Phân tích khổ cuối bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

I. Mở bài

Giới thiệu chung:

– Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thơ quân đội, đã được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ 1972 – 1973, một gương mặt tiêu biểu cho lớp nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.

– Tập thơ “Ánh trăng” của ông được tặng giải A của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1984. Trong đó, có bài thơ mà tựa đề dùng làm nhan đề cho cả tập thơ : Ánh Trăng. Bài thơ là một câu chuyện riêng nhưng có ý nghĩa triết lý như một lời tự nhắc nhở thấm thía của nhà thơ về lối sống nghĩa tình, thủy chung với quá khứ gian lao, với thiên nhiên, đất nước và đồng đội.

– Khổ thơ cuối bài thơ cho ta thấy sự thức tỉnh của con người và nhắc nhở đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

II. Thân bài

*Phân tích

– Hai câu thơ đầu thiết lập một quan hệ đối lập: trăng vẫn thủy chung, nghĩa tình, con người thì đã bạc bẽo, vô tình. Nhưng chính sự đối lập ấy làm thức tỉnh suy nghĩ sâu sắc.

– “Trăng”:“tròn vành vạnh”: ẩn dụ cho nghĩa tình không bao giờ thay đổi, không bao giờ vơi cạn của nhân dân, đất nước. “im phăng phắc”: bao dung, độ lượng và nghiêm khắc, cái im lặng chứa đựng lời nhắc nhở, cảnh báo, khiến con người thức tỉnh.

– Người “giật mình” thức tỉnh:

Nhận ra những cám dỗ vật chất khiến con người đánh mất đi những giá trị tinh thần đẹp đẽ, khiến tâm hồn họ trống rỗng, nghèo nàn. Nhận ra: không được lãng quên quá khứ, không được thờ ơ, bội bạc với nghĩa tình sâu nặng, thiêng liêng. Biết trở về nâng niu, trân trọng quá khứ; biết sống ân nghĩa, thủy chung.

=> Với khoảnh khắc giật mình, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mãnh liệt của lương tâm, lương tri con người.

=> Từ đó bài thơ truyền tải đến người đọc lời đề nghị về lẽ sống ân tình, thủy chung: biết trân trọng quá khứ cũng như những điều tốt đẹp từng làm nên ý nghĩa của cuộc đời mỗi con người…

*Nghệ thuật

– Biện pháp nhân hóa khiến trăng giống như là một người bạn dù trong hoàn cảnh nào vẫn thủy chung, tròn đầy, lặng lẽ, sáng trong: “Trăng cứ tròn vành vạnh/ Kể chi người vô tình”. Hình ảnh trong bài thơ vừa cụ thể vừa có tính khái quát, mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, gợi nhiều suy tưởng, triết lí.

– Giọng điệu tâm tình tự nhiên, sâu lắng, khiến cho lời đề nghị về lẽ sống dễ được tiếp nhận và thấm sâu trong trái tim người đọc.

*Bài học cuộc sống rút ra từ đoạn thơ:

– Bài thơ giúp người đọc nhìn nhận lại chính mình, dũng cảm đối diện với những sai lầm, khuyết điểm

– Biết day dứt, trăn trở trước những giờ phút sống vô tâm, vô tình… để từ đó vươn đến những lẽ sống cao đẹp.

III. Kết bài

*Đánh giá chung:

– Để tạo nên một tác phẩm chân chính, mỗi người nghệ sĩ cần phải sống sâu sắc với cuộc đời và với chính mình; biết tự vượt lên những suy nghĩ, tình cảm nhỏ hẹp mang tính cá nhân để đạt đến những lẽ sống lớn, tình cảm lớn của thời đại.

– Mặt khác, người đọc cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong việc tiếp nhận những giá trị nội dung tư tưởng của một tác phẩm văn chương, từ đó trau dồi nhân cách, vươn lên những lẽ sống cao đẹp ở đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *