1. Tác giả
– Quan điểm sáng tác: Người quan niệm thơ văn phải có tính chiến đấu, có chất “thép”, là vũ khí cách mạng sắc bén; văn nghệ sĩ phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Nếu cổ nhân quan niệm: “Văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí”, thì Hồ Chí Minh bổ sung:
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)
– Vai trò của người cầm bút phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951).
– Người quan niệm văn thơ phải có tính thực và tính dân tộc, nhà văn phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân; phải biết nêu gương “người tốt, việc tốt”, phải biết trân trọng và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.”
2. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa vàng năng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây …
(Tố Hữu)
– Nắng Ba Đình mùa thu
Thẳm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày Tuyên ngôn Độc lập.”
(Nguyễn Phan Hách)
– Lời tâm sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong đời tôi tuy viết nhiều nhưng chưa bao giờ tôi viết được một bài hữu ích như lần này.”
3. Cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn:
-Ý nghĩa lời trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ:
+ Với cách trích dẫn này, Bác đã đặt ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau, đặt ba nền độc lập đăng đối gợi được niềm tự hào dân tộc như Nguyễn Trãi đã từng viết Bình Ngô đại cáo:
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
(Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)
+ Thể hiện sự khéo léo: Ở Đại hội Tân Trào, Bác từng khẳng định: “Đối với kẻ địch chúng ta phải khéo léo và kiên quyết”.
– Sự sáng tạo: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”
+ Giáo sư Singô Sibata (Nhật Bản): “Cống hiến nổi tiếng nhất của cụ Hồ Chi Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi con người thành quyền lợi của dân tộc, như vậy, mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định vận mệnh của mình.”
+ “Đây là phát súng lệnh mở đầu cho cơn bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa Á, Phi, Mĩ La tinh”
4. Phần cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn
Tố cáo tội ác của TD Pháp: Liên hệ với tội ác của giặc Minh được nói tới trong “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi):
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây binh kết oán trải hai mươi năm”
– “Tuyên ngôn độc lập” là bản án xét xử chính thức chế độ thực dân Pháp đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hơn 80 năm”
– Tư tưởng nhân đạo trong “Tuyên ngôn độc lập” có sự kế thừa truyền thống nhân đạo của dân tộc. Truyền thống ấy cũng đã được thể hiện trong “Bình Ngô đại cáo” “Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc”
“Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run”
5. Đánh giá:
– “Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử vô giả, một áng văn chính luận mẫu mực”
– “Cách lập luận của Hồ Chí Minh về phía ta như một trái táo còn về phía địch như một trái lựu đạn nhét vào cổ họng chúng. Nuốt không trôi mà khạc cũng không ra” (Chế Lan Viên)
– “Về văn phong, cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo, nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người ta. Hình thức sinh động, giản dị, giàu tính dân tộc và tính nhân dân” (Trường Chinh)