Bài làm
Trong văn bản “ Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của Vũ Khoan, tác giả có nhắc tới việc “ Học chay, học vẹt”. Đây là một bài viết được đăng trên tạp trí Tia sáng năm 2001 – năm mở đầu cho một thế kỉ mới. Khi chỉ ra những cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam, tác giả có viết : “ Cái mạnh của con người VN không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới…Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng tồn tại không ít cái yếu. Ấy là lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chay theo những môn học “ thời thượng” , nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lỗi học chay, học vẹt nặng nề” . Vậy học chay, học vẹt là gì? Có thể nói, học vẹt là học thuộc làu làu những định nghĩa, khái niệm trong sách vở, học một cách máy móc và thụ động mà không hiểu bản chất thực sự của nó. Còn học chay là chỉ học lí thuyết, biết lý thuyết nhưng không áp dụng được vào thực hành, vào bài tập. Kiểu học này có thể giúp người học nhớ nhanh mà quên cũng rất nhanh dẫn đến nhiều sai lầm tệ hại trong học tập và trong cuộc sống. Bề ngoài thì những học sinh đó có vẻ là người chăm chỉ nhưng thực chất bên trong chỉ trống rỗng dẫn tới kiến thức tiếp thu được chỉ là con số không. Từ đó, học sinh không có khả năng vận dụng những gì mình được dạy đưa vào thực tiễn. Điều đó khiến cho việc học của chúng ta trở nên vô ích, tốn sức lực, thời gian của bản thân và gia đình và cả các thầy cô. Đồng thời, việc học chay, học vẹt còn khiến cho khả năng thực hành, sáng tạo của mỗi người bị hạn chế. Ấy thế mà rất nhiều học sinh bây giờ chỉ biết học thuộc lòng các bài mẫu rồi áp dụng một cách máy móc. Vậy nên các môn học thuộc lòng các em thường điểm cao hơn các môn cần tư dung. Vậy nguyên nhân do đâu? Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là do chương trình học còn nặng lí thuyết, đôi chỗ khô khan khiến một một bộ phận học sinh chán học, học chống đối. Nhà trường cũng chưa có điều kiện để học sinh có cơ hội áp dụng bài học vào cuộc sống hoặc do phương pháp giảng dạy của một số giáo viên chưa phù hợp. Bản thân các bậc phụ huynh lại tạo ra sức ép, gây áp lực việc học tập lên con cái trong khi chưa hề có một định hướng cụ thể. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân một phần xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh. Chưa thấy được tầm quan trọng của việc học, chưa ý thức tự giác trong học tập, còn học chống đối, thụ động. Nhiều học sinh ngay từ đầu đã không có mục đích, động cơ học tập rõ ràng dẫn đến lười học, học chưa đúng phương pháp…Từ đó, ta thấy sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cá nhân mỗi học sinh để giảm thiểu, bài trừ những phương pháp học tiêu cực này. Phụ huynh cần có những định hướng cụ thể trong việc học tập của con em, dành thời gian để con tham gia các hoạt động ngoài trời lành mạnh, bổ ích. Nhà trường cần có những phương pháp nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh trong từng bộ môn. Đặc biệt, bản thân mỗi học sinh cần xây dựng cho mình ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo trong tiếp thu tri thức, biết cách học đi đôi với hành sao cho ý nghĩa và thoải mái nhất. Qua đây, em thấy rằng việc học chay, học vẹt là không nên. Em và các bạn sẽ tìm cho mình phương pháp học tập đúng đắn trên con đường tiếp thu tri thức, cống hiến cho đất nước.