Cảm nhận về hình tượng sóng và em qua 4 khổ thơ đầu bài Sóng – Xuân Quỳnh

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.

– Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Ouỳnh.

– Để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc là vẻ đẹp của hình tượng sóng và em trong bốn khổ thơ đầu.

II. Thân bài

a. Về nội dung.

Sóng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi trữ tình Xuân Quỳnh. Sóng và em tuy hai mà một, khi tách rời khi lại hòa nhập cộng hưởng trầm bổng tạo ra những rung động mãnh liệt trong tình yêu.

* Bản tính và khát vọng của “sóng” và “em”.

– Tính chất của thực thể “sóng” dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ.

=> Hai cặp tính từ mang sắc thái tương phản được đặt liền kề cho thấy trong bản thân thực thể luôn tồn tại nhiều đối cực khác nhau; khi hiền hòa dịu êm, khi lại mạnh mẽ, ồn ào.

– Nhà thơ mượn hình ảnh sóng để diễn tả trạng thái tâm lí phong phú, phức tạp, đối lập trong trái tim “em”: cũng có lúc khát khao cháy bỏng, cũng có lúc tha thiết, nồng nàn đi vào chiều sâu thương nhớ.

=> Bản chất người con gái khi yêu là vậy, luôn xích mích, đối lập với chính mình. Hai câu thơ là lời tự thú táo bạo mà êm đềm của Xuân Quỳnh khi phát hiện trạng thái phong phú, phức tạp đầy biến động trong trái tim người phụ nữ đang yêu.

– Sóng không chấp nhận không gian “sông” nhỏ bé, chật chội. Sông không thể hiểu hết tâm tư tình cảm, không thể đồng cảm, chứa đựng với tính khí thất thường của sóng nên sóng phải buộc lòng tìm ra bể để được an ủi, sẻ chia, để được đắm say.

– Em khát khao vượt giới hạn nhỏ bé, vươn tới không gian rộng lớn hơn để lí giải chính mình, kiếm tìm một bến bờ tình yêu chân thành, thấu hiểu.

– Từ “tận” mang sắc thái biểu trưng cho xa xôi, khó khăn.

=> Hành trình của sóng gian nan, xa xôi, trắc trở, hành trình kiếm tìm tình yêu đích thực của cuộc đời em cũng vậy, đòi hỏi sự kì công, quyết liệt, dám khát khao, dám mơ ước và dám hành động để đi tìm hạnh phúc cho cuộc đời mình.
=> Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại trong tình yêu: chủ động, táo bạo và
đầy dũng cảm.

– Đặt trong tính sóng đôi của hình tượng sóng và em: trạng thái của sóng gắn với khí chất của người phụ nữ luôn luôn hài hòa những đối cực; khát vọng giải mã chính mình của sóng cũng là khát vọng thành thực, khơi tìm bản chất tâm hồn mình của người con gái khi yêu.

– Nếu sóng bất biến, chẳng đổi thay theo thời gian “ngày xưa và ngày sau vẫn thế” thì khát vọng trong em là được sống trong tình yêu bằng cả tuổi trẻ.

– Thể hiện khám phá mới về sóng: tượng trưng cho sự bất diệt của tuổi trẻ và khát vọng tình yêu.
Mượn qui luật tự nhiên để diễn tả một triết lí dung dị nhưng thấm thía về tình yêu và tuổi trẻ: còn tuổi trẻ là còn khát vọng, mà khát vọng yêu thương mãi còn tức là con người mãi trẻ trung.

– Đối diện với “muôn trùng sóng bể”, “em” đã có những suy tư, khát khao nhận thức người mình yêu, về bản thân mình, về “biển lớn” tình yêu.

* Những nỗi niềm của “em” về “sóng”, về tình yêu.

– Em băn khoăn về khởi nguồn của sóng. Chuỗi câu hỏi liên tiếp như truy đến cùng nguồn gốc của sóng cũng chính là nguồn gốc của tình yêu.

– Điểm xuất phát: Những suy luận mang tính logic, khoa học có thể giải mã được.

– Điểm kết thúc: Thắt nút lại vấn đề “khi nào ta yêu nhau?” => Tạo ra một bí ẩn khó có thể giải mã.

– Lí trí vận động “em nghĩ” (2 lần) nhưng bất lực “em cũng không biết nữa”.

– “Em cũng không biết nữa” là tâm trạng bối rối rất nữ tính và đáng yêu của một tấm chân tình không ham phân tích rạch ròi dẫu đòi hỏi nhận thức mãnh liệt.

=> Đây là cách cắt nghĩa tình yêu rất Xuân Quỳnh – một cách cắt nghĩa nữ tính và trực cảm.

– Với cấu trúc đặc biệt, sóng và em song song tồn tại, hòa hợp vào nhau. Mỗi khổ thơ là khám phá thú vị về sóng cũng là một phát hiện mới mẻ của Xuân Quỳnh về tình yêu. Sóng là tiếng lòng yêu thương nồng cháy với những băn khoăn hồn nhiên cất lên từ sâu thẳm đại dương của trái tim người con gái khi yêu. Như vậy, trong đoạn thơ, sự đồng nhất giữa sóng và em trong tình yêu còn hàm chứa một thông điệp đầy nhân văn: Tình yêu chính là một phần của cuộc sống, tồn tại song hành cùng tự nhiên, trường tồn cùng năm tháng, cùng đất trời, vũ trụ.

b. Về nghệ thuật.

– Thể thơ năm chữ; nhịp điệu thơ đa dạng, linh hoạt tạo nên âm hưởng của những con sóng: lúc dạt dào sôi nổi, lúc sâu lắng dịu êm phù hợp với tâm tư, trạng thái tình cảm của tâm hồn.

– Ngôn ngữ bình dị kết hợp thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ, các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; Cặp hình tượng sóng và em sóng đôi, bổ sung, hòa quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của người con gái khi yêu.

III. Kết luận

– Tình yêu được bộc lộ qua cặp hình tượng sóng và em. Ở lớp nghĩa thực, hình tượng sóng được miêu tả sinh động, cụ thể với nhiều tính chất, trạng thái phức tạp, đa dạng. Ở lớp nghĩa biểu tượng, sóng được ẩn dụ cho thế giới nội tâm của người con gái trong tình yêu.

– Hình tượng sóng được tạo thành từ âm điệu thơ đặc biệt và được biến thành một trường ẩn dụ có mối quan hệ tương đồng, gắn bó chặt chẽ với hình tượng em, từ đó hình thành nên một kiểu kết cấu song đặc biệt cho đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.
? Xem thêm:

  • So sánh, liên hệ mở rộng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *