Phân tích bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến

I/ Tìm hiểu chung

1/ Tác giả

a/ Đôi nét về cuộc đời

– Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, quê ở làng Và, xã Yên Đổ , huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

– Xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt và làm quan to.

– Là người học rộng, tài cao, đỗ đầu cả ba kì thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình) nên được người đời tôn trọng gọi bằng tên Tam nguyên Yên Đổ.

– Ông chỉ làm quan có 10 năm rồi về quê ở ẩn. Chính vì vậy, ông gắn bó rất sâu nặng với làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ à thường viết về những sự vật bình dị, gần gũi.

– Ông là một người có tấm lòng yêu nước thương dân

b/ Sự nghiệp

– Nguyễn Khuyến để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ trên nhiều thể loại , ở thể loại nào cũng có những đóng góp xuất sắc: thất ngôn bát cú, hát nói, câu đố,… Thơ văn Nguyễn Khuyến bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm nhưng chỉ có thơ văn chữ Nôm là được khâm phục hơn hết.

– Được mệnh danh là : Nhà thơ của dân tình làng cảnh Việt Nam

– Nội dung thơ văn NK:

+ Nói lên tình yêu quê hương đất nước trong sự u hoài trước cảnh đổi thay của đất nước

+ Thể hiện cuộc sống của những người dân quê, bức tranh sinh hoạt làng quê

+ Thể hiện những bức tranh biếm họa thâm trầm, sâu sắc về thực tại thời cuộc.

Cuộc đời của NK là cuộc đời của một trí thức dân tộc có tài năng lớn, sống thanh bạch, đôn hậu, gần gũi với nhân dân lao động, gắn bó sâu nặng với đất nước tuy chưa phải là một chiến sĩ cứu nước.

2/ Tác phẩm

a/ Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ nằm trong chùm ba bài thơ thu : Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm. Đây là chùm thơ đặc sắc về làng cảnh mùa thu, đặc trưng cho quê hương làng cảnh Việt Nam.

– Bài thơ được viết vào khoảng thời gian Nguyễn Khuyến từ quan về sống ẩn dật tại quê nhà (1884).

b/ Thể loại : Thất ngôn bát cú Đường luật

c/ Bố cục

– Cách 1: chia 4 phần đề, thực, luận, kết

– Cách 2: 2 phần: cảnh thu, tình thu

Đề tài: mùa thu. Đây là một đề tài quen thuộc trong thơ ca (Trong thơ cổ, chữ “thu” được ghép bằng chữ “tâm” và chữ “sầu”) . Đây là mùa gợi cảm, gieo vào lòng người những cảm xúc tinh tế.

II/ Phân tích văn bản

1/ Cảnh thu

a/ Điểm nhìn:

Bắt đầu từ ao thu, từ một chiếc thuyền con giữa lòng ao nhỏ, cái nhìn của thi nhân bao quát ra xung quanh để thấy mặt nước ao thu lạnh lẽo, trong veo với sóng nước hơi gợn tí, với lá vàng khẽ đưa vèo à hướng tầm mắt lên cao để thu vào tầm mắt khoảng trời trong xanh vời vợi à ánh nhìn lại hạ thấp, bao quát ra xung quanh  để thấy ngõ trúc quanh co, uốn lượn à cuối cùng, tầm mắt lại quay trở về điểm dừng ban đầu là chiếc thuyền câu bởi tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo đánh động.

b/ Cảnh thu

Cảnh vật:

+ Ao thu:  lạnh lẽo. “Lạnh lẽo” là từ láy vừa diễn tả cảm giác se lạnh của mùa thu, vừa diễn tả sự tĩnh lặng của không gian, cảnh vật.

+ Nước thu : trong veo, có thể nhìn xuống tận đáy, không chút vẩn đục như  in bóng mây trời.

+ Chiếc thuyền câu: Cách dùng từ “một chiếc” càng gợi sự tĩnh lặng của không gian, sự đơn độc của người đi câu. Cụm tính từ “bé tẻo teo” càng làm cho hình ảnh chiếc thuyền trở nên bé nhỏ.

+ Sóng thu : Sóng nước như phản chiếu màu cây lá, màu trời xanh, chuyển động của sóng rất nhẹ nhàng, chỉ “hơi gợn tí”.

+ Lá thu : chuyển động nhịp nhàng cùng với gió “khẽ đưa vèo” . Từ “đưa vèo” gợi hình dung về một chiếc lá rất mỏng, rất nhẹ và dường như không có trọng lượng.

+ Gió thu: nhẹ nhàng, không đủ sức để tạo nên những con sóng lớn cho nên khiến sóng thu chỉ hơi gợn tí và gió cũng chỉ đủ sức bứt chiếc lá vàng sắp lìa cành cuốn theo chiều gió.

+ Tầng mây: lơ lửng . Dường như làn gió thu nhẹ nhàng, thổi rất khẽ đã làm cho tầng mây không bay mà chỉ lơ lửng giữa nền trời.

+ Trời : xanh ngắt. Xanh ngắt là một nền trời màu xanh đậm, không một gợn mây. Từ “xanh ngắt” còn gợi độ sâu, độ rộng của không gian và cái nhìn vời vợi của nhà thơ nữa.

+ “Ngõ trúc quanh co”: Từ láy “quanh co” gợi nhớ những con đường rợp bóng tre trúc, thăm thẳm, hút sâu.

Cảnh thu thanh sơ, gần gũi, quen thuộc, gợi hồn quê dân dã.

Màu sắc: có màu biếc của sóng, màu xanh của da trời, màu vàng của lá kết hợp với sự trong veo của nước để tạo thành một bức tranh hài hòa với những màu sắc thanh đạm.

Màu sắc dân dã, mang đậm nét hồn quê

Đường nét: mảnh mai, tinh tế với đường quanh co của ngõ trúc , với đường gợn của sóng nước ao thu.

Âm thanh:

+ sóng nước “hơi gợn tí”, lá vàng “khẽ đưa vèo” gợi sự chuyển động rất nhỏ

Thủ pháp lấy động tả tĩnh của Đường thi . Âm thanh đó không làm cho cảnh thu thêm nhộn nhịp , náo động mà trái lại càng làm cho bức tranh thu thêm yên tĩnh, vắng lặng hơn. Trong một không gian yên tĩnh như vậy, ta mới cảm nhận được sự chuyển động rất nhẹ, rất khẽ của sóng, của lá.

Không gian thu hiện lên với những đường nét thanh sơ, êm đềm, tính lặng nhưng thoáng một nỗi buồn u uẩn.

2/ Tình thu – bài thơ thể hiện tâm sự kín đáo của nhà thơ

a/ Trong sáu câu đâu

Đó là một tâm trạng u hoài, một tâm hồn yên tĩnh, một cõi lòng vắng lặng mênh mông, một nỗi cô đơn thăm thẳm. Gam màu lạnh của sắc xanh : xanh nước, xanh sóng, xanh trời đã gợi lên khí thu hiu hắt hay cũng chính là cái lạnh trong tâm hồn nhà thơ lan tỏa ra cảnh vật.

Hình ảnh thơ “Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo” vừa thể hiện cái không gian vắng lặng, “vắng teo” là vắng ngắt, không người qua lại. Nhưng đồng thời cũng khẳng định phẩm chất cốt cách của nhà thơ. Trúc là hình ảnh thường gắn với biểu tượng người quân tử, Nguyễn Khuyến chọn con đường ở ẩn là để giữ trọn thân danh, khí tiết, giữ lấy cao khiết của nhân cách và tránh xa cuộc đời phàm tục.

Bức tranh thu đẹp nhưng thấm đẫm nỗi buồn, hiu quạnh thể hiện tâm sự cô đơn, cô quạnh của thi nhân.

b/ Trong hai câu cuối

Bức tranh thu đã có sự xuất hiện của con người qua các hành động : tựa gối, ôm cần.

Tâm thế nhàn nhã: sự chờ đợi mà không chờ đợi, không kêu ca buồn phiền về việc không được cá “lâu chẳng được” mà dường như đang suy nghĩ mông lung để cuối cùng thờ ơ với việc “cá đâu đớp động với chân bèo”. à Rõ ràng, người đi câu nhưng không chú tâm đến việc câu cá và đó cũng chẳng phải là mục đích khiến ông “ôm cần”.

Từ “đâu” trong câu thơ “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” là một từ đã làm nhòe đi tính xác định rõ ràng của câu thơ. Chúng ta có thể hiểu câu thơ theo cách nào cũng được:

+ Nếu hiểu “đâu” có nghĩa là đâu đây thì ý thơ sẽ là có cá đang đớp động dưới chân bèo . Nếu hiểu theo cách này thì câu thơ lại cho thấy sự thờ ơ của người đi câu bởi có cá đớp động nhưng người câu chẳng còn để ý. Cái dáng “tựa gối ôm cần” là một hình ảnh tĩnh, cho thấy người câu không làm gì cả.

+ Nếu hiểu “đâu” là đâu có, không có thì ý thơ sẽ là không có con cá nào. Mặt nước ao thu trong veo như vậy thì làm gì có cá. Sự chờ đợi vô vọng thể hiện ở dáng ngồi gần như là bất động. Biết là không có cá mà vẫn đi câu thì chắc chắn câu cá không phải là mục đích của người “tựa gối ôm cần”.

Tiểu kết:

Trở về vườn Bùi chốn cũ  để tìm sự thanh thản sau 10 năm trên con đường hoạn lộ nhưng Nguyễn Khuyến vẫn chưa nguôi tấm lòng ưu thời mẫn thế. Đi câu chỉ là cái cớ, đi câu mà không để tâm vào câu, muốn tìm chốn bình yên nhưng tâm vẫn trăn trở với thời cuộc.

Mở rộng hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: đất nước rơi vào tay giặc:

Vua chèo còn chẳng ra gì

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề

Cách xuất xử (ra làm quan hay ở nhà) của Nguyễn Khuyến phản ánh sự phức tạp trong tư tưởng của ông. Trong “Thu điếu ” cũng phần cho thấy sự phức tạp đó. Chủ thể muốn tìm sự bình yên khi ôm cần, buông câu, đắm chìm trong cảnh vật nhưng vẫn không thể thôi trăn trở, ưu tư với sự đời.

Nét đẹp tâm hồn rất đáng trọng, đáng quý ở Nguyễn Khuyến.

Qua bài thơ, ta cảm nhận được ở ông một tâm hồn yêu thiên nhiên, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà sâu sắc.

III/ Tổng kết

1/ Nghệ thuật

Sử dụng hình ảnh thơ gần gũi, chọn lọc

Sử dụng bút pháp liên tưởng, tả cảnh ngụ tình, lấy động tả tĩnh trong văn học trung đại

Ngôn ngữ tinh tế, sử dụng nhiều từ láy, phép điệp vần

Cách gieo vần eo độc đáo góp phần diễn tả không gian thu nhỏ, khép kín của cảnh thu ở nông thôn cũng rất phù hợp với tâm trạng nhiều uẩn khúc của tác giả.

2/ Nội dung

Cảnh mang vẻ đẹp điển hình cho mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ, của quê hương làng cảnh Việt Nam. Cảnh đẹp nhưng đượm buồn.

Bài thơ vừa cho thấy tình yêu quê hương , đất nước, vừa cho thấy tâm sự thời thế của tác giả.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *