Ôn tập văn bản “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước “

I/ TÁC GIẢ BÙI MẠNH NHỊ

– Quê quán: Xã Thành Lợi, Huyện Vụ Bản, Nam Định.

– Là phó giáo sư, tiên sĩ khoa học nghiên cứu về chuyên ngành văn học Việt Nam.

– Danh hiệu: Nhà giáo Ưu tú; Huân chương Lao động hạng Nhất.

II/ VĂN BẢN : Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước

– Xuất xứ: Trích Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường(2012).

– Phương thức biểu đạt: Nghị luận

–  Nội dung

Qua văn bản Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, tác giả Bùi Mạnh Nhị đã chứng minh rằng truyện truyền thuyết Thánh Gióng là một tác phẩm thành công, tiêu biểu viết về lòng yêu nước của dân tộc

– Nghệ thuật

+ Xây dựng được hệ thống lí lẽ và dẫn chứng sắc bén, thuyết phục để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

+ Có nhiều tìm tòi, khám phá thú vị, có giá trị về tác phẩm truyền thuyết.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1. Nêu vấn đề: Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước

– Khái quát về chủ đề đánh giặc cứu nước: Là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, văn học dân gian.

– Nêu ý kiến: Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề, là tác phẩm hay nhất cho chủ đề.

→ Cách mở đầu từ khái quát đến cụ thể để giới thiệu vấn đề chính của bài viết.

– Để làm sáng tỏ ý kiến nêu ra trong phần 1, người viết đã phân tích các chi tiết, sự kiện

2. Giải quyết vấn đề

a/ Gióng ra đời kì lạ

 – Mẹ Gióng mang thai Gióng không bình thường: ướm chân mang thai, thai 12 tháng.

– Nêu ra những sự ra đời kì lạ khác như Gióng trong truyện cổ dân gian (Lê Lợi, Nguyễn Huệ).

– Ý nghĩa sự ra đời kì lạ: Khiến nhân vật trở nên phi thường; thể hiện sự yêu mến, tôn kính với nhân vật; đặt niềm tin vào những chiến công kì lạ.

b/ Gióng lớn lên kì lạ

– 3 năm không nói, lần cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước, cứu nước. → Tiếng nói không bình thường.

– Gióng lớn nhanh, lớn bằng thức ăn, thức mặc của nhân dân. → Sức mạnh dũng sĩ được nuôi dưỡng từ những cái bình thường, giản dị. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân.

c/ Gióng vươn vai ra trận đánh giặc

– Sự vươn vai liên quan đến mô típ truyền thống:

người anh hùng phải khổng lồ về hình thể, sức mạnh, chiến công. → Tượng đài bất hủ về sự trưởng thành, hùng khí, tinh thần trước thế nước lâm nguy.

– Quang cảnh ra trận hùng vĩ, hoành tráng. → Tất cả sức mạnh, ý chí cộng đồng, thành tựu lao động, văn hóa được bộc lộ trong cuộc đối đầu giặc.

d/ Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại

– Gióng ba về trời là sự ra đi phi thường. → Sự trân trọng, yêu mến, muốn bất tử hóa nhân vật. Đây là phần thưởng cao nhất trao tặng người anh hùng.

– Chiến tích còn để lại: dấu ngựa, ao hồ,… Nhân dân kể chuyện Gióng, tổ chức Hội Gióng. → Minh chứng câu chuyện có thật, giúp mọi người tin và giữ truyền thống dân tộc.

e/ Thái độ, tình cảm của người viết

– Niềm yêu mến, say mê tìm tòi, khám phá và giải mã những giá trị văn học dân gian.

– Phát biểu quan niệm của nhân dân về hình mẫu người anh hùng, về sức mạnh đoàn kết dân tộc trong chống giặc ngoại xâm, từ đó ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc.

– Bài học rút ra: Các thế hệ người đọc sẽ lưu giữ và phát huy giá trị của các sáng tác văn học dân gian trong sống.

3. Đánh giá

– Nội dung : Qua văn bản Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, tác giả Bùi Mạnh Nhị đã chứng minh rằng truyện truyền thuyết Thánh Gióng là một tác phẩm thành công, tiêu biểu viết về lòng yêu nước của dân tộc.

– Nghệ thuật:

+ Xấy dựng được hệ thống lí lẽ và dẫn chứng sắc bén, thuyết phục để làm sáng tỏ vấn đề.

+ Có nhiều tìm tòi, khám phá thú vị, có giá trị về tác phẩm truyền thuyết.

Bài làm tham khảo

GS Bùi Mạnh Nhị  sinh năm 1955, quê ở xã Thành Lợi, Huyện Vụ Bản, Nam Định. Ông là vừa là một người thầy, một nhà thơ, một nhà lý luận phê bình và nghiên cứu văn học lỗi lạc. Ở cương vị nào, ông cũng được học trò và mọi người yêu văn chương ngưỡng mộ bởi  vốn kiến thức đồ sộ, một thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, cầu thị, một tâm hồn rộng mở… Trong mỗi tác phẩm, mỗi bài giảng, tính trí tuệ, mô phạm, sự lao động học thuật của thầy Bùi Mạnh Nhị như mạch nguồn mát trong thẩm thấu vào người tiếp nhận. Bài viết Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước là một bài viết đặc sắc, thể hiện những tìm tòi, khám phá của tác giả Bùi Mạnh Nhị về một truyền thuyết tưởng chừng xưa cũ của dân tộc.

Vấn đề nghị luận chính của bài viết được nêu ra khái quát ở nhan đề và phần mở đầu bài viết. Ngay mở đầu bài viết, nhà nghiên cứu đã khái quát về chủ đề đánh giặc cứu nước là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, văn học dân gian. Từ đó, tác giả nêu ra ý kiến bàn luận:  “Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước,  là tác phẩm hay nhất cho chủ đề”.  Cách mở đầu từ khái quát đến cụ thể để giới thiệu vấn đề chính của bài viết. Để làm sáng tỏ ý kiến nêu ra trong phần 1, người viết đã phân tích các chi tiết, sự kiện tiêu biểu của truyền thuyết Thánh Gióng ở các phần tiếp theo

Ở các phần tiếp theo của bài viết, tác giả dựa vào trình tự các sự kiện trong truyện Thánh Gióng để làm sáng tỏ ý kiến “Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước” nhưng tác giả không kể lại các sự kiện mà chủ yếu chỉ đi sâu vào phân tích các chi tiết tiêu biểu làm sáng tỏ lòng yêu nước của Gióng.

Ở sự kiện Gióng ra đời kì lạ, nhà nghiên cứu nhấn mạnh chi tiết mẹ Gióng mang thai Gióng không bình thường: ướm chân mang thai, thai 12 tháng. Tác giả còn nêu ra những sự ra đời kì lạ khác trong truyện cổ dân gian (Lê Lợi, Nguyễn Huệ). Mục đích của việc nêu ra sự ra đời kì lạ của Gióng là nhằm nhấn mạnh sự yêu mến, tôn kính với nhân vật; đặt niềm tin vào những chiến công kì lạ.

Ở sự kiện Gióng lớn lên kì lạ, nhà nghiên cứu nhấn mạnh chi tiết  3 năm Gióng không nói, lần cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước, cứu nước. Đó là tiếng nói không bình thường. Chi tiết  Gióng lớn nhanh, lớn bằng thức ăn, thức mặc của nhân dân nhằm thể hiện ý nghĩa sức mạnh dũng sĩ được nuôi dưỡng từ những cái bình thường, giản dị. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân.

Ở sự kiện Gióng vươn vai ra trận đánh giặc, nhà nghiên cứu  nhấn mạnh ý nghĩa của sự vươn vai liên quan đến mô típ truyền thống: người anh hùng phải khổng lồ về hình thể, sức mạnh, chiến công. Từ đó, tác giả khẳng định hình tượng Gióng chính là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành, hùng khí, tinh thần trước thế nước lâm nguy. Tác giả Bùi Mạnh Nhị cũng  đánh giá về quang cảnh ra trận của Gióng rất hùng vĩ, hoành tráng. Qua đó tác giả khẳng định tất cả sức mạnh, ý chí cộng đồng, thành tựu lao động, văn hóa được bộc lộ trong cuộc đối đầu giặc.

Ở sự kiện Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại, nhà nghiên cứu đã lí giải ý nghĩa của hình tượng đẹp bậc nhất trong truyền thuyết, mang đậm yếu tố kì ảo: hình ảnh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời. Theo tác giả, chi tiết này là sự ra đi phi thường của Gióng sau khi đã hoàn thành sứ mệnh đánh giặc cứu nước. Chi tiết đã thể hiện sự trân trọng, yêu mến, muốn bất tử hóa nhân vật. Đây là phần thưởng cao nhất trao tặng người anh hùng. Các chiến tích còn để lại sau chiến công của Gióng, đó là màu tre đằng ngà vàng óng do ngựa sắt phun lửa, những dấu ngựa làm thành ao hồ,…. Nhân dân kể chuyện Gióng, tổ chức Hội Gióng hằng năm. Tất cả những chứng tích ấy như muốn minh chứng câu chuyện có thật, giúp mọi người tin và giữ truyền thống dân tộc.

Qua bài viết, tác giả Bùi Mạnh Nhị đã thể hiện niềm yêu mến, say mê tìm tòi, khám phá và giải mã những giá trị văn học dân gian. Ông đã phát biểu quan niệm của nhân dân về hình mẫu người anh hùng, về sức mạnh đoàn kết dân tộc trong chống giặc ngoại xâm, từ đó ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc.

Như vậy, bằng hệ thống lí lẽ và dẫn chứng sắc bén, thuyết phục, văn bản Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước (Bùi Mạnh Nhị)  đã chứng minh rằng truyện truyền thuyết Thánh Gióng là một tác phẩm thành công, tiêu biểu viết về lòng yêu nước của dân tộc. Bài viết Thánh Gióng – tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước giúp người đọc thêm hiểu và yêu mến các giá trị của văn học dân gian, biết lưu giữ và phát huy giá trị của các sáng tác văn học dân gian trong cuộc sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *