anh coi công việc với mình là đôi, coi đó là một việc làm có ích, mà làm được gì đó cho đời chính là niềm vui của anh. Không chỉ thế, đây còn là công việc gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí khác, nên anh nào có cô độc?

Người họa sĩ cảm thấy bối rối khi bất ngờ được chiêm ngưỡng một chân dung đẹp đẽ đến thế. Nhưng khi ông xin được phác họa chân dung của anh, anh thanh niên lại từ chối, rồi anh lại kể cho ông họa sĩ nghe về những người khiến anh ngưỡng mộ. Có lẽ, anh nghĩ công việc của mình thật nhỏ bé, và vì nhỏ bé, nên nó chẳng đáng được tôn vinh như thế. Từ đó, ta có thể cảm nhận được khát khao mãnh liệt được cống hiến cho đời cùng sự khiêm tốn của chàng trai trẻ trên đỉnh Sa Pa.

Cùng với những kỹ sư trồng rau, nhà khoa học nghiên cứu sét… anh thanh niên đã trở thành một biểu tượng cho những lớp người đang ngày đêm hăng say lao động để cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Nhân vật này đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm tốt đẹp cùng sự cảm phục sâu sắc. Hình ảnh của anh đã, đang và sẽ tiếp tục động viên cho thế hệ trẻ hôm nay noi gương và đi theo những bước chân cao đẹp của thế hệ đi trước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *