I/ Tìm hiểu chung về bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện:
1.Thuyết minh:
Là phương thức giới thiệu những tri thức khách quan, xác thực và hữu ích về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân…của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên và xã hội.
2. Thuyết minh thuật lại một sự kiện:
Là kiểu bài người viết dùng lời văn và một số phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ để thuật lại một sự kiện theo đúng diễn biến trong thực tế nhằm giúp người đọc, người nghe nắm được diễn biến của một sự kiện và những thông tin liên quan đến sự kiện này.
3. Các nội dung thuyết minh thuật lại một sự kiện:
-Thuyết minh thuật lại một sự kiện lịch sử. Ví dụ: Ngày 2/9, 30/4, Giỗ tổ Hùng Vương.
– Thuyết minh thuật lại một sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Ví dụ: Hội khỏe Phù Đổng,…
– Thuyết minh thuật lại một lễ hội dân gian. Ví dụ: lễ hội làng Gióng, hội Chùa Hương, hội Cầu ngư,…
– Thuyết minh thuật lại một sự kiện trong cuộc sống. Ví dụ: lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, tổng kết năm học,…
4. Các dạng đề thuyết minh thuật lại một sự kiện:
a. Dạng cụ thể (đóng):
Là dạng đề đã nêu cụ thể yêu cầu, sự kiện và phạm vi cần thuyết minh.
Ví dụ: Thuyết minh buổi lễ tổng kết ở trường em.
b.Dạng đề mở:
Là dạng đề không cụ thể về sự kiện cần thuyết minh mà chỉ nêu yêu cầu thuyết minh.
Ví dụ: Hãy thuyết minh về một sự kiện đã để lại ấn tượng trong em mà em được tham gia hoặc chứng kiến. (Dạng đề này tùy người viết lựa chọn sự kiện.)
II/ Phương pháp làm bài thuyết minh thuật lại một sự kiện:
Bước 1: Trước khi viết bài
a.Lựa chọn đề tài:
-Sự kiện mà em tham gia, chứng kiến hoặc tìm hiểu qua các phương tiện thông tin.
-Sự kiện mà em hứng thú hoặc để lại ấn tượng
-…..
b. Thu thập tư liệu:
-Từ quan sát trực tiếp và chọn lọc ghi chép của em..
-Từ các phương tiện khác: sách, báo, internet,…
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
a.Tìm ý:
-Sự kiện cần thuyết minh là gì?
-Thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện (xảy ra khi nào? ở đâu)
– Các hoạt động chính của sự kiện (theo trình từ mở đầu, diễn biến, kết thúc)
– Ý nghĩa của sự kiện
-Tâm trạng của mọi người tham gia và cảm nhận, nhận xét, đánh giá của người viết về sự kiện.
b. Lập dàn ý:
*Mở bài: Giới thiệu sự kiện (Sự kiện gì, thời gian, địa điểm, mục đích tổ chức sự kiện)
*Thân bài: Diễn biến chính của sự kiện theo trình tự thời gian. Cụ thể như sau:
-Quang cảnh, không khí nơi diễn ra sự kiện.
– Các hoạt động:
+ Hoạt động 1: ….
+ Hoạt động 2:…..
+ Hoạt động 3:…..
*Kết bài: Cảm nghĩ của em hoặc đánh giá, nhận xét về ý nghĩa của sự kiện.