Mở bài cảm nhận nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” – KNTT
Mở bài mẫu 1
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn xuất sắc trên văn đàn Việt Nam. Ông viết rất nhiều thể loại nhưng tiêu biểu hơn cả đó chính là tùy bút, truyện ngắn và một trong những tác phẩm nhận được nhiều sự chú ý nhất của ông đó chính là tác phẩm Chữ người tử tù. Trong tác phẩm Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao.
Mở bài mẫu 2
Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa – khí phách. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, ngòi bút ấy đã biết hướng thiện, hướng mỹ để tìm ra và lưu giữ lại cho đời những vẻ đẹp của một thời vang bóng. Trong nhiều vẻ đẹp của Vang bóng một thời xuất bản năm 1940, nổi lên một vẻ đẹp chói lòa, rực rỡ, vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù nổi tiếng của ông.
Mở bài mẫu 3
Vang bóng một thời gồm 11 truyện viết về một thời đã xa, nay chỉ còn vang bóng. Qua tập truyện này, nhà văn Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự bất hòa sâu sắc đối với xã hội buổi giao thời cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX ở nước ta và ca ngợi những nhà nho tài hoa không chịu vứt bỏ lương tâm, chạy theo danh lợi, vẫn giữ thiên lương cao đẹp. Một trong những nhân vật tiêu biểu nhất cho tư tưởng của nhà văn Nguyễn Tuân đó chính là nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù. Huấn Cao là một nhân vật được xây dựng với hình tượng có tính cuốn hút mãnh liệt về khí phách, tâm hồn thanh cao và tài hoa hơn người.
Mở bài mẫu 4
Nguyễn Tuân là một cây bút lớn trong nền văn chương Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông có chiều sâu tư tưởng rất lớn với những nhân vật mang phẩm chất phi thường, kể cả là người lao động bình thường. Ông là người đặc biệt yêu thích cái đẹp và những giá trị truyền thống. Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù là một trong những nhân vật tiêu biểu cho những ý nguyện về cuộc đời và con người của ông.
Kết bài cảm nhận nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” – KNTT
Kết bài mẫu 1
Kết lại truyện “Chữ người tử tù” là cảnh cho chữ – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Không chỉ vậy, nó còn là bệ phóng hoàn hảo làm nổi hình nổi bật các nhân vật và nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đặc biệt ở cảnh cho chữ, ta thấy tài năng và khí phách của Huấn Cao. Vậy là, bằng tài năng và tâm huyết, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, sự hiện thân cho cái đẹp kì diệu cùng hình tượng quản ngục và cảnh cho chữ. Không chỉ “Vang bóng một thời”, mà “Chữ người tử tù” sẽ neo đậu mãi trong tâm hồn người đọc như một dấu son không bao giờ phai.
Kết bài mẫu 2
Huấn Cao là một người tử tù đáng kính. Ông phải chết chỉ vì cái tội yêu nước, thương dân. Tâm sự, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Tuân gửi gắm vào nhân vật này rất nhiều. Đó là những con người tài với chí làm trai mang chí hướng cộng đồng dân tộc, dù có chết cũng chết trong vinh quang. Đó cũng chính là những nỗi niềm thương dân, yêu nước của Nguyễn Tuân được thể hiện một cách thầm kín.
Kết bài mẫu 3
Dựng lên hình tượng Huấn Cao với vẻ đẹp rực rỡ tráng lệ giữa chốn lao tù ẩm thấp chật chội. Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm cảm phục sâu sắc đối với những người anh hùng xả thân vì nghĩa lớn. Nhà văn đã sử dụng ngòi bút tả thực đầy kịch tính kết hợp với việc khắc hoạ tính cách nhân vật và ngòi bút miêu tả phong cảnh hiện thực lẫn lãng mạn. Có thể nói Chữ người tử tù với bút pháp sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, với ngôn ngữ văn xuôi giàu có và góc cạnh, với vẻ đẹp tuyệt vời của Huấn Cao, tác phẩm xứng đáng là một áng văn chương một thời vang bóng và nó mãi mãi vang bóng trong bạn đọc nhiều thời.
Kết bài mẫu 4
Như vậy, qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã khiến cho người đọc hiểu thêm được về sự tài hoa, uyên bác và cái đẹp cũng như niềm đam mê cái đẹp. Ngoài ra, nó còn là sự hi sinh cho cái đẹp và cái tâm thế luôn luôn bảo vệ cái đẹp. Có thể nói “Chữ người tử tù” với bút pháp sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, với ngôn ngữ văn xuôi giàu có và góc cạnh, với vẻ đẹp tuyệt vời của Huấn Cao, tác phẩm xứng đáng là một áng văn chương một thời vang bóng và nó mãi mãi vang bóng trong bạn đọc nhiều thời.
Kết bài mẫu 5
Nhà văn Nguyễn Tuân đã vô cùng thành công khi xây dựng được hình ảnh nhân vật Huấn Cao. Đọc xong tác phẩm Chữ người tử tù không ai là không yêu mến trước một con người như thế, vừa tài ba khí phách ngút trời mà lại có tấm lòng cao đẹp.
Kết bài mẫu 6
Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ những quan niệm của mình về cái đẹp. Với Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan niệm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.