Dẫn chứng liên hệ mở rộng tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

1. Tác giả, tác phẩm

– “Cây đại thụ cuối cùng của lớp tác giả văn xuôi thời kì cách mạng” (Hà Minh Đức)

– “Bản chất văn chương Tô Hoài là phong cách bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phong cách ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và con người nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” (Hà Minh Đức)

– “Đất và người miền Tây đã để thương, để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi” (Tô Hoài)

2. Danh phận “con dâu gạt nợ” của Mị khiến ta liên tưởng tới thân phận “vợ nhặt” của thị trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kim Lân.

– Đó đều là danh phận của những người vợ, người con dâu bất hạnh. Nếu như cuộc hôn nhân của Tràng và thị tuy không mâm cao cỗ đầy, tuy rất đỗi kì quặc vì chỉ bằng một lời chòng ghẹo vu vợ với bốn bát bánh đúc là “nên vợ nên chồng”. Dẫu vậy, suy cho cùng cuộc hôn nhân ấy còn được xuất phát từ sự tự nguyện của người phụ nữ (dù là cùng đường) và sự đồng thuận của người đàn ông (dù rằng sự đồng thuận ấy chi là “cái tặc lưỡi: “Chậc, kệ!”). Thì cuộc hôn nhân của Mị lại diễn ra do món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ để lại, sự ép gả vô nhân đạo của gia đình thống lí, do sự lừa lọc của A Sử – người mà sau này Mị phải gọi làm chồng.

– Không chỉ vậy, nếu như trong tác phẩm “Vợ nhặt” chuyện nhặt được vợ của Tràng tuy được diễn ra trong khoảng không gian vẫn lên mùi chết chóc nhưng vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình người, của khát vọng sống, khát vọng hồi sinh. Thì cuộc hôn nhân của Mị tuy diễn ra vào đêm tình mùa xuân thấm đẫm chất thơ của Tây Bắc nhưng cuộc hôn nhân ấy lại đưa cô vào chốn “địa ngục trần gian”
=> Có thể thấy, dẫu đều là những con người nghèo khổ, bất hạnh song số phận của Mị có lẽ còn chua chát, cùng cực hơn thị rất nhiều lần.

3. Căn buồng Mị nằm

– gian ngục thất tinh thần giam hãm cuộc sống, khóa chặt tuổi xuân của Mị khiến ta nhớ tới Lầu Ngưng Bích – nơi giam hãm, chôn vùi tuổi thanh xuân của Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” (Nguyễn Du):

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”

Mặc dù cùng bị giam hãm thế nhưng, nếu Thúy Kiều còn được giam hãm trong một khoảng không gian rộng rãi, thoáng đãng, bao la, bát ngát thì Mị lại bị giam hãm trong căn phòng chật hẹp, tù túng, nó đen tối như chính cuộc đời của Mị, nó làm Mị dần mất hết những ý niệm về không gian, thời gian về cả sự giao tiếp với mọi người.

4. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở Hồng Ngài:

– Buổi sớm mùa xuân tinh khôi trong thơ Nguyễn Du:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Truyện Kiều)

– Buổi chiều mùa xuân chứa chan cảm xúc trong thơ Huy Cận:
“Kề bên đường tạnh
Cỏ mọc xanh non Chiều xuân tươi mạnh Gió bay vào hồn”
(Chiều xuân)
=> Nếu như Nguyễn Du và Huy Cận tập trung miêu tả cảnh ngày xuân với không gian vắng vẻ, thanh tịnh, tập trung vào vẻ đẹp tinh khôi, tinh khiết, đầy sức sống với sắc xanh là chủ đạo thì mùa xuân trong “Vợ chồng A Phủ” lại vừa rực rỡ sắc màu, vừa rộn rã âm thanh.

5. Tiếng sáo đêm xuân

– Ý nghĩa của tiếng sáo: Nhà thơ Herman Hesse đã từng viết:

“Tiếng sáo hắt hiu giãi tơ đêm trường

Những bí ẩn sâu xa nơi trần thế

Tháng năm trôi bỗng hiện về lặng lẽ

Tiếng sáo u hoài lòng lữ khách bâng khuâng”

Vâng! Tâm hồn con người tự muôn đời nay vẫn thường tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc. Có lẽ cũng bởi thế mà đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây Bắc thì âm thanh tiếng sao chính là điệu hồn, là tiếng lòng của họ…(phân tích ý nghĩa lời ca tiếng sáo)

– Âm thanh tiếng sáo – âm thanh của sự hồi sinh đã khiến ta liên tưởng tới hình ảnh bát cháo hành – hương vị của sự thức tỉnh trong tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao). Nếu bát cháo hành do Thị Nở mang đến đã nhắc nhớ Chí về một thời quá khứ đớn đau với nỗi bất hạnh khi bị ruồng bỏ, thôi thúc Chí phản kháng với hiện thực để hoàn lương. Thì âm thanh tiếng sáo lại khiến Mị thổn thức về một thời quá khứ đã qua đi, tiếng sáo gọi về phần thanh xuân tươi đẹp nhất, thôi thúc Mị sửa soạn đi chơi và rồi ngay cả khi bị trói đứng, âm thanh tiếng sáo vẫn chập chờn trong đầu người đàn bà bất hạnh ấy. Có thể nói, trong cuộc sống đôi khi những âm thanh, những hương vị vô cùng giản dị đời thường nhưng cũng đủ khiến cho người ta khôn nguôi khắc khoải về một thời đã xa. Tiếng sáo đêm xuân chính là một trong những âm thanh có sức lay động lòng người như thế.

6. Khát vọng sống của Mị trong đêm tình mùa xuân (Khi bị trói đứng) – Khát vọng sống của nhân vật Liên trong “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam)

– Mị: Bị trói đứng nhưng vẫn im lặng và dường như không biết mình đang bị trói, Mị quên hết những đau đớn về thể xác, trái tim Mị vẫn theo âm thanh tiếng sáo vọng lại từ nơi xa, tâm hồn Mị vẫn đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.

– Liên: Là một cô gái sống trong đói khổ nhưng tâm hồn vẫn luôn hướng về cuộc sống tươi đẹp, luôn khát khao hướng về phía rực rỡ ánh sáng, rộn rã âm thanh, chờ đợi con tàu từ Hà Nội về với niềm tin về một thế giới khác tươi đẹp hơn, đáng sống hơn.
=> Suy cho cùng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì lòng ham sống, khát vọng hướng về một cuộc sống sáng tươi vẫn luôn là khát vọng lớn lao nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

7. Ý nghĩ: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa…”

Bài thơ “Chọn” (Văn Cao):

“Giữa sự sống và sự chết

Tôi chọn sự sống

Để bảo vệ sự sống

Tôi chọn sự chết”
=> Suy cho cùng, muốn chết tức là còn muốn được sống nhưng phải được sống một cuộc sống cho đáng sống.

8. Sự hồi sinh (sức sống tiềm tàng) của Mị

“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt” (“Cảm nghĩ về truyện “Vợ chồng A Phủ”” _ Tô Hoài)

9. Kết thúc của tác phẩm

– Hành động cắt dây trói cứu A Phủ và bỏ trốn của Mị khiến ta liên tưởng tới hành động giết Bá Kiến rồi tự sát của Chí Phèo. Cả hai hành động đều thể hiện sự thức tỉnh, sự hồi sinh sức sống tiềm tàng của người dân lao động bị áp bức, tố cáo XH đương thời. Tuy nhiên, hành động của nhân vật Mị thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức của người nông dân miền núi, họ không cam chịu cuộc sống nô lệ nữa mà sẵn sàng vùng lên giải phóng đồng loại, giải phóng chính mình để tự làm chủ cuộc đời. Còn hành động giết Bá Kiến và tự sát của Chí Phèo lại thể hiện sự bế tắc, luẩn quẩn trong cuộc đời, số phận của người nông dân lao động trước Cách mạng tháng 8/ 1945.
– Kết thúc của “Vợ chồng A Phủ” đồng thời cũng nhắc người đọc nhớ tới kết thúc trong tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân). Cả 2 tác phẩm đều đã mở ra một tương lai tươi sáng cho người nông dân, đều đã hướng họ tới ánh sáng của niềm tin, của lòng lạc quan. Bởi lẽ cả Tô Hoài và Kim Lân đều là những nhà văn cách mạng. Họ được lí tưởng cộng sản soi sáng nên nhìn thấy được sức mạnh tiềm tàng trong những người dân lao động, họ cũng đã nhìn ra được hướng đi, hướng giải phóng cho người nông dân. Đây chính là nét mới mẻ trong nhận thức tư tưởng của Tô Hoài và Kim Lân so với các nhà văn thời kì trước đó.

? Xem thêm:

  • Phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
  • Phân tích Vợ chồng A phủ để làm sáng tỏ “Truyện là bức tranh chân thực về số phận đau khổ của đồng bào dân tộc miền núi dưới chế độ phong kiến chúa đất”
  • Chi tiết “nắm lá ngón” trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
  • Chi tiết “căn buồng Mị nằm” trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài
  • Chi tiết tiếng sáo trong “Vợ chồng A Phủ”
  • Tình cảm của Tô Hoài với nhân dân Tây Bắc qua hình tượng nhân vật Mỵ
  • Dẫn chứng liên hệ cho các tác phẩm Ngữ văn 12
  • Liên hệ mở rộng bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
  • Liên hệ mở rộng Tuyên ngôn độc lập
  • So sánh, liên hệ mở rộng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
  • So sánh, liên hệ mở rộng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
  • So sánh, liên hệ mở rộng tác phẩm Vợ nhặt – Kim Lân
  • So sánh liên hệ mở rộng tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân
  • So sánh liên hệ mở rộng “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *