Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa”
Tôi là một người thanh niên sống và làm việc tại đỉnh Yên Sơn – nơi có độ cao hai nghìn sáu trăm mét. Chắc mọi người cũng thắc mắc tôi làm gì ở nơi cao thế này. Tôi làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Một mình ở nơi lặng lẽ Sapa này buồn lắm, “thèm người quá” nên tôi tìm cách để gặp gỡ mọi người mỗi khi đi qua đây. Và một lần trong số đó tôi đã quen được bác tài xế, ông họa sĩ, cô kĩ sư để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi.
Khi tôi mới lên công tác chưa quen nên rất muốn gặp gỡ mọi người. Tôi bền lăn khúc gỗ ra giữa đường xem có xe nào đi qua không.Ngay sau đó, một chiếc xe đi lên, thấy khúc gỗ chắn ngang đường liền dừng lại gọi mọi người xuống đẩy bỏ đi. Tôi lao ra bảo mọi người cùng đẩy bỏ. Đẩy xong một bác tài xế ra hỏi: “Ai đã đẩy khúc gỗ ra giữa đường đấy”. Tôi ngại quá, đỏ mặt, tôi bảo với họ rằng tôi mới lên công tác chưa quen nên nghĩ ra cách này để gặp gỡ mọi người. Thế là tôi đã quen với bác tài xế và bác hứa với tôi rằng mỗi tháng có chuyến xe qua sẽ dừng lại cho tôi nói chuyện, làm quen với mọi người. Lúc đó, tôi rất sung sướng và chỉ mong một tháng trôi qua thật nhanh.
Trong những ngày công tác, chán quá tôi liền tự tìm thú vui cho mình. Không chỉ dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, tôi trồng hoa, trồng cây thuốc quý, đọc sách. Và chính những thứ này tôi đã gây cảm tình với ông họa sĩ già và cô kĩ sư.
Lần đó, bác tài xế đã giới thiệu cho tôi hai người đó, họ có ba mươi phút tôi bèn dẫn họ lên thăm nhà. Tôi hái thật nhiều hoa để tặng cô kĩ sư, cô ấy rất thích. Rồi tôi giới thiệu qua công việc của mình cho cô kĩ sư và ông họa sĩ nghe. Tôi đưa họ vào trong nhà. Ông họa sĩ ngạc nhiên khi ở cái nơi “lặng lẽ Sa Pa” này tưởng tôi ở một mình thì mọi thứ chắc bề bộn lắm. Ấy vậy mà ông lại thấy căn phòng của tôi quá ngăn nắp. Cô kĩ sư ra tủ sách chọn lấy một quyển và ngồi đọc. Tôi và ông họa sĩ trò chuyện với nhau. Ông hỏi:
– Quê anh ở đâu thế?
– Quê cháu ở Lào Cai!
Dường như, càng nói chuyện thì ông họa sĩ càng thích tôi. Cuối cùng, ông ra quyết định sẽ vẽ chân dung tôi. Tôi ngượng lắm, liền từ chối mãnh liệt. Tôi cảm thấy tôi không xứng đáng để được vẽ, còn có nhiều người giỏi hơn tôi. Ông kĩ sư vườn rau, đồng chí nghiên cứu khoa học trên mảnh đất này, họ cũng là những nhân tài và rất xứng đáng để được phác họa chân dung. Nhưng ông đã bắt đầu phác thảo khuôn mặt của tôi, bằng vài nét, họa sĩ đã gần như ghi xong gương mặt của tôi.
Tôi nhìn đồng hồ và kêu lên:
– Trời ơi, chỉ còn năm phút!
Tôi giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Tôi chạy ra nhà phía sau, rồi vào liền, tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già
– Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!
Tôi kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, anh lấy chiếc khăn tay còn vo tròn giữa cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.
Chúng tôi tạm biệt nhau, ông họa sĩ già hứa sẽ lên thăm tôi một lần nữa.
Đến lượt cô kĩ sư. Cô chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Cô nhìn thẳng vào mắt tôi
– Chào anh.
Tôi đưa cho cô kĩ sư quyển sách và chiếc khăn mùi soa. Tôi nắm tay cô ấy, cả hai chúng tôi dường như đã cảm nhận được tình cảm của nhau.
– Cái này để ăn trưa cho bác, cho cô và bác lái xe.
Tôi tạm biệt họ, tôi nghĩ rằng bao giờ mới có thể gặp lại hai người này. Đặc biệt là cô gái. Và tôi cảm thấy dường như chính tôi và cô gái ấy đều thấy có cảm tình với nhau. Và tại nơi lặng lẽ Sapa này một tình yêu chớm nở giữa tôi và cô kĩ sư.
Tôi biết rằng câu chuyện giữa chúng tôi thật ngắn ngủi nhưng để lại trong mỗi mỗi chúng tôi: ông họa sĩ, tôi và cô ấy những cảm xúc không thể nào quên. Nơi mà tình người như cao cả hơn cả đất trời, nơi ấy tình yêu cũng đơm hoa kết trái và nơi ấy chúng tôi gọi là nơi lặng lẽ Sapa.
Đóng vai ông họa sĩ già kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa”
Một ngày mùa hè năm 1970, tôi có chuyến đi lên Lào Cai, trên chuyến xe ấy tôi cùng cô kĩ sư trẻ và bác lái xe trò chuyện vui vẻ. Qua lời giới thiệu của bác lái xe, chúng tôi được gặp gỡ một cậu thanh niên thú vị ở đất Sa Pa này.
Xe đến Sa Pa. Những rặng đào với những đàn bò lang cổ có đeo chuông đang thong thả gặm cỏ hai bên đường tô điểm cho vẻ yên bình của chốn này. Tôi đắm mình trước khung cảnh nơi đây. Những đám mây cuộn tròn từng cục, lăn khắp không gian như đang chơi đùa, những cây thông rung tít trong nắng. Lúc cho xe nghỉ dọc đường, bác lái xe quay sang tôi nói vội vã:
– Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Chắc chắn bác sẽ thích vẽ cậu ta.
Qua lời kể của bác lái xe, chúng tôi được biết cậu thanh niên ấy 27 tuổi, chưa gia đình, sống một thân một mình làm việc trên đài khí tượng đỉnh Yên Sơn. Cậu ta thường lấy cây chắn ngang đường để dừng xe lại kiếm cớ nói chuyện cho đỡ “thèm người”.
Bác lái xe vừa dứt lời thì người con trai ấy xuất hiện, đưa cho bác ấy củ tam thất:
– Hôm trước bác kể bác gái vừa ốm dậy. Nên cháu gửi bác gái củ tam thất để ngâm rượu.
Lần đầu gặp anh ta tôi có chút bối rối, tất cả đều nằm ngoài phỏng đoán của tôi. Trông anh thanh niên vóc người nhỏ nhắn, tươi cười rạng rỡ như chào đón khách quý. Dường như vì quá cô đơn và thèm người nên gặp được chúng tôi, anh vui như vớ được vàng. Cu cậu ngỏ lời mời chúng tôi xong thì chạy vội về nhà. Tôi cứ ngỡ cậu ấy về quét tước, dọn dẹp nhưng không phải. Khi vừa lên đến nơi, điều khiến tôi ngạc nhiên là cậu ấy đang cắt hoa để tặng cho cô kĩ sư. Cậu cười hiền:
– Bác lái xe chỉ cho cháu ba mươi phút thôi. Năm phút đã trôi qua. Cháu sẽ nói qua công việc của cháu trong năm phút, còn hai mươi phút mời bác và cô đây uống chè. Cháu thèm chuyện dưới xuôi lắm. Bác và cô cho cháu nghe chuyện nhé!
Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi cuốn lắm, chủ yếu là chuyện công việc của anh thanh niên. Anh ta kể say sưa, kể về hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng làm bạn với cỏ cây, công việc đo mưa, đo gió, đo nắng, tính mây,… phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Công việc khó khăn là vậy thế nhưng cậu ấy vẫn rất yêu nghề:
– Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia.
Thật nể phục khi người trẻ như cậu ta có thể yêu cái nghề tỉ mỉ và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao như thế. Ở chàng trai ấy toát lên sự cởi mở, chân thành. Chàng trai trẻ ấy đã khiến tôi phải suy nghĩ về những điều cậu nghĩ, cậu nói. Khao khát đơn giản chỉ là được gặp người, gần người, trò chuyện với mọi người.
Bắt gặp anh thanh niên, tôi như bắt gặp đúng đối tượng đang tìm kiếm, đôi tay tôi tự giác vẽ những nét khuôn mặt anh. Dù ngồi yên để tôi vẽ song cậu ấy vẫn khiêm tốn nói:
– Bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu sẽ giới thiệu với bác những con người đáng quý, đáng trân trọng hơn như ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa hay đồng chí nghiên cứu sét.
Rồi cậu kể tôi nghe về những con người đáng quý, đang cống hiến thầm lặng cho quê hương, đất nước.
Cũng may mà chỉ vài nét kí họa, tôi kịp ghi xong gương mặt của anh thanh niên. Mải nói chuyện với cậu thanh niên, đến đây tôi mới bất giác quay sang cô kĩ sư. Cô gái trầm ngâm như đang nghĩ ngợi điều gì khi nghe câu chuyện của anh thanh niên. Thế rồi chàng trai ấy giật mình nói to, đầy vẻ tiếc nuối:
– Trời ơi, chỉ còn năm phút!
Rồi cậu cẩn thận ấn cái làn trứng vào tay tôi và dặn dò:
– Cháu không có gì để tặng bác và cô. Lại sắp đến giờ “ốp” nên cháu không tiễn bác được. Giỏ trứng này bác cùng cô và bác lái xe dùng để ăn trưa ạ.
Ngay trong giờ phút chia tay, tôi đã nghĩ đến việc phải quay lại đây. Tôi muốn quay lại để hoàn thành nốt tác phẩm của mình cũng như để hiểu hơn về sự khắc nghiệt của cuộc sống, công việc mà anh thanh niên phải trải qua. Tôi sẽ mang những câu chuyện dưới xuôi lên đây để kể cho người con trai đáng mến ấy.
Đóng vai cô kỹ sư kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa”
Tôi là cô kĩ sư gốc Hà Nội, tôi chuẩn bị nhận công tác ở Lai Châu. Khi chuẩn bị nhận việc thì tôi có chút buồn, mọi thứ đều xa lạ, và nghe nói ở đây “buồn” lắm. Nhưng không, tôi đã lầm vì nơi đây có những con người vô cùng tuyệt vời, đáng để tôi học hỏi và suy nghĩ lại tất cả. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ với người thanh niên trên đỉnh Yên Sơn làm tôi xúc động hơn cả.
Trong chuyến xe lên Lào Cai hôm ấy, bác lái xe đã giới thiệu cho tôi và bác họa sĩ đi cùng anh thanh niên ấy, người làm việc đơn độc trên đỉnh Yên Sơn này. Khung cảnh ở đây thật đẹp, thật thơ mộng. Có những rặng đào với cả đàn bò lang. Khi tiếp xúc với anh thanh niên, được nghe anh kể về những người khác thì tôi đã hiểu thêm về cuộc sống ý nghĩa của những con người đang cống hiến thầm lặng cho đời.
Tôi vẫn còn nhớ giây phút được bác lái xe giới thiệu cho chúng tôi về anh thanh niên. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu, sống một mình trên đỉnh núi nên anh rất “thèm người”. Bác vừa nói xong thì anh xuất hiện. Vóc dáng nhỏ bé, nét mặt tràn đầy sức sống, là những gì toát lên qua cái nhìn của tôi về anh. Qua lời giới thiệu của bác lái xe, chúng tôi được anh mời lên nhà chơi. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi hiện ra trước mặt tôi là một vườn hoa. Nào hoa đơn, thược dược, nào hoa hồng…, đầy khắp vườn khiến tôi không còn e thẹn mà chạy ngay đến bên người con trai ấy. Anh trao cho tôi bó hoa và tôi cũng đón nhận bó hoa ấy một cách tự nhiên.
Anh giới thiệu về công việc của mình. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ cho sản xuất, chiến đấu. Anh kể rằng nửa đêm đang nằm trong chăn, phải chui ra khỏi chăn, ra vườn giữa khí trời lạnh buốt. Tôi thấy tội cho anh vô cùng. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình anh còn có một lối sống ngăn nắp mẫu mực.
Anh nói với chúng tôi rằng lúc chưa vào nghề, nhìn ngôi sao giữa bầu trời đen kịt, anh nghĩ mình như ngôi sao kia, lẻ loi một mình. Bây giờ vào nghề, anh mới thấy không phải vậy. Anh còn cho rằng công việc của anh gắn liền với bao công việc của anh em đồng chí dưới xuôi, Cất công việc đi, anh buồn đến chết mất. Anh tâm sự như đọc lại một điều suy nghĩ từ rất lâu. Bất giác anh giật mình khi thấy bác họa sĩ hí hoáy vẽ mình. Anh đã từ chối một cách khiêm tốn và giới thiệu cho ông những người xứng đáng được vẽ hơn. Tôi thấy được biết bao nét đẹp đáng quý hiện rõ trong con người anh. Và dù anh có ngăn cản, bác họa sĩ già vẫn vẽ được nhưng hơi vất vả, hình như ông có chút bối rối về anh. Ông nghĩ “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh, và về những điều anh suy nghĩ…”. Cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi hiểu sâu hơn về mối tình nhạt nhẽo và yên tâm hơn về quyết định của mình.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cũng đến lúc phải chia tay, giây phút đó trong tôi thật luyến tiếc. Tôi cố tình để lại cho anh chiếc khăn mùi xoa để làm kỷ niệm nhưng anh tưởng tôi quên nên trả lại cho tôi. Anh còn tặng cho chúng tôi một làn trứng gà không tiễn vì bảo đã gần đến giờ “ốp”. Tôi rất cảm phục việc thực hiện giờ làm việc của anh. Cuộc nói chuyện tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi và cả bác họa sĩ già những ấn tượng khó quên. Giờ đây tôi đã tự tin đón chờ công việc mới của mình.