Chuyện người con gái Nam Xương – “Hạnh phúc mong manh và ngắn ngủi như kiếp sống của đóa phù dung…”

I – Mở bài:

– Dẫn dắt, trích dẫn yêu cầu của đề bài.

II – Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận xét:

– Nhận định của nhà phê bình Đồng Thị Sáo đã đề cập đến hạnh phúc. Đó là một khái niệm trừu tượng. Mỗi người có những cách cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Song có thể hiểu hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà con người thoả mãn những ước mơ, hy vọng của mình.

– Hạnh phúc mong manh và ngắn ngủi: Hạnh phúc không tồn tại bền vững, không tồn tại lâu dài. Nó chỉ thoáng qua trong cuộc đời con người rồi tan vỡ nhanh chóng.

2. Chứng minh nhận định:

– Nhận định trên là đúng, vì “ Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ kể về người phụ nữ nhan sắc, đức hạnh nhưng cuộc đời của nàng lại không được hưởng niềm hạnh phúc lâu dài, bền vững.

– Niềm hạnh phúc của Vũ Thị Thiết trong cuộc sống dương thế thật mong manh, ngắn ngủi:

+ Vũ Thị Thiết tên thường gọi là Vũ Nương. Người con gái đẹp người, đẹp nết nhưng lại lấy phải Trương Sinh người chồng ít học, đa nghi. Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Vũ Nương không được quyền tự quyết định hạnh phúc của mình.

+ Cuộc sum vầy chưa được bao lâu Trương Sinh phải lên đường tòng quân. Vũ Nương chưa được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn đã phải sớm sống trong cảnh chia li.

+ Những ngày vắng chồng Vũ Nương chỉ chiếc bóng của mình trên tường nói là cha Đản- đây là cách nói sơn cùng thủy tận về chữ “đồng” trong đạo vợ chồng. Vậy mà đời Vũ Nương tan nát hạnh phúc lại bắt đầu từ đấy.

+ Bé Đản – ngây thơ, trong trắng lầm tưởng cái bóng của mẹ là cha thật của mình- bé hoàn toàn vô tội nhưng lại là tác nhân trực tiếp gây ra sự tan nát hạnh phúc của cuộc đời người mẹ thân yêu của nó.

+ Cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm mẹ của Vũ Nương thật ngắn ngủi. Trương Sinh trở về tưởng rằng nàng sẽ được hưởng niềm vui hạnh phúc sum họp bên chồng con, gia đình. Nhưng Trương Sinh vì ghen tuông mù quáng nên chàng đã nghe lời con trẻ nghi oan cho Vũ Nương. Trương Sinh đã mắng nhiếc, đánh, đuổi Vũ Nương đi, buộc nàng phải tìm đến cái chết. Trương Sinh là một kẻ giết vợ vô tình và tự tàn phá niềm hạnh phúc mong manh của gia đình.

+ Nguyên nhân của niềm hạnh phúc mong manh, ngắn ngủi: Nguyên nhân trực tiếp là lời nói hồn nhiên vô tư của đứa con, là tính đa nghi, hay ghen của anh chồng Trương Sinh; nguyên nhân sâu xa là do chiến tranh phong kiến và chế độ nam quyền đã cướp đi quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ. Đó chính là giá trị hiện thực của truyện.

– Niềm hạnh phúc của Vũ Thị Thiết trong cuộc sống ở thuỷ cung cũng mong manh, chỉ là ảo ảnh.

+ Sau khi gieo mình xuống bến Hoàng Giang, Vũ Nương được các nàng tiên rẽ một được nước đưa xuống thuỷ cung sống sung sướng. Vũ Nương ngồi trên kiệu hoa giữa dòng nói những lời từ biệt với Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết kì ảo tạo một kết thúc có hậu cho câu chuyện, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng. Nhưng hạnh phúc đó cũng chỉ mong manh, hư vô không có thật trong cuộc đời.

+ Những yếu tố kì ảo, hoang đường về cuộc sống sung sướng, hạnh phúc của Vũ Nương ở thuỷ cung vừa thể hiện giá trị nhân đạo vừa thể hiện giá trị hiện thực.

– Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã gửi đến chúng ta một bức thông điệp có được hạnh phúc gia đình đã khó, gìn giữ hạnh phúc hạnh phúc ấy càng khó hơn. Nếu ta không biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ hạnh phúc thì hạnh phúc thật mong manh, ngắn ngủi.

III – Kết bài:

+ Khẳng định lại vấn đề.

+ Rút ra bài học liên hệ.

Bài văn tham khảo

Số phận oan nghiệt, bất hạnh của nàng Vũ Nương cũng chính là số phận đau thương của biết bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhà phê bình Đồng Thị Sáo đã xót xa cho thân phận Vũ Nương mà viết rằng: “Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như như kiếp sống của đóa phù dung sớm nở, tối tàn.” Quả thực, nàng luôn phải khép nép để gìn giữ hạnh phúc gia đình, cô đơn đợi chờ chồng đến thổn thức, thay Trương Sinh gánh vác mọi việc trong nhà. Và đớn đau hơn cả là chỉ vì một lời nói vu vơ của con trẻ mà đành nghi oan cho nàng, tàn nhẫn để nàng phải tìm đến cái chết để chứng minh tiết hạnh. Bi kịch của nàng đã vượt ra ngoài phạm vi gia đình, là một trong muôn vàn oan khốc trong xã hội đầy “ung nhọt” rẻ khinh thân phận người phụ nữ. Sống trong xã hội phong kiến đầy rẫy oan trái, bất công, người phụ nữ với số phận bèo bọt, mong manh không thể làm chủ cuộc đời của mình. Đó là thân phận người phụ nữ bấp bênh, trôi nổi như chiếc thuyền gỗ bách trong “Tự tình 1” của Hồ Xuân  Hương:

“Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh”

Họ phải chịu số phận long đong, trôi nổi, không thể tự quyết định cuộc đời của mình! Ngang tàng, cứng cỏi như Hồ Xuân Hương, đấu tranh không mỏi mệt nhưng có lúc phải buột miệng ao ước: “Ví đây đổi phận làm trai được”. Muốn đổi phận con trai vì phận đàn bà sao mà chua chát, đớn đau!

Đó cũng là số phận bạc mệnh của Thúy Kiều trải qua mười lăm năm đoạn trường. Chính Nguyễn Du đã khái quát thân phận người phụ nữ:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Hay
“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”

Đó là suy nghĩ của một ngòi bút nhân đạo về thân phận người phụ nữ. Đó là một tiếng kêu xé lòng thấm đầy nước mắt của Nguyễn Du khi trải qua “những điều trông thấy”. Đó không chỉ bao hàm ý xót thương mà còn là lời tố cáo đanh thép sự tàn bạo của chế độ phong kiến suy đồi, một xã hội như “vực thẳm đời nhân loại” chỉ thấy “bóng tối đùn ra trận gió đen”. Lời nhận xét ấy như chính tâm huyết tác giả trào ra đầu ngọn bút, nhận xét bằng con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *