[Ôn thi tốt nghiệp THPT] Luyện đề đọc hiểu

Đề bài: Đọc đoạn trích sau
Khi tới thăm những bản làng nghèo khổ lạc hậu khủng khiếp trên miền núi cao, tôi cứ nghĩ có
phải do họ ít đi quá. Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi? Biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống?
Tóm lại, mọi chuyến đi đều đáng giá. Đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông rung động trước một cánh đồng xanh mướt. hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ. Đi để con biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông đi để con biết kết nối với người lạ, thử những món chưa từng ăn. Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương.. Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.
Tại sao người ta phải bỏ cả đống tiền, khổ sở đày ải để leo lên đỉnh Everest? Tại sao người ta phải luyện tập thể lực cả tháng trời rồi đáp máy bay tới Việt Nam, mò mẫm trèo đèo lội suối để tới hang Sơn Đoòng? Cảnh đẹp chỉ là một phần. Quan trọng là cái thú vị của quá trình chinh phục và khám phá. Sống là phải được nếm trải cảm giác sung sướng không thể diễn tả của khoảnh khắc “A ha, ta đã làm được!”. Nó đã lắm. Không ngôn từ nào tả được!
Mấy mùa Tết gần đây nhà mình sắm Tết chỉ khoảng vài trăm ngàn. Dọn tủ lạnh và thùng rác thật sạch để có thể đi 10 ngày về không bị bốc mùi. Lên đường!
Những chuyến đi, luôn luôn tốt hơn! Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn. Có câu nói rằng: “Nếu con người sinh ra chỉ để ở chết dí ở một chỗ, thì người ta đã không cần đôi chân làm gì”. Dù với ngàn năm văn hóa lúa nước, ông bà mình khá lười dịch chuyển thì cũng phải công nhận “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
(Trích Con nghĩ đi, mẹ không biết! Thu Hà, NXB Văn học, 2016, tr. 198–199)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, những chuyến đi có giá trị gì?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu “ Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn” trong ngữ cảnh đoạn trích?
Câu 4. Suy nghĩ về giải pháp giúp những con người vùng cao thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tác giả cho rằng: Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi. Anh/Chị có đồng tình với giải pháp trên hay không? Vì sao?

Hướng dẫn làm bài 

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
– Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, những chuyến đi có giá trị gì?
Những chuyến đi sẽ giúp người đi có những trải nghiệm đáng giá:
– Đi để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông rung động trước một cánh
đồng xanh mướt. hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ
– Đi để con biết mùi mặn của mồ hôi, mùi gió ngai ngái trước cơn dông. đi để con biết
kết nối với người lạ, thử những món chưa từng ăn.
– Đi để con biết cách leo núi, lội ruộng, luồn hang, đốt lửa, nấu cơm, sơ cứu vết thương. Đi để khi trở về con thấy yêu thêm cái nhà nhỏ của mình.
→ Đi để khám phá vẻ đẹp của các vùng miền, có những trải nghiệm sâu sắc, có được cảm giác thú vị trong quá trình chinh phục các không gian và trân trọng những điều giản dị quanh mình.
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu “Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn trong ngữ cảnh đoạn trích?
Trong văn cảnh đoạn trích, câu “Nước chảy là nước trong, nước đọng là nước bẩn” được hiểu như sau:
– Nước chảy là nước trong. Khi con người thường xuyên vận động, đi đây đi đó và trải nghiệm, khám phá và chinh phục nhiều điều mới thì vốn hiểu biết trong chúng ta sẽ như dòng nước chảy thường xuyên được làm mới và trở nên sạch và trong.
– Nước đọng là nước bẩn. Ngược lại, khi con người thường xuyên ở nguyên một chỗ quen thuộc thì vốn kiến thức bị giới hạn, lâu ngày sẽ trở nên cũ rích và lạc hậu giống như dòng nước bẩn.
– Cả câu nói có hàm ý cổ vũ cho những chuyến đi chinh phục – khám phá – học hỏi; phê phán lối sống quẩn quanh trong một không gian hẹp.
– Câu nói là hoàn toàn đúng, như ông bà xưa đã từng khuyên: Đi một ngày đàng học một sàng khôn, đừng chỉ biết đến ngưỡng cửa nhà mình.
Câu 4. Suy nghĩ về giải pháp giúp những con người vùng cao thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tác giả cho rằng: Nếu giúp đỡ họ, nên chăng thay vì cho tiền cho gạo, chúng ta tổ chức cho họ những chuyến đi. Anh/Chị có đồng tình với giải pháp trên hay không? Vì sao? – Tôi đồng tình với quan điểm trên.
– Vì: biết đâu sau những chuyến đi họ sẽ tự muốn thay đổi tập quán sinh sống lạc hậu của
họ.
– Vì: những chuyến đi sẽ giúp đồng bào vùng cao bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia mở mang tầm mắt, họ sẽ tiếp cận những cái mới, nhìn thấy những điều hiện đại, học hỏi được những điều tiên tiến, để khi quay trở về họ thay đổi tư duy cũ kĩ, áp dụng những điều tốt để xây dựng cuộc sống theo hướng tích cực.
– Vì: nếu không tổ chức cho họ những chuyến đi khám phá, chúng ta sẽ không thể cho họ hay cứu trợ giúp đỡ họ cả đời được. Gạo ăn vài bữa cũng hết, tiền tiêu vài hôm cũng không còn. Nên thay vì cho con cá thì cho họ cái cần câu. Họ đi nhiều, học hỏi nhiều, sẽ tự biết cách thay đổi cuộc sống, giàu có văn minh hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *