Chuyện con lừa
Ngày nọ, có con lừa sảy chân ngã xuống giếng bỏ hoang. Sau nhiều giờ, bác nông dân vẫn không nghĩ được cách để cứu nó lên. Ông nghĩ rằng dù sao lừa cũng đã già và giếng cũng cần phải lấp, ông bèn nhờ hàng xóm đến, mỗi người cầm xẻng xúc đất đổ vào giếng. Nhận ra sự thật phũ phàng, con lừa rên rỉ thảm thiết. Sau khi hứng xẻng đất đầu tiên, nó nhìn lên với đôi mắt đầy ai oán. Chỉ đến khi đất ngập gần hết chân, nó mới bừng tỉnh. Mọi người chăm chú nhìn xuống giếng, họ kinh ngạc trước những gì đang diễn ra. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng, con lừa lại lắc cho đất rơi xuống chân và bước lên lớp đất ấy. Chẳng bao lâu, chú lừa đã bước lên miệng giếng, mệt nhọc chạy ra ngoài trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Ý nghĩa câu chuyện: Đừng dễ dàng từ bỏ, hãy tìm kiếm cơ hội từ khó khăn. Hết mình cố gắng khi gặp hoạn nạn, chỉ cần bạn có đủ ý chí nghị lực, chắc hẳn bạn sẽ thành công.
Hai biển hồ
Ở Palestin có hai biển hồ, biển hồ thứ nhất là biển Chết không có sự sống nào ở bên trong cũng như xung quanh nơi này. Biển hồ thứ hai là Galilê, đây là một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch, nước ở đây lúc nào cũng trong xanh mát rượi, vườn cây cũng tốt tươi nhờ nguồn nước này. Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ trên đều nhận nguồn nước từ sông Jordan, khi nước sông chảy vào biển Chết, nó đón nhận và giữ lại cho riêng mình mà không sẻ chia nên nước ở biển Chết rất mặn. Trái lại, biển hồ Galile đón nhận nguồn nước rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông rạch, nhờ vậy nước trong biển hồ luôn sạch và mang lại sự sống cho muôn loài.
Ý nghĩa câu chuyện: Chỉ khi đôi môi hé mở ta mới có thể thu nhận được nụ cười, chỉ khi bàn tay có trao ban thì tâm hồn mới ngập tràn vui sướng. Những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình thì “sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn đi như nước trong lòng biển Chết.
Chuyện 2 chiếc bình
Có một người gánh nước mang hai chiếc bình ở hai đầu đòn gánh, một trong số đó có vết nứt nên ngày nào anh cũng chỉ mang một bình rưỡi nước về nhà. Chiếc bình nguyên vẹn rất tự hào về thành tích của nó. Tội nghiệp chiếc bình nứt, nó xấu hổ về khuyết điểm của mình. Ngày nọ, nó lên tiếng với anh: “Con thật xấu hổ vì vết nứt bên hông làm rít mất nửa bình nước dọc đường về nhà”. Người nọ trả lời: “Con không thấy chỉ bên đường của con mới có hoa mọc à? Đó là vì ta biết được khuyết điểm của con nên đã gieo hạt hoa dọc đường và chính con đã tưới nước cho chúng. Hai năm nay, nếu không nhờ có con thì trong nhà mình đâu thường xuyên có hoa đẹp để thưởng thức như vậy?“
Ý nghĩa câu chuyện: Đừng vì khuyết điểm của bản thân mà thu mình hay tự ti, hãy tìm kiếm điểm mạnh từ sâu bên trong nội tại. Học cách biến thách thức thành cơ hội, vì bạn sẽ không ngờ rằng có một ngày những điều tuyệt vời lại được ươm mầm từ đó mà ra.
Ngọn đèn và người mù
Có một người mù đi trên một con đường tối, trên tay lại cầm theo một chiếc đèn lồng. Một người thấy thế liền hỏi:
– Ông có thấy đường đâu mà cầm chiếc đèn lồng làm gì?
Người mù liền mỉm cười lời:
– Tôi cầm theo chiếc đèn này là để người khác không đâm sầm vào tôi. Làm vậy có thể giữ an toàn cho bản thân mình.
Ý nghĩa câu chuyện: Để tồn tại trên đời, mỗi người luôn phải tự trang bị cho mình nhiều kĩ năng, và một trong số những kĩ năng ấy chính là sự chủ động lường trước mọi việc diễn ra, để từ đó tránh được những rủi ro không đáng có.
Câu chuyện về 2 hạt lúa
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,…
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
Ý nghĩa câu chuyện: Nếu tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân bạn sẽ trải qua một cuộc sống vô nghĩa, đánh mất giá trị của bản thân. Vì vậy, hãy biết dấn thân chấp nhận những thử thách, can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để sống có ý nghĩa hơn, đóng góp những giá trị hữu ích cho xã hội.
Con cáo và chùm nho
Một chiều nọ, chú cáo đang dạo chơi trong rừng thì phát hiện ra chùm nho treo lơ lửng trên cành cây cao. Cáo ta thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép, chú nghĩ: “Thứ này sẽ làm dịu cơn khát của mình đây”. Lùi lại vài bước, chú cáo phóng người lên nhưng không hái được chùm nho. Một lần nữa, chú cáo lại tiếp tục cố gắng để hái chùm nho nhưng vẫn thất bại. Ngay sau đó, Cáo ta bỏ cuộc, hếch mũi lên và nói: “Dù gì thì cũng chỉ là những trái nho chua mà thôi”, rồi cứ thế bỏ đi.
Ý nghĩa câu chuyện: Thật dễ dàng để coi thường những gì bạn không thể có được, nhưng trên thực tế thì chỉ vì khả năng của bản thân có giới hạn, không thể đạt được nên phải dùng những suy nghĩ tiêu cực để lấp liếm, biện minh. Phê phán thói hư, tật xấu của con người.
Con bướm và cái kén
Người nọ tìm thấy một cái kén và con sâu bướm đang cố gắng để chui ra. Anh quan sát suốt hàng giờ thì thấy dù phải vật lộn vất vả thì nó vẫn chỉ tạo ra một chiếc lỗ nhỏ. Rồi nó dừng lại vì kiệt sức. Anh quyết định giúp nó bằng cách dùng kéo cắt cho lỗ trên chiếc kén rộng hơn. Sau đó, nó đã thoát ra khỏi kén nhưng cơ thể vô cùng yếu ớt, đôi cánh rúm ró lại. Người nọ vẫn ở đó, chờ cho đôi cánh bướm dang rộng để bay lên nhưng điều đó không xảy ra. Nó sẽ chỉ sống bằng cách bò với đôi cánh rúm ró. Dù người nọ có lòng tốt nhưng anh ta không hiểu quy luật tự nhiên. Chỉ có tự mình nỗ lực thoát khỏi cái kén, chất lỏng trong cơ thể mới chuyển sang đôi cánh, giúp sâu bướm có thể bay tự do.
Ý nghĩa câu chuyện: Cuộc chiến với cuộc sống giúp chúng ta phát triển sức mạnh. Không đấu tranh, chúng ta không bao giờ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Tự mình giải quyết các vấn đề, không dựa dẫm vào người khác là điều rất quan trọng để bạn có thể vững vàng trong cuộc sống.
Tảng đá cản đường
Một ngày nọ, có vị vua đặt một tảng đá lớn trên đường và quan sát xem có ai dời tảng đá ấy đi hay không. Có vài cận thần bắt gặp nhưng họ chỉ đi vòng qua tảng đá đó. Cũng có nhiều người chỉ trích nhà vua vì không giữ cho đường xá thông thoáng nhưng không một ai có hành động gì để dời tảng đá đi. Sau đó, có một người nông dân vác rất nhiều rau cải đi tới, khi gặp phải tảng đá, anh đặt gánh rau cải xuống và đẩy tảng đá đó ra khỏi đường. Khi người nông dân quay lại nhấc gánh rau lên thì thấy một túi vàng nằm tại vị trí của tảng đá ban nãy và một tờ giấy từ đức vua, rằng số vàng này dành cho người nào có công dời tảng đá ra khỏi đường đi.
Ý nghĩa câu chuyện: Mỗi chướng ngại vật ta gặp phải trong đời đều mang tới cơ hội để ta cải thiện hoàn cảnh của bản thân. Trong khi những người này lười biếng sẽ than phiền, thì những người khác lại sáng tạo, tìm ra cơ hội mới bằng một trái tim quả cảm, bằng tinh thần sẵn sàng tiến lên.