Thạch Lam là một cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam trước năm 1945. Ông là nhà văn thành công với thể loại truyện ngắn với phong cách viết văn bình dị, giàu cảm xúc và đậm chất thơ. Các tác phẩm của ông ẩn chứa niềm tin yêu, trân trọng đối với thiên nhiên và con người. Truyện “Gió lạnh đầu mùa” mãi mãi để lại trong lòng người sự ấm áp của tình người và tình đời. Với cốt truyện đơn giản nói về chuyện cho áo, trả áo rét giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ nơi phố huyện nghèo, cách chúng ta ngày nay trên 60 năm trời, truyện ca ngợi tình yêu thương chia sẻ ấm áp, trong trẻo của con người với con người, đặc biệt tình yêu thương vô tư của trẻ thơ. Trong đó tiêu biểu là nhân vật Sơn.
Cách kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, theo dòng cảm xúc của nhân vật Sơn, nhà văn đưa người đọc vào thế giới cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ. Mùa đông giá lạnh đã đến, hai chị Lan và Sơn được mặc quần áo đẹp đẽ và ấm áp. Hai chị em Sơn ra xóm chợ chơi và thấy những người bạn nghèo mặc những bộ quần áo bạc màu, nhiều chỗ vá. Đặc biệt là em Hiên chỉ có mang áo rách tả tơi, co ro chịu rét. Chị Lan hăm hở về lấy áo cho Hiên, Sơn cảm thấy trong ḷòng ấm áp, vui vui. Chuyện cho áo đến tai người thân, lo sợ bị mẹ mắng, hai chị em đi tìm Hiên đòi áo. Mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại áo bông. Biết hoàn cảnh của gia đình Hiên, mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn tiền may áo mới cho con. Cốt truyện đơn giản, với chi tiết miêu tả tinh tế, Thạch Lam cho người đọc khám phá vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ, đặc biệt là nhân vật Sơn.
Truyện mở đầu bằng cảnh gió lạnh, đó là một buổi sáng mùa đông. Trời đang ấm, chỉ qua một đêm mưa rào, bỗng gió rét thổi về. Ai cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn “tung chăn tỉnh dậy”, em nhìn ra ngoài sân, nghe “gió vi vu…”, âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô. Những khóm lan “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”… Sơn cảm nhận rất rõ cái lạnh đầu mùa, em được mẹ, chị Lan chăm sóc ân cần, mẹ nhắc chị Lan lấy áo cho em áo ấm. Gia đình Sơn thuộc tầng lớp trung lưu, nên em được ăn mặc rất sạch đẹp, em mặc áo dạ đỏ lẫn áo vệ sinh, áo vải thâm bân ngoài. Sơn cảm nhận được sự biến đổi của thiên nhiên, cảnh vật khi bước vào mùa đông. Cậu bé còn cảm nhận được không khí ấm áp, tình yêu thương của mẹ, của vú già. Khi vú nhắc đến chuyện chiếc áo bông, mẹ Sơn nhắc đến em Duyên, người em, đã mất nhớ em, Sơn cảm động và thương em quá. Sơn thấy mẹ rơm rớm nước mắt. Có thể nói, ngay đầu tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình Sơn, cảm nhận được Sơn là cậu bé ngoan ngoãn, sống giàu tình cảm, tinh tế biết quan sát và cảm nhận được tâm trạng cảm xúc của người thân.
Trái ngược với cuộc sống đầy đủ, sung túc của gia đình Sơn, những đứa trẻ xóm chợ rất đáng thương. Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc vẫn mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó ‘tím lại’’, chỗ áo quần rách ‘da thịt thâm đi’. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại ‘run lên’, ‘hai hàm răng đập vào nhau’. Thạch Lam rất nhân hậu khi ông nói về tình bạn tuổi thơ. Khi thấy chị em Sơn, chúng rất “ vui mừng”, nhưng “vẫn đứng xa, không dám vồ vập”. Trong đám trẻ ấy có cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên “co ro đứng bên cột quán”, chỉ mặc có “manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay”.
Người đọc có thể thấy hoàn cảnh của những đứa trẻ rất khác biệt. Trong khi chị em Sơn sống trong gia đình sung túc, được mặc ấm, mặc đẹp thì bọn trẻ con nhà nghèo ăn mặc rách rưới, thiếu thốn đáng thương. Nhưng tình bạn trong sáng của những đứa trẻ khiến người đọc ấm lòng khi đọc tác phẩm. Sơn và chị đều là những đứa sống giàu tình thương, tốt bụng, trong sáng, đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn. Với các bạn, Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn (thể hiện qua các chi tiết quan sát hình ảnh của các bạn khi trời rét, chơi đùa..). Với Hiên, chị Lan dơ tay vẫy một con bé từ nãy vẫn đứng dựa vào cột, chị Lan ân cần hỏi han “Sao không lại đây Hiên, lại đây chơi với tôi”, “sao áo Hiên rách thế, áo lành đâu sao không mặc”. Nghe cái Hiên “bịu xịu” nói với chị Lan là “hết áo rồi, chỉ còn cái áo này”, bấy giờ Sơn mới chợt nhớ ra “mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa”.
Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Sơn đã “động lòng thương” bạn và một “ý nghĩ tốt thoảng qua”… Sơn đã nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Chị Lan “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Sơn yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy ‘ấm áp vui vui’. Chiếc áo bông cũ đối với cái Hiên lúc bấy giờ là vô giá. Em đang sống trong cảnh nghèo, đói rét. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho cái Hiên chứa đựng biết bao tình người, thể hiện tình cảm san sẻ “lá lành đùm lá rách”. Trong gió lạnh đầu mùa mà thế giới trẻ con lại ấm áp tình người cao quý. Ý nghĩ, hành động cho bạn áo ấm của Sơn và chị Lan là hành động thể hiện yêu thương vô tư, trong sáng của những đứa trẻ.
Vẻ đẹp tâm hồn của Sơn lại được thể hiện ở nét đẹp đáng yêu, sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng ở cuối truyện. Câu chuyện cho áo được đẩy lên cao trào khi vú già biết chuyện cho áo bạn. Đó là chiếc áo của em Duyên, người em đã mất của Sơn, chiếc áo là vật kỉ niệm vô giá mà mẹ Sơn giữ gìn. Hai chị em Sơn đổ lỗi cho nhau, bỏ ra khỏi nhà, đi đến chiều mới về. Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn . Bởi vì đó là tâm lý và hành động bình thường của một đứa trẻ khi tự ý mang đồ dùng ở nhà đi cho người khác và sợ bị mẹ mắng. Hành động hồn nhiên, ngây thơ của Sơn và chị. Từ đó, tác giả ca ngợi vẻ đẹp trong sáng, đáng yêu của những đứa trẻ.
Câu chuyện khép lại bằng hình ảnh ấm lòng người qua cách cư xử của những người mẹ khi biết chuyện cho áo của bọn trẻ .Tấm lòng của những người mẹ khiến trang văn của Thạch Lam tàn đầy niềm tin yêu về tình người, tình đời. Mẹ Hiên không cho con lấy đồ của người khác, đó là đức tính “đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Hiên tuy nghèo nhưng giàu lòng tự trọng. Còn mẹ Sơn, cách ứng xử bà với hai con thật đáng quý. Mẹ Sơn trách yêu hai con mình “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng à?”, với cử chỉ “âu yếm ôm con vào lòng” chứa đựng biết bao tình thơm thảo. Đặc biệt khép lại câu chuyện là hành động vay tiền để mua áo ấm cho con là những nét tươi sáng, ấm áp chứa đựng tình nghĩa, sự chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Ðó là một việc làm đầy tình nghĩa, ấm áp tình người.
Tóm lại, sức hấp dẫn của truyện “Gió lạnh đầu mùa” là ở cách kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, theo dòng cảm xúc của nhân vật. Nhân vật được xây dựng qua nhiều phương diện như hành động, lời nói nhưng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng về chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc…Đặc biệt truyện ngắn đã kết hợp kể và miêu tả cảnh thiên nhiên đặc sắc, có tình huống đặc sắc, có những chi tiết truyện giàu ý nghĩa. Qua đó Thạch Lam đã ca ngợi tình yêu thương chia sẻ ấm áp, trong trẻo của con người với con người, đặc biệt tình yêu thương vô tư của trẻ thơ. Tác phẩm còn ẩn chứa niềm tin yêu, trân trọng của tác giả đối với con người.
Cùng với nhiều truyện ngắn đặc sắc như Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén… truyện Gió lạnh đầu mùa đã làm nên tên tuổi của Thạch Lam. Ông đã dành cho tuổi thơ những trang văn đậm đà, trong sáng. Và ta càng thấy rõ tình nhân đạo thấm đẫm làm nên chất thơ trong truyện ngắn Thạch Lam. Vì thế, truyện “Gió lạnh đầu mùa” mãi mãi để lại trong lòng người sự ấm áp của tình người và tình đời.