Mạch cảm xúc của các tác phẩm thơ chương trình Ngữ văn 9

Đồng chí

Cảm xúc của bài thơ bắt nguồn từ niềm xúc động chân thành mà giản dị được gợi ra dựa trên cơ sở tương đồng vững chắc, chặt chẽ: cùng chung cảnh ngộ, giai cấp và lí tưởng chiến đấu để từ đó hình thành nên cơ sở của tình đồng chí. Cảm xúc lại được đẩy lên cao, dồn tụ lại và trở thành nguồn sức mạnh tinh thần của tình đồng chí cao đẹp,ấm áp, keo sơn, giúp người chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn gian khổvà để khẳng định sự kết tinh tình cảm giữa những người lính trong những năm đầu kháng chiến. Để rồi cuối cùng bài thơ khép lại với những cảm xúc lắng đọng trước biểu tượng đẹp về người lính anh hùng.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Cảm xúc của bài thơ mở ra trước thực tế thường gặp trong chiến tranh ở tuyến đường Trường Sơn là những chiếc xe không kính bị tàn phá bởi bom đạn đến nỗi biến dạng. Cảm xúc đang từng bước phát triển thành hình ảnh người lính lái xe trẻ trung, ngang tàn,lạc quan, hòa mình với thiên nhiên đất trời, giàu tình cảm đồng đội với niềm tự hào quyết tâm giải phòng miền Nam, khát vọng về một ngày mai độc lập. Cảm xúc khép lại trong hình ảnh chiếc xe không kính một lần nữa xuất hiện, nhưng dù xe bị biến dạng bao nhiêu thì trong chiếc xe vẫn còn một trái tim kiên cường tiến về miền Nam phái trước với ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm bất chấp hi sinh cho nền đọc lập nước nhà trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Bếp lửa

Bắt nguồn từ tình yêu và lòng biết ơn bà sâu nặng tác giả đã để cảm xúc đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến những suy ngẫm. Bài thơ mở ra với hình ảnh bếp lửa thân thuộc đã khơi nguồn dòng cảm xúc về bà với những hồi ức sống cùng bà và bếp lửa. Cảm xúc dâng trào khi người cháu hồi tưởng về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, được bà yêu thương, che chở, nuôi nấng, dạy bảo nên người với tấm lòng nhân hậu suốt 8 năm ròng không có ba mẹ ở bên chăm sóc. Từ những kỉ niệm, đứa cháu nay đã trưởng thành, biết suy ngẫm, thấu hiểu về những gian lao, vất vả mà bà đã phải trải qua suốt cuộc đời với bao cảm phục, biết ơn. Cuối cùng, cảm xúc khép lại với những niềm mong nhớ bà, nhớ quê hương da diết khôn nguôi của người cháu và đó cũng chính là điểm tựa, là chỗ dựa vững chắc cho cháu vững bước trên đường đời.

Ánh trăng

Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Cảm xúc trong quá khứ là hồi còn nhỏ, hồi chiến tranh, sống hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên, với trăng đến tưởng như không bao giờ quên” cái vầng trăng tình nghĩa ấy”. Vậy mà ở hiện tại hoàn cảnh thay đổi khiến con người cũng dần thay đổi,” từ hồi về thành phố” dần quen với cuộc sống tiện nghi, hiện đại và cũng dần coi trăng như “người dưng qua đường”. Dòng cảm xúc này của nhà thơ được bộc lộ theo mạch tự sự. Theo dòng tự sự ấy, mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ. Cảm xúc khép lại trước sự chân thành tha thiết an năn của nhân vật trữ tình khi được thức tỉnh đồng thời gửi gắm triết lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc

Đoàn thuyền đánh cá

Cảm hứng đến từ niềm vui được làm chủ cuộc sống trong những ngày đầu sau khi miền Bắc được giải phóng đi lên xây dựng CNXH. Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự không gian và thời gian: là hành trình của 1 chuyến đánh bắt cá trên biển trong không gian rộng lớn bao la với mặt trời, biển, trăng, sao, mây, gió . Thời gian là nhịp tuần hoàn lặp đi lặp lại của vũ trụ từ lúc hoàng hôn đến bình minh, đó cũng chính là thời gian của một chuyến ra biển rồi trở về của đoàn thuyền đánh cá. Mặt trời xuống biển, cả trời đất vào đêm, trăng lên cao, đêm thở, sao lùa… rồi sao mờ, mặt trời đội biển nhô lên trong một ngày mới. Điểm nhịp thời gian cho công việc của đoàn thuyền đánh cá là nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ.

Mùa xuân nho nhỏ

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, nhà thơ Thanh Hải vẫn khao khát muốn được cống hiến, đóng góp vào công cuộc dựng xây đất nước. Mạch cảm xúc xuyên suốt trong bài thơ là sự ngây ngất mê say của nhà thơ trước mùa xuân tươi đẹp trong trẻo của “dòng sông xanh, bông hoa tím và tiếng chim vang lừng,..”.
Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên. Từ đó mở rộng ra là mùa xuân của đất nước, của dân tộc thông qua hình ảnh người lính cầm súng nơi chiến trường và người nông dân trên đồng ruộng. Từ cảm xúc, mạch thơ chuyển sang biểu hiện suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ được nhập vào bản hòa ca của cuộc đời” một nốt trầm xao xuyên” của riêng mình, một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của dân tộc với những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất. Bài thơ kết thúc bằng sự trở về với những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương, dất nước qua làn điệu dân ca xứ Huế
=>Từ sự đi lên của đất nước nhà thơ ước nguyện đóng góp sức lực nhỏ bé của mình để dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Viếng lăng Bác

Mạch vận động cảm xúc bài thơ đi theo trình tự không gian, thời gian vào lăng viếng Bác. Cảm xúc đầu tiên là cảnh xung quanh lăng Bác (nhìn từ xa), ấn tượng nhất là hàng tre bát ngát trong sương. Tiếp theo là cảnh trước lăng và hình ảnh đoàn người nối nhau như bất tận, ngày ngày vào thăm viếng Bác (khổ 2). Tiếp (khổ 3), cảm xúc khi vào trong lăng, hình ảnh di hài của Bác gợi ra những hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, trời xanh. Cuối cùng (khổ cuối) là cảm xúc khi sắp phải rời xa Bác trở về miền Nam. Mạch cảm xúc đã tạo nên bố cục bài thơ rất rõ ràng, mạch lạc, hợp lí.

Sang thu

Mạch cảm xúc của bài thơ bắt đầu từ sự ngỡ ngàng trước những khoảnh khắc giao mùa khe khẽ, nhẹ nhàng chưa thật rõ nét. Đó là sự vận động, biến chuyển của những tín hiệu giao mùa như “ gió se”,”sương”,”áng mây” đến những rung động dịu êm vừa nhẹ nhàng lại vội vã của ”dòng sông”,”cánh chim”… để rồi cuối cùng là những suy ngẫm, chiêm nghiệm trước những biến đổi của thiên nhiên hay còn là sự chuyển giao của cuộc đời mỗi con người và đất nước trong khoảnh khắc sang thu

Nói với con

Xuất phát từ tình yêu thương con vô bờ bến, nhà thơ y Phương đã mượn lời nói với con để gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương mình.
Bài thơ đi từ tình cảm gia đình và mở rộng ra là tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, tha thiết mà nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc, chủ đề bài thơ được bộc lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *