Đừng trách Trọng Thủy

Đừng buồn em!

 

Khi lông ngỗng rải xuống trắng con đường thiên lý

Đâu phải tại tình yêu em không lay động nổi đất trời

Mà bởi lòng người còn hơn là thuốc độc

Lòng người bạc hơn vôi… ​

 

Nhưng đừng trách Trọng Thuỷ, Mỵ Nương ơi!

Dấu chân ngựa đường xa điên cuồng rượt đuổi

Anh sẽ tìm em, dù em đi đến cùng trời cuối đất

Anh chỉ có em thôi… ​

 

Khi mũi kiếm tuốt trần ra khỏi vỏ

Và máu tươi nhuộm đẫm chiến bào

Có ai biết giữa sơn hà loạn lạc

Có hai trái tim khát khao… ​

 

Anh sẽ làm tất cả để ta có nhau

Vết dấu tình yêu em rải xao xác đường hoa may bụi đỏ

Ngàn vạn cách trở

Anh vẫn theo… ​

 

Giữa lúc binh đao lửa khói ngặt nghèo

Anh đâu biết sau lưng mình là ngàn binh vạn mã

Đi tìm em, anh tiến lên phía trước

Không một lần nhìn lại đằng sau…

 

Dù cho ngàn năm nữa có thể ta sẽ vẫn chẳng có nhau

Bởi lời oán hận “giặc ở sau lưng nhà ngươi đó”

Thần tiên cũng nhiều khi không sáng suốt

Thần tiên nào biết yêu…

 

Trả lại cho giang sơn những tham vọng quá nhiều

Hai đấng quân vương mải say cơn tàn sát

Sơn hà là chi, sơn hà là gì

Phía bắc có quân tử

Phía nam có giai nhân

Trời bắc trời nam vốn chẳng phân

Chỉ có lòng người ngăn sông cấm chợ…

 

Máu trong tim em hoá thành ngọc

Người đời bảo đó trai ngọc Mỵ Nương

Mang về rửa trong nước giếng Trọng Thuỷ

Sáng trong…

Khiêm nhường… ​

 

Ngàn năm nữa dù người đời vẫn nói

Dấu lông ngỗng xa xưa huỷ hoại cả vương triều

Thì chỉ có anh và em là biết

Chỉ có mình ta yêu… 

Trọng Thủy  –  kẻ tội đồ hay người mang bi kịch?

Là một trong ba nhân vật chính của tác phẩm, Trọng Thủy  là con trai của Triệu Đà, con rể của An Dương Vương, là chồng của Mị Châu công chúa. Ở nhân vật này có cái khôn ngoan, sự lạnh lùng của lí trí và cũng có cả sự yếu mềm của tình cảm.  Nếu như Mị Châu ngây thơ, hết lòng vì chồng thì Trọng Thủy đã có sẵn âm mưu chiếm đoạt nỏ thần và chàng đến Âu Lạc vì mục tiêu duy nhất đó. Và hiển nhiên, Trọng Thủy trở thành tên gián điệp không hơn, không kém.

Nhưng những ngày ở Âu Lạc, bên cạnh người vợ đẹp người, đẹp nết, trong sáng và tin yêu, có thể Trọng Thủy đã nảy nở một mối tình thật sự trong sáng với Mị Châu. Và điều đó cũng có nghĩa là, trong bản thân con người Trọng Thủy đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai tham vọng: tham vọng chiếm được nước Âu Lạc và tham vọng trọn tình với Mị Châu. Vì vậy, khi trộm được nỏ thần, về nước để chuẩn bị chiến tranh, Trọng Thủy vẫn muốn tìm lại Mị Châu, hi vọng cùng Mị Châu hưởng hạnh phúc trên đất Âu Lạc mà mình làm bá chủ.

Hai tham vọng ấy làm sao có thể dung hòa? Làm sao Trọng Thủy vừa chiếm nước Âu Lạc vừa tận hưởng hạnh phúc bên người con gái biết mình bị chàng lừa gạt? Khi đạt được ý nguyện của vua cha, thôn tính đất Âu Lạc, lần theo dấu lông ngỗng tìm được xác Mị Châu, Trọng thủy đem xác vợ về chôn cất.  Cái chết của Mị Châu đã khiến tham vọng của Trọng Thủy cũng tiêu tan. Vì vậy, sau chiến thắng, đáng lẽ là người vui mừng hưởng vinh quang thì Trọng Thủy lại tự tử vì nỗi “tiếc thương Mị Châu khôn cùng”. Chàng đã chết vì không thể chọn một trong hai tham vọng, chết vì bị giày vò bởi mâu thuẫn không thể dung hòa trong con người mình. Cái chết của Trọng Thủy, Mị Châu là lời tố cáo âm mưu và thực tế chiến tranh xâm lược, phản ánh mối quan hệ giữa nước và nhà, số phận quốc gia dân tộc với hạnh phúc cá nhân. Mối tình Mị Châu – Trọng Thủy éo le, dang dở là do âm mưu xâm lược của Triệu Đà len lỏi vào. Vả chăng, nếu Đà thực sự cầu hòa, hai nước đều lấy hòa bình làm trọng thì mối tình Mị Châu – Trọng Thủy sẽ trở nên đẹp đẽ đến vô cùng. Trọng Thuỷ quyên sinh không phải chỉ là hành động sám hối cho một sai lầm mù quáng, mà còn là sự thức tỉnh của nhân tính, sự phủ nhận chiến tranh, sự từ chối mọi vinh quang quyền lực để trở về với phần nhân văn cao cả trong lòng mình.

Việc đánh giá nhân vật Trọng Thủy, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng Trọng Thủy là tên tội đồ xấu xa vì đã giúp vua cha thực hiện âm mưu đen tối thôn tính nước Âu Lạc. Nếu chỉ xét ở góc độ đó thì Trọng Thủy là tên đáng nguyền rủa. Nhưng có lẽ chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn để đánh giá đúng về nhân vật. Chúng ta đều biết, trong quan niệm phong kiến, chữ Trung có thể xem là kim chỉ nam của đời người quân tử. Trọng Thủy là con trai Triệu Đà, chàng vâng mệnh vua cha tức là chàng đã làm theo chữ Trung và chữ Hiếu. Chàng rơi vào thế lưỡng nan, phải lựa chọn Trung với Phản, Hiếu với Tình. Nếu trọn tình với Mị Châu, chàng bị coi là kẻ bất trung, bất hiếu và ngược lại, để làm tròn bổn phận của bề tôi trung thành, bề con hiếu nghĩa, chàng buộc phải phụ tình Mị Châu. Trọng Thủy có phần đáng thương hơn đáng trách bởi chàng cũng là nạn nhân của chiến tranh, của dã tâm xâm lược, bành trướng của Triệu Đà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *