I. Mở bài
– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.
– Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ấn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.
– “Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
– Để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc là vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của người phụ nữ trong tình yêu trong đoạn trích trên.
II. Thân bài
Giải thích
Vẻ đẹp truyền thống là vẻ đẹp mang tính kế thừa gắn liền với người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa. Đó là sự giãi bày kín đáo ý nhị cùng với lòng thuỷ chung, son sắt.
a. Vẻ đẹp truyền thống.
+ Nhà thơ sử dụng cách nói giả định mang theo những dự cảm về con đường còn nhiều trắc trở của tình yêu, dự cảm của một trái tim người phụ nữ đa đoan, đa cảm luôn lo âu, khắc khoải về hạnh phúc đời thường. Chọn cách nói ngược “Dẫu xuôi về phương Bắc/Dẫu ngược về phương Nam”, Xuân Quỳnh muốn khẳng định dù cuộc đời có nghịch lí, ngang trái đến mức nào thì em cũng vẫn chỉ hướng về một phương duy nhất – “phương anh”.
+ Dấu gạch ngang dặt giữa câu thơ, tách hai chữ “một phương” riêng thành một vế đã tạo nên điểm nhấn, sâu lắng, nồng nàn của xúc cảm thơ. Xuân Quỳnh quả thực đã rất tự tin và chân thành bày tỏ tình cảm thủy chung của mình trước anh. Đó là sự tự tin của người phụ nữ bản lĩnh dám yêu và cũng dám đi đến tận cùng để đạt tình yêu của cuộc đời.
+ Tấm lòng thủy chung trong tình yêu là vẻ đẹp gắn liền với truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời đây cũng là phẩm chất quan trọng của tình yêu đích thực, của hạnh phúc đời thường. Ca ngợi | về tấm lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu đã khẳng định | giá trị nhân văn cao đẹp trong thơ Xuân Quỳnh.
– Vẻ đẹp truyền thống còn biểu hiện ở niềm tin mãnh liệt vào tình yêu của người phụ nữ mặc cho cuộc đời còn “muôn với cách trở”.
+ Sóng khát khao tới bờ như em khao khát có anh. Sóng vượt qua mọi trở ngại để tới bờ như em bước qua mọi khó khăn, cách trở để cập bến hạnh phúc.
+ Tình yêu gắn liền với đời thường mà cuộc đời là dâu bể đa đoan. Tất cả những thử thách gian nan đang chờ trước mặt và là điều không thể thiếu đối với tình yêu: Tình ta như hàng cây/Đã qua mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/Đã yên ngày thác lũ (Thơ tình cuối mùa thu).
+ Mượn quy luật tự nhiên của con sóng, trăm ngàn con sóng từ thuở khai thiên lập địa tìm về bờ thì hành trình yêu của người phụ nữ tìm đến bến bờ anh hạnh phúc và bình yên. “Nếu sóng là trái tim biển cả thì tình yêu em là trái tim cuộc sống” (Chu Văn Sơn).
+ Tác phẩm được Xuân Quỳnh viết sau khi trải qua những đổ vỡ, đắng cay của tình yêu vậy mà trong trái tim nhà thơ vẫn vẹn toàn một niềm tin son sắt đối với tình yêu, với cuộc đời, với con người.
– Như vậy dù chủ động và khát khao mãnh liệt bao nhiêu thì người phụ nữ trong tình yêu vẫn trở về với những vẻ đẹp nữ tính truyền thống muôn đời. Đó là những giá trị đặc trưng của con người Việt Nam, đó là biểu hiện của cái mà Xuân Quỳnh gọi là giá trị người:
“Đó là tình yêu em muốn nói cùng anh
Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng
Lòng tắt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự người hơn”.
b. Vẻ đẹp hiện đại thể hiện ở sự chủ động bày tỏ nỗi nhớ của mình, chủ động trên con đường kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc.
– Có thể nói nỗi nhớ luôn gắn liền với tình yêu, nỗi nhớ là biểu hiện đầy đủ và sâu sắc nhất cho một tình yêu chân thành mãnh liệt, đặc biệt là khi hai người phải xa nhau.
– Xuân Quỳnh đưa người đọc khám phá một nỗi nhớ cồn cào mãnh liệt da diết bồi hồi không dứt, không nguôi. Nó dâng trào và mãnh liệt như những đợt sóng biển triền miên vô hồi, vô hạn.
– Điệp từ “con sóng” lặp lại ba lần như điệp khúc của một bản tình ca với những giai điệu da diết, như ám ảnh thường trực về tình yêu và nỗi nhớ.
-> Ba câu thơ gắn liền với hình ảnh sóng giống như những đợt sóng gối lên nhau, hối hả vươn tới bờ.
-> Đó cũng là một ẩn dụ nghệ thuật về những đợt sóng lòng đang dâng trào trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.
– Cách nói: dưới lòng sâu – trên mặt nước đã choán nỗi nhớ lên khắp chiều rộng chiều sâu của đại dương – nơi những con sóng mãi thao thức, cũng là chiều sâu, chiều rộng của nỗi nhớ, da diết và khắc khoải.
– Mượn hình tượng con sóng nhớ bờ, ngày đêm không ngủ được để diễn tả nỗi nhớ da diết, mạnh mẽ của người phụ nữ khi yêu, nhưng với Xuân Quỳnh dường như điều đó chưa đủ. Một lần nữa nhà thơ phát biểu trực tiếp: “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”.
– Nếu sóng nhớ bờ ngày đêm không ngủ được thì nỗi nhớ của em còn vượt mọi giới hạn thời gian, không gian, tràn cả vào chiều sâu của vô thức, len lõi vào cả những giấc mơ -> nỗi nhớ lắng đọng da diết nhất, sâu kín nhất. Nhớ anh là sự sống của trái tim em.
– Như vậy, tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ. Nỗi nhớ trong thơ Xuân Quỳnh có sự hòa lẫn từ truyền thống tới hiện đại, vắt từ ca dao qua Chinh phụ ngâm đến Thơ mới và lắng đọng lại ở Sóng với tất cả cung bậc của nó.
– “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”. Yêu cõi ngày chưa đủ, yêu cả trong “cõi mơ”. Thức trong mơ chỉ người phụ nữ hiện đại Xuân Quỳnh mới có. Hơn cả thủy chung, đó là sự giải tỏa những ẩn ức trong tình yêu để em chiếm lĩnh một cách trọn vẹn.
– Như vậy, đoạn trích đã hàm chứa một quan niệm đẹp về tình yêu, như một chân lí vĩnh hằng: Tình yêu đích thực luôn dạt dào nỗi nhớ, sự thủy chung và niềm tin mãnh liệt.
c. Vài nét về nghệ thuật.
– Đoạn thơ có âm hưởng vừa dạt dào, sôi nổi, vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng “sóng” và “em” giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc, mang tính truyền thống.
– Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa; kéo dài khổ thơ vốn có 4 dòng thành 6 dòng cùng cách ngắt nhịp linh hoạt để diễn tả nỗi nhớ trào dâng trong trái tim nhân vật trữ tình.
III. Kết bài
– Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp trong tình yêu của người phụ nữ. Đó là sự hòa hợp giữa chất hiện đại và truyền thống, giữa tính chất táo bạo, sôi nổi, cháy bỏng, mãnh liệt với sự trong sáng, thủy chung, đằm thắm, sâu lắng trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Sự hòa hợp ấy thể hiện trong sự hòa hợp giữa hình tượng sóng và em, bộc lộ rõ nét hồn thơ, con người và phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh.
– Có được sự hòa hợp ấy là do nhà thơ đã kế thừa được những nét đẹp trong tâm hồn một người phụ nữ truyền thống, đồng thời thể hiện được sự trẻ trung, sôi nổi, mạnh mẽ của một phụ nữ hiện đại trong tình yêu. Bản thân nhà thơ là một người phụ nữ đang yêu, đã trải qua những sóng gió trong tình yêu, cho nên những trải nghiệm tình yêu lắng kết ở bề sâu, tạo nên chất nữ tính đặc sắc trong thơ Xuân Quỳnh.
– Biển và sóng là thi đề không mới, nhưng phải đến Xuân Quỳnh thì trái tim người phụ nữ mới thật sự cất lời tình ca.
-> Sóng xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất của |Xuân Quỳnh và của văn học Việt Nam hiện đại.
- So sánh, liên hệ mở rộng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
- Tóm tắt đặc sắc nội dung và nghệ thuật các tác phẩm Ngữ văn 12