ĐỀ ĐỌC HIỂU SỐ 1
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Cả hai câu đầu đều không có chủ ngữ, khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái, tưởng chừng như đang cùng cô gái đi thăm đồng, đang cùng cô “đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…” và ngược lại. Nhờ vậy mà cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên và ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận và nói lên điều đó”.
(Vẻ đẹp của một bài ca dao, Hoàng Tiến Tựu)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên ?
Câu 2. Theo tác giả, việc hai câu đầu của bài ca dao không có chủ ngữ đem lại hiệu quả nghệ thuật như thế nào?
Câu 3. Nội dung của đoạn văn trên?
Câu 4. Qua văn bản chứa đoạn văn, em hãy rút ra bài học gì về cách cảm nhận một tác phẩm trữ tình?
Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận
Câu 2.Theo tác giả, việc hai câu đầu của bài ca dao không có chủ ngữ đem lại hiệu quả nghệ thuật sau:
- Khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái.
- cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên.
ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận và nói lên điều đó
Câu 3. Nội dung của đoạn văn: Ý kiến của tác giả về vẻ đẹp của hai câu đầu bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng……” là ở cấu trúc hai câu không có chủ ngữ.
Câu 4. Qua văn bản chứa đoạn văn, em hãy rút ra bài học về cách cảm nhận một tác phẩm văn học:
- Cần phải có sự tìm tòi, phát hiện ra những vẻ đẹp mới mẻ của tác phẩm trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Muốn thế, phải trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết về văn chương, phải chăm chỉ đọc sách báo…
- Phải hiểu được đặc trưng thể loại của tác phẩm
- Hiểu được tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm
ĐỀ ĐỌC HIỂU SỐ 2:
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Nếu như hai câu đầu, cô gái đã phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự “bát ngát mênh mông”của nó, thì ở hai câu cuối, cô gái tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một “chẽn lúa đòng đòng” và liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” đang phất phơ trước làn gió nhẹ và “dưới ngọn nắng hồng ban mai” mới đẹp làm sao! Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” tượng trưng cho cô gái đến tuổi dậy thì căng tràn sức sống. Hình ảnh “ngọn nắng” thật độc đáo. Có người cho rằng đã có “ngọn nắng” thì phải có “gốc nắng” và cái “gốc nắng” đó chính là Mặt Trời vậy.
(Vẻ đẹp của một bài ca dao, Hoàng Tiến Tựu)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn văn?
Câu 2 Từ ngọn trong “ngọn nắng” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Em hãy lấy ba từ trong tiếng Việt cũng có cách dùng từ ngọn tương tự?
Câu 3. Xét về mục đích nói, câu: “Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” đang phất phơ trước làn gió nhẹ và “dưới ngọn nắng hồng ban mai” mới đẹp làm sao!”dùng để bộc lộ cảm xúc trực tiếp hay gián tiếp của người viết? Dấu hiệu nào để em nhận biết điều đó?
Câu 4. Tác giả đã gửi gắm tình cảm gì với bài ca dao được phân tích?
Câu 5. Viết theo trí nhớ một bài ca dao cùng chủ đề với bài ca dao được phân tích trong đoạn văn.
Gợi ý trả lời
Câu 1. Các phương thức biểu đạt của đoạn văn: nghị luận, kết hợp biểu cảm, miêu tả.
Câu 2. Từ ngọn trong “ngọn nắng” được dùng theo nghĩa chuyển.
Ba từ trong tiếng Việt cũng có cách dùng từ ngọn tương tự: ngọn khói, ngọn gió, ngọn sóng
Câu 3. Xét về mục đích nói, câu: “Hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” đang phất phơ trước làn gió nhẹ và “dưới ngọn nắng hồng ban mai” mới đẹp làm sao!”dùng để bộc lộ cảm xúc trực tiếp của người viết. Dấu hiệu mà em nhận biết đó là: có từ bộc lộ cảm xúc “làm sao” và dấu chấm cảm kết thúc câu.
Câu 4. Tác giả đã gửi gắm tình cảm của mình với bài ca dao được phân tích: yêu mến, gắn bó, tự hào.
Câu 5. HS viết được một bài ca dao thuộc chủ đề tình yêu quê hương đất nước đầy đủ là được.
ĐỀ ĐỌC HIỂU SỐ 3
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“ Bài ca dao gây ấn tượng đặc biệt ngay từ những dòng thơ đầu. Những dòng thơ này khác dòng thơ bình thường, được kéo dài tới 12 tiếng. Không những, hai dòng thơ lại dùng nhiều biện pháp tu từ như phép đối xứng (“đứng bên ni đồng- Đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát- bát ngát mênh mông”), điệp từ, điệp ngữ…Rồi những từ chỉ vị trí, địa điểm hồn nhiên, mộc mạc, đầy màu sắc địa phương. Tất cả gợi ra sự rộng dài to lớn của cánh đồng. Ngắm nhìn ở phía nào cũng thấy cánh đồng mênh mông vô tận. Ngường ngắm cảnh hay người đi thăm đồng hết “đứng bên ni” lại “đứng bên tê”, thay đổi vị trí quan sát như muốn ôm trọn cả cánh đồng vào đôi mắt. Cánh đồng không chỉ rộng lớn mênh mông mà còn rất đẹp, trù phú, đầy sức sống”
(Trích Về bài ca dao Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…- Bùi Mạnh Nhị )
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên ?
Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những đặc sắc gì về nghệ thuật ở hai câu đầu của bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”?
Câu 3. Bài viết đã thể hiện cảm xúc gì của tác giả khi đọc bài ca dao?
Câu 4. Qua văn bản chứa đoạn văn, em hãy rút ra bài học gì về cách cảm nhận một tác phẩm trữ tình?
Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận
Câu 2.Tác giả đã chỉ ra những đặc sắc về nghệ thuật ở hai câu đầu của bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”:
- dòng thơ khác dòng thơ bình thường, được kéo dài tới 12 tiếng.
- dùng nhiều biện pháp tu từ như phép đối xứng (“đứng bên ni đồng- Đứng bên tê đồng, mênh mông bát ngát- bát ngát mênh mông”), điệp từ, điệp ngữ..
- dùng những từ chỉ vị trí, địa điểm hồn nhiên, mộc mạc, đầy màu sắc địa phương.
ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận và nói lên điều đó
Câu 3. Bài viết đã thể hiện cảm xúc của tác giả khi đọc bài ca dao:
– Tác giả viết về bài ca dao bằng cảm xúc rất chân thật nên dễ dàng tạo sự đồng điệu với người đọc.
– Bài viết chứa đựng cảm xúc và tình yêu văn học dân gian, tình yêu quê hương của tác giả Bùi Mạnh Nhị.
Câu 4. Qua văn bản chứa đoạn văn, em hãy rút ra bài học về cách cảm nhận một tác phẩm văn học:
- Cần phải có sự tìm tòi, phát hiện ra những vẻ đẹp mới mẻ của tác phẩm trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Cần có cảm xúc chân thành, biết xúc động về vấn đề.
- Muốn thế, phải trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết về văn chương, phải chăm chỉ đọc sách báo…
- Phải hiểu được đặc trưng thể loại của tác phẩm.
- Hiểu được tư tưởng, tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm.