Cảm nhận về mối quan hệ của mỗi cá nhân với đất nước trong đoạn thơ: “Trong anh và em… đất nước muôn đời”

Đề bài: Trong đoạn trích Đất Nước (trích Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm viết:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ Đất Nước đi xa mang

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.119-120)

Cảm nhận của anh/chị về mối quan hệ giữa mỗi cá nhân với đất nước trong đoạn thơ trên.

Tóm tắt nội dung

Toggle

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Đất Nước, vị trí đoạn thơ

– Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.

– Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu chương V, trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu 1974. Bao trùm đoạn trích Đất Nước là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được thể biện trên cả ba bình diện: lịch sử, địa lí, văn hóa.

– Giới thiệu đoạn thơ: Đoạn thơ trích trong phần đầu chương thơ Đất Nước, khẳng định mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa mỗi cá nhân với đất nước.

II. Thân bài

a. Cảm nhận về mối quan hệ giữa mỗi cá nhân với đất nước trong đoạn thơ

Trong đoạn thơ, đất nước được nhìn ở tầm gần và hiện hình qua lời tâm sự của anh và em. Bởi thế, “khuôn mặt” đất nước trở nên vô cùng bình dị, thân thiết. Tình cảm dành cho đất nước vô cùng chân thật, được nói ra từ chiêm nghiệm, trải nghiệm nên có khả năng làm lay động thấm thía tâm hồn người đọc.

b. Đất nước có trong mỗi con người, bình dị và thân thiết

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn

– Sáu câu đầu của đoạn thơ như muốn trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì? Đất nước ở đâu? Lời đáp thật giản dị nhưng cũng hàm chứa những bất ngờ: Đất nước không tồn tại ở đâu xa mà có trong mỗi một con người, mỗi người đều mang một phần đất nước. Tổng thể đất nước sẽ được hình dung trọn vẹn khi anh và em biết “cầm tay” nhau, “cầm tay mọi người”…

– Hàm ngôn của các câu thơ thật phong phú: sự tồn tại của đất nước cũng là sự tồn tại của ta và chính sự hiện hữu của tất cả chúng ta làm nên sự hiện hữu của đất nước. Hành động “cầm tay” là một hành động mang tính biểu tượng. Nhờ hành động đó, đất nước mới có được sự “hài hoà nồng thắm”, mới trở nên “vẹn tròn to lớn”.

c. Đất nước qua những nỗ lực vun đắp đầy trách nhiệm của nhiều thế hệ nối tiếp nhau

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

– Ba câu tiếp theo của đoạn thơ vừa đẩy tới những nhận thức – tình cảm đã được triển khai ở phần trên, vừa đưa ra những ý tưởng có phần “lạ lẫm”: Mai này con ta lớn lên/ Con sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng. Thực chất, đây là một cách biểu đạt đầy hình ảnh về vấn đề: chính thế hệ tương lai sẽ đưa đất nước lên một tầm cao mới, có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

=> Quá trình hình thành và phát triển của đất nước luôn gắn với nỗ lực vun đắp đầy trách nhiệm cho cộng đồng của rất nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mà thế hệ của chúng ta chỉ là một mắt xích trong đó.

c. Đất nước là sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng động, giữa thế hệ này với thế hệ khác

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…

Cảm xúc được đẩy tới cao trào, nhân vật trữ tình thốt lên với niềm xúc động: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ/Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên Đất Nước muôn đời…

– Những câu thơ mang sắc thái mệnh lệnh với sự lặp lại cụm từ “phải biết”. Nhưng đây là mệnh lệnh của trái tim, của tình cảm gắn bó thiết tha với đất nước.

d. Đất nước trong mối quan hệ thân thiết với mỗi cá nhân được thể hiện qua hình thức nghệ thuật mới mẻ – xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng

– Thể thơ tự do phù hợp với tình cảm và mạch suy nghĩ.

– Các câu thơ có vần nhịp, không gò bó mà linh hoạt biểu thị cho tiếng nói đối thoại giữa anh và em nhưng thực chất lại là lời tự nhủ chân thành tha thiết.

– Từ “Đất Nước” được lặp lại sáu lần và được viết hoa biểu thị sự tôn kính, thiêng liêng của nhà thơ và của thế hệ trẻ đối với đất nước.

III. Kết bài

– Cách bày tỏ tình yêu nước của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này thật độc đáo, nhưng quan trọng hơn là vô cùng chân thật. Điều đó đã khiến cho cả đoạn thơ, cũng như toàn bộ chương thơ đã được bao người đồng cảm, chia sẻ, xem là tiếng lòng sâu thẳm nhất của chính mình.

– Đọc đoạn thơ, ta vừa được bồi đắp thêm những nhận thức về lịch sử, vừa được thuyết phục về tình cảm để từ đó biết suy nghĩ nghiêm túc về sự gắn bó thân thiết, trách nhiệm của mình đối với đất nước.

– Đoạn thơ giàu chất chính luận mà không khô khan, trái lại chất trữ tình vẫn lan tỏa trong từng câu chữ. Nguyễn Khoa Điềm đã kết hợp nhuần nhị cảm xúc với suy nghĩ, trữ tình với chính luận => Phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *