Hình ảnh người nông dân Việt Nam qua nhân vật Lão Hạc và chị Dậu

I/ MỞ BÀI 

 Xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám với những bất công, ngang trái, với sự đè nén, áp bức của giai cấp thống trị đã đẩy người nông dân vào tình cảnh cơ cực, cùng đường, không lối thoát. Các nhà văn đã phản ánh tình trạng ấy một cách chân thực và sinh động vào trong những sáng tác của mình. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao và đoạn trích “Tức nước vỡ bỡ” trích trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố đã làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp và số phận bi kịch của người nông dân Việt Nam trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

II/ THÂN BÀI

1/ Trước hết, qua hình ảnh chị Dậu và Lão Hạc, ta thấy người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ hiện lên với số phận, hoàn cảnh đáng thương: bị áp bức, bóc lột, bị chà đạp, đẩy vào bước đường cùng.

a/ Chị Dậu

– Nhà nghèo, thuộc hạng cùng trong hạng cùng đinh.

– Phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai mới đủ tiền nộp suất sưu cho chồng.

– Nhưng anh Dậu vẫn chưa được tha bởi còn thiếu suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái.

– Sự tàn bạo của giai cấp thống trị, sự đè nén, áp bức đến tận cùng của bè lũ sai nha đã buộc chị phải vùng lên chống trả để bảo vệ chồng. Để rồi chị phải tù, phải tội và bị đẩy vào tình cảnh cùng đường tuyệt lộ.

b/ Lão Hạc

Nhà nghèo, vợ mất sớm, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su

– Lão sống một mình trong cảnh già cả, đơn chiếc và chỉ có con chó vàng làm bạn.

– Nhưng rồi, hoàn cảnh ngặt nghèo buộc lão phải bán đi cả người bạn thân thiết nhất của mình.

– Lão làm thuê gánh mướn để kiếm ăn qua ngày, khi không còn sức để làm thuê nữa thì lão phải ăn kham khổ củ khoai, củ ráy,…

– Lão phải tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời mình.

2/ Tuy bị rơi vào hoàn cảnh cùng đường nhưng ở người nông dân vẫn sáng lên những vẻ đẹp đáng quý.

a/ Lão Hạc

  •  Giàu lòng thương con:

– Lão luôn ăn năn, day dứt vì nghĩ mình đã không làm tròn bổn phận của người cha.

– Lão cố gắng dành dụm tiền bán hoa màu cho con, quyết giữ trọn mảnh vườn cho con.

– Dù bệnh tật, đói nghèo nhưng lão vẫn không ăn vào số tiền dành dụm cho con.

– Lão tìm đến cái chết như một cách bảo vệ tình cha dành cho con: không muốn ăn phạm vào số tiền, vào mảnh vườn của con.

  •  Giàu lòng nhân hậu và tự trọng

Lão rất yêu cậu Vàng, coi nó như con, trò chuyện, tâm sự cùng với nó.

– Lão đau đớn, dằn vặt khi phải bán cậu Vàng. Lão chọn cái chết dữ dội như một cách tạ tội với con chó.

– Lão kiên quyết khước từ sự giúp đỡ của ông giáo.

– Lão gửi ông giáo cầm giúp 30 đồng bạc để lo ma chay sau khi lão chết đi, khỏi phiền lụy tới hàng xóm, láng giềng.

b/ Chị Dậu

  • Yêu chồng, thương con, cam chịu, nhẫn nhục

Lo lắng cho chồng: được bà hàng xóm cho bát gạo, chị vội vàng đi nấu cháo. Cháo chín, chị bắc ra giữa nhà, múc la liệt ra bát, quạt cho chóng nguội. Chị rón rén bưng một bát đến chỗ chồng nằm rồi còn ngồi chờ xem chồng ăn có ngon miệng không.

– Ra sức bảo vệ chồng: chị tha thiết van xin đám cai lệ và người nhà lí trưởng tha cho chồng mình, xin được khất tiền sưu. Khi van xin không được, chị đã đứng dậy đấu lí với chúng dù biết rằng tai họa có thể ập xuống đầu nhưng để bảo vệ chồng, chị không sợ hãi. Đấu lí không thành, thậm chí chúng còn đánh chị và nhảy bổ đến chỗ anh Dậu, căm tức, uất ức đến tột cùng, chị đã vùng lên đấu lực với chúng dù biết rằng sẽ phải tù, phải tội.

  •  Sức mạnh tiềm tàng, tinh thần phản kháng, dám đứng lên chống lại áp bức, bất công.

Đấu lí với đám cai lệ và người nhà lí trưởng: “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Cách xưng hô ông – tôi đã đưa chị lên vị trí ngang hàng với những tên nha lại.

– Đấu lực: đánh, vật nhau cai lệ, làm hắn ngã bổ nhào ra thềm; túm tóc người nhà lí trưởng lẳng ra ngoài sân. Thách thức “Mày trói ngay chồng bà đi! Bà cho mày xem! ”, cách xưng hô mày – bà đã đưa chị lên vị thế cao hơn đám người nhà quan.

3/ Đánh giá về nhân vật

Cả chị Dậu và lão Hạc đều là hiện thân cho số phận, vẻ đẹp của người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ. Sự áp bức bóc lột, sự đè nén bất công của giai cấp cầm quyền đã đẩy người nông dân vào bước đường cùng không lối thoát. Nhưng trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, người nông dân vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹp của mình: yêu chồng, thương con, cần cù, chăm chỉ, giàu lòng tự trọng, có tinh thần đấu tranh chống áp bức bất công.

III/ KẾT BÀI

Bằng ngòi bút hiện thực xuất sắc, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, khắc họa nhân vật tài tình, Nam Cao và Ngô Tất Tố đã làm nổi bật vẻ đẹp và số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám. Qua đó, các tác giả cất lên tiếng nói tố cáo xã hội và bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc cho số phận của người nông dân.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *