Nghị luận về ý kiến: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác…”

1. Giải thích ý kiến

Ý kiến nêu lên quan niệm về kẻ mạnh; ý kiến này không nhìn nhận kẻ mạnh ở vị thế hay uy lực mà ở tư cách, cụ thể là ở cách hành xử. Quan niệm được thể hiện triệt để bởi hai vế tương hỗ. Vế phủ định: ức hiếp người khác để thỏa mãn lòng tham, lòng ích kỉ không phải là kẻ mạnh. Vế khẳng định: sẵn sàng nâng đỡ, hỗ trợ người khác mới đúng là kẻ mạnh.

2. Bàn luận

– Điều tạo nên sức mạnh chân chính của mỗi con người trong cuộc sống cũng như của một | quốc gia trên trường quốc tế không chỉ là ưu thế tự thân mà còn là cách hành xử. Với mỗi cá nhân, đó là sự quan tâm, nâng đỡ, tương trợ để cùng chung sống xuất phát từ tình thương, lòng vị tha; với một quốc gia, đó là hành động tôn trọng, hợp tác, hỗ trợ để cùng tồn tại, phát triển xuất phát từ tinh thần quốc tế.

– Khẳng định tính đúng đắn của luận đề: tư cách mỗi con người cũng như một quốc gia bao giờ cũng được nhìn nhận trong quan hệ với cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực nhân văn phổ quát. Ở đâu và thời nào, lòng ích kỉ và lối hành xử bạo lực cũng là phản nhân văn, phi nhân đạo. Trong thời đại văn minh, khi các giá trị nhân văn, các quy ước quốc tế được đề cao, thì càng phải cực lực lên án và loại bỏ những điều trái với đạo lí đó.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Trong quan hệ giữa người và người: xây dựng lối sống trọng tình người, hành vi ứng xử có văn hóa; luôn có ý thức quan tâm, bảo vệ, nâng đỡ người khác; phê phán lối hành xử | bạo lực, ỷ thế ức hiếp, chà đạp người khác.

– Trong quan hệ giữa các quốc gia: đề cao sự tôn trọng, hợp tác, tương trợ; phê phán những quốc gia ỷ thế là kẻ mạnh để gây hấn, áp đặt xâm chiếm đối với các quốc gia khác.

Bài văn tham khảo

Trong số các tác phẩm xuất sắc của mình, Nam Cao từng có một nhận xét “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Đây là một câu nói mang tính triết lí sâu sắc, là một bài học dạy dỗ con người về hiểu biết thế nào mới thực sự là một “kẻ mạnh”.

Kẻ mạnh ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen là sức mạnh sức khỏe của con người mà là sự mạnh mẽ về tinh thần, tri thức, về bản lĩnh, khí phách, về địa vị xã hội, sự coi trọng của mọi người. Nam Cao khẳng định kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa lòng ích kỉ, điều đó hoàn toàn đúng đắn. Người luôn tìm cách đứng trên vai người khác để làm được điều mình muốn, để đạt được thành tích, kết quả tốt của mình thì không phải là một người thực sự giỏi giang, bản lĩnh. Những người này thường là những người vị kỉ, ích kỉ chỉ muốn tư lợi cho bản thân, chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ cho người khác, không quan tâm việc làm của mình có thể gây ảnh hưởng cho mọi người ra sao. Đây thực chất chỉ là những kẻ tiểu nhân, cơ hội, những con người vụ lợi, cá nhân và hẹp hòi. Những người này chỉ lợi dụng người khác, chà đạp người khác để thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ích kỉ của mình. Do đó đây thực sự không phải kẻ mạnh mà là đê hèn, gian xảo, quỷ quyệt. Người như vậy chỉ khiến người khác bằng mặt mà không bằng lòng, có thể theo bạn nhưng không thích bạn, không ưa bạn mà khinh bỉ, ghét bỏ, coi thường bạn.

Kẻ mạnh ngược lại chính là người giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình. Đây mới chính là con người thực sự bản lĩnh, khí phách, hào hiệp. Họ sẵn sàng giúp đỡ người khác, họ sẵn sàng dùng những gì mình có để tương trợ người khác. Gặp người khó khăn, hoạn nạn, họ không ngại giúp đỡ người ta trong phạm vi khả năng của mình, không ích kỉ, hẹp hòi sợ thua thiệt. Những người này thường không so đo tính toán thiệt hơn, thường nhận phần ít về mình. Họ hào sảng, khí khái, trượng nghĩa, không chấp nhặt tiểu tiết, không tư lợi cá nhân, lo nghĩ những điều tủn mủn vụn vặt mà thường vì đại nghĩa. Những người như vậy mới chính là những người mạnh, mạnh về tinh thần, lòng quả cảm, hiệp nghĩa. Họ khiến cho người khác phải nể trọng, kính phục, tôn vinh. Và như vậy đây mới chính là anh hùng trong lòng của mọi người.

Sức mạnh chân chính của mỗi con người không phải ở chỗ ta đã đạt được những gì mà nằm ở chỗ ta đã làm được những gì. Những kẻ cơ hội, thủ đoạn, chuyên đi lợi dụng, lừa lọc người khác thì cuối cùng kết cục cũng là sự ghét bỏ của mọi người. Trong học tập công việc, những người lợi dụng người khác, lấy thành tích, thành quả của người khác vơ vào thành của mình thì kết quả họ cũng không hiểu gì, không nắm rõ về bản chất vấn đề, chỉ làm hỏng thêm sự việc và thành công không được lâu dài. Những người sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, cùng học tập chia sẻ kinh nghiệm, cùng hỗ trợ nhau trong quá trình công tác thì người đó sẽ củng cố được kiến thức, học hỏi thêm được nhiều điều làm nền tảng vững chắc, là nguồn vốn phong phú cho tương lai về lâu dài.

Hãy làm một kẻ mạnh chân chính, hãy biết đưa đôi tay ra giúp đỡ những người xung quanh. Không nên ích kỉ, tham lam vô độ, không lợi dụng người khác để tư lợi cá nhân, vô tư vô tâm chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến việc đó có thể ảnh hưởng thế nào đến mọi người. Hãy hoàn thiện bản thân một cách tích cực nhất để thay đổi cái nhìn của mọi người với bạn, để tạo cho bạn một tương lai không bị cô lập, chán ghét.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *