Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông Nguyên, từng làm đến chức Điện Suý và được ca ngợi là văn võ toàn tài. Phạm Ngũ Lão chỉ để lại hai bài thơ (“Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”), nhưng tên tuổi của ông vẫn đứng cùng ngang hàng với những tác gia danh tiếng nhất của văn học đời Trần. Và ra đời trong bối cảnh cả dân tộc Đại Việt đang sục sôi khí thế “Sát Thát”, bài thơ “ Thuật hoài” chính là bức chân dung tự họa về vẻ đẹp của con người trong thời đại hào khí Đông A.
Trước hết, bài thơ “Thuật hoài” đã gợi ra hình ảnh người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp đầy hùng tâm, tráng chí. Tác giả đã khắc hoạ hình ảnh kỳ vĩ của người anh hùng cứu nước trên nền hào hùng của thời đại. Người anh hùng ấy thật mạnh mẽ, bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước:
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
(Múa giáo non sông trải mấy thu)”
Con người hiện lên qua câu thơ đầu mang một tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao mạnh mẽ. Câu thơ dựng lên hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo để trấn giữ đất nước. Cây trường giáo ấy dường như được đo bằng chiều ngang của non sông, nghĩa là chủ nhân cầm cây giáo ấy phải mang kích cỡ, tầm vóc vũ trụ. So với bản phiên âm, phần dịch thơ vẫn chưa diễn tả được hết sức mạnh, vẻ đẹp của tráng sĩ. Trong bản phiên âm, vẻ đẹp hiên ngang, lẫm liệt được thể hiện ở ngay tư thế “Hoành sóc”- cầm ngang ngọn giáo. Còn ở bản dịch thơ mới chỉ dịch là “Múa giáo”, là hành động gợi sự phô diễn, khoa trương… chưa thể hiện được hết sự kì vĩ, vững chắc. Sự kì vĩ ấy càng hiện rõ trong mối quan hệ với không gian và thời gian: không gian mở ra theo chiều rộng sông núi, thời gian được đo đếm bằng mùa, năm (kháp kỷ thu)chứ đâu phải chỉ trong chốc lát
Hơn nữa, sự kì vĩ, hào hùng của hình tượng người anh hùng càng được nâng lên qua khí thế hào hùng của thời đại:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)”
Hình ảnh “ba quân” là để nói về quân đội nhà Trần nhưng đồng thời còn là hình tượng biểu trưng cho sức mạnh dân tộc. Ở đây nghệ thuật so sánh đã vừa cụ thể hoá sức mạnh vật chất ba quân (mạnh như hổ báo) vừa hướng tới khái quát hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A (khí thế át sao trời). Ở câu thơ này, phần dịch thơ với cụm từ “nuốt trôi trâu” cũng chưa diễn tả được hết sức mạnh của quân đội như “khí thôn ngưu” trong bản phiên âm, với cách hiểu sức mạnh của ba quân lấn át cả sao ngưu trên trời có lẽ sẽ diễn tả rõ hơn vẻ đẹp hào tráng đậm chất lãng mạn của quân đội nhà Trần.
Như vậy, hai câu thơ đầu đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, mối quan hệ hữu cơ giữa người anh hùng và thời đại anh hùng, giữa một công dân anh hùng và một dân tộc anh hùng.
Không chỉ đẹp ở sự kì vĩ, lẫm liệt, hào hùng, hình tượng người anh hùng còn đẹp bởi cái chí, cái tâm cao cả. Đó là con người ôm ấp hoài bão, lí tưởng thật cao đẹp. Với Phạm Ngũ Lão, lí tưởng sống mà ông hướng tới là đánh giặc lập công để đền ơn vua, báo nợ nước. Lý tưởng cao đẹp ấy được thể hiện qua món nợ công danh và nỗi thẹn với vĩ nhân:
“Công danh nam tử còn vướng nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”
Hai câu thơ đã thể hiện hùng tâm, tráng chí của người anh hùng thời Trần. Đó là lí tưởng sống của bao trang nam nhi thời phong kiến:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
(Nguyễn Công Trứ)
Câu thơ của Phạm Ngũ Lão đã nói lên khát vọng lập nên công danh sánh ngang với bậc tiền nhân lỗi lạc. Và ý thơ cũng ẩn chứa một lời thề trọn đời cống hiến, xả thân cho vương triều nhà Trần, cho non sông đất nước Đại Việt. Hùng tâm tráng chí của người anh hùng được thể hiện ở ngay nỗi “thẹn”- thẹn chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc cứu nước. Đây là cách nói thể hiện khát vọng, hoài bão được đem hết tài trí để cống hiến cho đất nước. Sau này trong văn chương, chúng ta cũng bắt gặp những cái “thẹn” rất cao đẹp như trong thơ Nguyễn Khuyến:
“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”
(Thu vịnh)
Với Nguyễn Khuyến đó là cái “thẹn” của một nhà nho – nghệ sĩ. Còn trong “Thuật hoài” là nỗi thẹn của bậc anh hùng – nghệ sĩ.
Và vẻ đẹp của người anh hùng “Sát Thát” ấy được Phạm Ngũ Lão khắc hoạ bằng bút pháp rất đặc sắc: ngôn ngữ tráng lệ, kĩ vĩ, gợi ra dáng vóc của những người anh hùng thần thoại, những người dũng sĩ trong sử thi…. Đặc biệt, là bài thơ tỏ chí, tỏ lòng nhưng không hề khô khan bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng, hàm súc, giàu ý nghĩa.
Bài thơ là bức chân dung tự hoạ của người dũng tướng thời Trần đầy hào hùng, trên cái nền đất nước tràn đầy sức mạnh quật cường. Hơn nữa, hình tượng thơ là kết tinh của tinh thần yêu nước và phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam. Bởi vậy cùng với “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão sáng ngời hào khí Đông A, sẽ còn vang vọng mãi với non sông đất nước.